Báo cáo nhân quyền của Việt Nam được đánh giá cao

Ngày 8/5, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneve, Thụy Sỹ, Nhóm làm việc của Hội đồng nhân quyền theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR) về tình hình bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở các quốc gia thành viên đã xem xét báo cáo của Việt Nam.

Báo cáo nhân quyền của Việt Nam được đánh giá cao - 1

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Liên Hợp Quốc. (Ảnh: UN Photo)
 
Tham dự khóa họp có đầy đủ 192 thành viên của Hội đồng nhân quyền, nhiều tổ chức trực thuộc Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác. Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự khóa họp với sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan nhà nước có liên quan.

Trình bày báo cáo tại cuộc đối thoại, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội đồng nhân quyền Phạm Bình Minh nêu rõ rằng, Việt Nam coi trọng việc chuẩn bị Báo cáo UPR để thực hiện nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, rút kinh nghiệm và đảm bảo ngày càng đầy đủ hơn quyền con người ở Việt Nam và tăng cường hợp tác quốc tế.

Thứ trưởng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội. Ở Việt Nam, các dân tộc chưa từng có xung đột sắc tộc và các tôn giáo cùng chung sống hòa bình. Bảo đảm quyền con người là nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam vì đã từng bị tước bỏ những quyền tự do cơ bản nhất khi phải làm người dân thuộc địa và đã trải qua muôn vàn hy sinh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc để giành lại quyền sống.

Sau khi nêu bật sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về các loại hình thông tin đại chúng, đời sống tín ngưỡng sinh động và phong phú trong xã hội Việt Nam, cũng như việc đảm bảo quyền của phụ nữ, trẻ em và người tàn tật, Thứ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh rằng chính nhờ việc đảm bảo các quyền con người, các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa ở Việt Nam đã có những bước tiến lớn.

Thứ trưởng cũng thừa nhận ở Việt Nam vẫn còn những bất cập, khó khăn tồn tại cần giải quyết, trong đó hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, có chỗ còn chồng chéo mâu thuẫn, chưa theo kịp thực tiễn, dẫn đến khó khăn, thậm chí hiểu sai làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo tính hợp hiến, tính khả thi và minh bạch trong qua trình đảm bảo quyền con người.

Sau phần trình bày của Thứ trưởng Phạm Bình Minh, đại diện 60 nước ASEAN, châu Á, châu Âu, châu Phi, và châu Mỹ đã trực tiếp tham gia đối thoại với Việt Nam. Các đại biểu đều đánh giá Báo cáo của Việt Nam được chuẩn bị công phu, cung cấp thông tin toàn diện về tình hình đảm bảo quyền con người ở Việt Nam, có sự tham gia rộng rãi của các cơ quan nhà nước, các tổ chức quần chúng, và nhận được đóng góp của người dân.

Cách đề cập cởi mở của Việt Nam nhận được sự hoan nghênh rộng rãi. Nhiều nước nhấn mạnh trình bày của trưởng đoàn Việt Nam đã nêu bật bức tranh tổng thể, đồng thời đề cập cụ thể những vấn đề các nước quan tâm về chính sách, cam kết cũng như kết quả đạt được về đảm bảo quyền con người của Việt Nam.

Nổi bật trong phát biểu của các nước là sự đánh giá cao đối với những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới của nhân dân Việt Nam và cam kết rõ ràng của Việt Nam đối với việc thúc đẩy quyền con người. Tại cuộc họp, cũng có một số ý kiến còn dựa trên thông tin sai lệch, phản ánh không khách quan tình hình dân chủ và đảm bảo quyền con người ở Việt Nam. Trong tinh thần đối thoại cởi mở, chân thành, đoàn Việt Nam đã khẳng định lại chính sách rõ ràng, nhất quán của Nhà nước Việt Nam, đồng thời cung cấp thông tin và trao đổi thẳng thắn đối với các ý kiến này của một số nước.

Cơ chế UPR được thành lập theo Nghị quyết 60/251, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 15/3/2006. Tới nay, Hội đồng nhân quyền đã tiến hành 4 khóa họp xem xét báo cáo của 64 quốc gia thành viên. Khóa họp hiện nay là khóa họp thứ năm được tiến hành từ ngày 4 đến 15/5/2009, xem xét báo cáo của 16 nước, trong đó có Việt Nam.

TheoTTXVN