1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đề nghị bỏ loa phường: Dân Thủ đô nhiều người mừng, ít người tiếc

(Dân trí) - Nhiều người cho rằng trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, loa phường lợi ích thì ít, phiền hà gây ra thì quá nhiều, đặc biệt đối với những gia đình có người già, trẻ nhỏ. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng, nhờ loa phường họ mới nắm rõ được nhiều thông tin chung...

Trong Hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Đến giai đoạn hiện nay, chúng ta cần đánh giá, rà soát lại hoạt động của loa phường, nếu thấy không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi.

Quan điểm đó của Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Nhà dân có người chết mà loa hát "chưa có bao giờ đẹp như hôm nay"...

Bạn đọc Nam Phạm nêu mong muốn thành phố sớm loại bỏ loa phường vì nó là nỗi ám ảnh của gia đình. “Loa phóng thanh gần nhà đã làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của gia đình tôi trong suốt nhiều năm nay”, bạn đọc Nam Phạm chia sẻ với Dân trí.


Hà Nội sẽ xem xét lại hiệu quả của loa phát thanh ở từng khu vực

Hà Nội sẽ xem xét lại hiệu quả của loa phát thanh ở từng khu vực

Bạn đọc Nguyễn Chí Tường nhớ lại những năm trước đây, Hà Nội còn có loại loa truyền thanh lắp đến từng khu vực nhà dân, trong đó ai muốn nghe thì mở, còn ai không muốn nghe thì tắt. Đặc biệt, người dân nào muốn nghe đài phường thì đăng ký, phường sẽ chủ động kéo loa vào tận khu gần nhà để nghe cả ngày.

“Nếu làm được như trước đây thì tốt, vì ai thích nghe thì nghe, ai không nghe thì thôi. Điều này bảo đảm được quyền riêng tư của mọi người. Theo tôi nên bỏ loa treo ở ngọn tre, cột điện đi”, bạn đọc Nguyễn Chí Tường nói.

Bạn đọc Lê Hưng chia sẻ, trong quá khứ khó khăn, thiếu thốn thông tin thì loa phường phát huy rất hiệu quả. Còn bây giờ thời buổi công nghệ thông tin phát triển, trong khi đó phát thanh phường vẫn dùng loa nén công suất lớn, cùng với tiếng ồn ngoài phố, càng làm cho nhân dân khổ đủ bề đặc biệt là những gia đình có người cao tuổi và trẻ nhỏ.

“Đã có nhiều câu ví von về con người như cái loa phường rồi, nhiều khi nó như một công cụ tra tấn thần kinh với những hộ gia đình được loa phường ngự gần nhà. Thôi thấy làm như ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói là rất hợp lý”, bạn đọc Phan Vũ chia sẻ.

Cùng quan điểm bỏ loa phường, ban đọc Trần Ngọc Phan còn chia sẻ cạnh nhà mình có cái loa phường, đều đặn gần như ngày nào cũng vậy cứ từ 6h30 là mở rất to, điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của gia đình. “Cách tuyên truyền như vậy nhiều khi không hiệu quả, mà còn gây phản cảm. Ông Chung đề nghị rà soát, đánh giá lại tác dụng của loa phường là rất đúng”, bạn đọc Phan nêu.

Bạn đọc Nguyễn Quốc Tiến cho biết, mình đi làm ca 2 giờ sáng mới về đến nhà, thì chỉ ngủ được khoảng hơn 2 tiếng thì đến 5h30 đã bị loa phường đánh tỉnh giấc. Chính vì vậy, anh Tiến đề nghị Hà Nội nên dẹp bỏ loa phường. Điều này theo anh Tiến đỡ gây phiền hà cho dân, lại tiết kiệm được một khoản kinh phí nuôi hệ thống phát thành viên cấp phường.

“Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu ra vấn đề này rất chuẩn. Sứ mệnh hệ thống loa đài cấp phường Hà Nội hiện đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị thời đại và nay nên bỏ. Cấp phường nên xây dựng trang web riêng của từng phường để người dân có thể tiện theo dõi”, bạn đọc Nguyễn Sỹ Hiến đánh giá.

Bạn Lành Hồng Mạnh nêu ra vấn đề rất “vô duyên” của cái loa phường đó trong nhiều trường hợp nhà dân có người chết, nhưng loa phường cứ phát oang oang “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay…”. “Thử hỏi loa phường phát trong trường hợp như vậy thì người dân có muốn leo ngay lên cột bịt cái loa “vô duyên” lại hay không?”, bạn đọc Mạnh chi sẻ.

Bạn đọc Hữu Lê cũng đồng tình với ý kiến của Chủ tịch TP Hà Nội rằng loa phường đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử”. Theo anh Hữu Lê việc này lẽ ra ông Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao phải đi trước, đề xuất chứ không cần để ông Chủ tịch và TP quyết định. Theo anh Lê thì người dân Thủ đô bây giờ không còn nhu cầu loa phường nữa, để nó tồn tại thêm phiền toái.

"Mẹ em biết hôm nào có lương hưu mà đi lĩnh?"

Mang tâm tư trái ngược, bạn đọc Hoàng Gia lại cho rằng, trong nhiều trường hợp nhờ "cái loa phường sắp hết thời" ấy mà ở nhà nhiều người già biết được lịch phát lương, thông tin tình hình toàn phường và các kế hoạch, chính sách của nhà nước, cũng như lịch triển khai công việc của các ban ngành.

“Các anh chị em comment ở đây đa phần còn trẻ, lướt web như gió! Chỉ thương mẹ em không biết hôm nào có lương mà đi lĩnh!”, bạn Hoàng Gia chia sẻ đầy tâm tư.

Cùng quan điểm trên, ban đọc Trần Thanh Hải cho rằng, bản thân loa phường không có tội, mà tội lớn nhất thuộc về người treo loa không đúng chỗ và phát không đúng thời điểm.

Còn bạn đọc Võ Phú Quảng đặt vấn đề, nếu bỏ loa phường đi, thì trong trường hợp có thiên tai như động đất, sóng thần, mưa bão… sẽ thông tin tới dân ra sao?

“Trạm phát thanh với tôi là văn hóa, trong trường hợp thiên tai mọi công cụ không hiệu quả bằng loa phường, nó đưa thông tin tức thời đến với người dân”, ban đọc Quảng đánh giá cao hiệu quả của loa phường.

Quang Phong