1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Ban đêm kênh Ba Bò ô nhiễm hơn ban ngày tới 16 lần

(Dân trí) - Theo kết quả điều tra của trung tâm chống ngập thì lượng ô nhiễm của kênh Ba Bò vào ban đêm thường cao hơn ban ngày 3-4 lần, có khi lên đến 16 lần, dù các đơn vị đã tiến hành cải tạo, nạo vét rác cho dòng kênh này cả năm nay.

Ban đêm kênh Ba Bò ô nhiễm hơn ban ngày tới 16 lần  - 1

Nước kênh Ba Bò luôn có màu cà phê như thế này.
 
Trong cuộc họp giải trình việc điều chỉnh dự án kênh Ba Bò, ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM, bức xúc: “Qua số liệu cho thấy kênh Ba Bò vẫn ô nhiễm, ban đêm lại cao hơn ban ngày”.

 

Tuần trước, ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TPHCM, đã đến kiểm tra kênh Ba Bò sau một năm cải tạo thì nhận thấy nước kênh vẫn còn ô nhiễm, có màu đen đục lờ nhờ. Sau khi đem nước về xét nghiệm, kết quả cũng cho thấy hàm lượng các chất ô nhiễm đều cao hơn rất nhiều lần so với chỉ số quy định.

 

Ông Thảo cho rằng: “Chúng ta cải tạo có, kiểm tra có, nhưng doanh nghiệp vẫn là doanh nghiệp. Đây là cuộc chiến đấu lâu dài, liên tục, bất cứ cơ quan nào lơ là là ô nhiễm tăng cao trở lại ngay”.

 

Theo ông thì dù các doanh nghiệp ở các KCN thuộc tỉnh Bình Dương đã đấu nối vào nhà máy xử lý chất thải, nhưng do các nhà máy này công suất đều quá nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu nên đã xả thải chưa xử lý ra dòng kênh. 

 
Ban đêm kênh Ba Bò ô nhiễm hơn ban ngày tới 16 lần  - 2

Quang cảnh cuộc họp giải trình việc điều chỉnh dự án kênh Ba Bò
 

Cán bộ đại diện Sở Tài nguyên Môi trường TP cũng khẳng định là khi đo mức độ ô nhiễm các kênh nhánh đổ vào kênh Ba Bò thì phát hiện: nước ô nhiễm chảy vào kênh là từ hồ chứa nước thải chưa xử lý của nhà máy chứ không phải từ cửa xả nước đã xử lý của nhà máy.

 

Từ đó, ông Nguyễn Phước Thảo đề nghị việc kiểm soát nước thải trước khi đổ ra kênh Ba Bò phải là hành động nhất quán, xuyên suốt của hai địa phương. Ngoài ra, ông Thảo cũng cho là kênh Ba Bò còn ô nhiễm vì các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ và từ rác thải sinh hoạt của các hộ dân sống ven kênh. Lượng chất thải này chưa được xử lý và rất khó thu gom để xứ lý. Do vậy, Trung tâm đã đề xuất điều chỉnh dự án bằng cách xây dựng thêm một hồ sinh học bên cạnh hồ điều tiết để xử lý lượng nước thải này. Nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất thủ tục.

 

Tuy nhiên, một số đại biểu tại cuộc họp vẫn chưa đồng ý phương án xây dựng hồ sinh học. Đại biểu HĐND TP Lê Văn Trung cho rằng: “Chúng ta không thể xứ lý ô nhiễm do người khác đem tới”.

 

Ông Thảo khẳng định đây là giải pháp bổ sung, nhằm xử lý nước kênh sạch hơn chứ không phải xử lý ô nhiễm của các doanh nghiệp Bình Dương. Vì nếu các doanh nghiệp này xả thải vô tội vạ thì hồ sinh học cũng không xử lý hết được. Do vậy, việc kiểm soát xả thải vẫn hết sức cần thiết.

 

Ông kiên quyết: “Nếu thấy Trung tâm chống ngập không đủ năng lực, trình độ và trách nhiệm mà chuyển dự án cho Sở Giao thông Vận tải hay Sở Tài nguyên Môi trường thì cũng nên quyết định nhanh để dự án sớm chuyển giao và được hoàn thành”. 

 

Vì theo ông, dự án này không thể làm trong mùa mưa. Nếu nó được duyệt ngay thì có thể xong trong năm 2010 như quyết tâm của TP, nếu duyệt sau tháng 3 thì ông cũng “bái”.

 

Tùng Nguyên