“Bàn đàm phán không phải nơi mặc cả độc lập dân tộc”

(Dân trí) - “… Với Việt Nam, bàn đàm phán không phải là nơi mặc cả. Độc lập, thống nhất Tổ quốc không thể thắng lợi từ việc đôi co, mặc cả với đối phương”.

PGS.TS Nguyễn Đình Lê, Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Cận - Hiện đại, trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội bình luận như vậy về thắng lợi của Hiệp định Paris (27/1/1973).

Thưa ông, chỉ riêng chiếc bàn cho các bên tham gia đàm phán tại Hội nghị Paris cũng là vấn đề tranh luận nhiều tháng với nhiều phương án được đưa ra. Điều tưởng như đơn giản này cũng đã báo trước về một cuộc đàm phán lâu dài, căng thẳng và nóng bỏng?

Họp ở đâu và tọa đàm quanh chiếc bàn như thế nào đã là chủ đề tranh luận giữa phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa và Hoa Kì. Riêng việc chọn dáng bàn như thế nào 2 bên cũng tốn nhiều thời gian tranh luận, bàn tròn hay bàn hình e-líp… Cuối cùng 2 bên đã nhất trí chọn bàn vuông trong phiên họp toàn thể 4 bên. Tuy nhiên khi tọa đàm riêng (còn gọi họp bí mật) và khi ký công khai thì ngồi ở dạng bàn khác, như các ảnh chụp thể hiện.

Trong các tọa đàm quốc tế thông lệ, ít khi người ta chọn kiểu bàn như vậy. Vì nó ít thẩm mỹ và không thân mật. Tuy nhiên, tọa đàm Paris là một ngoại lệ. Bàn vuông thể hiện 4 bên độc lập, ngang bằng nhau. Phía Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với 2 phía còn lại. Ngồi như vậy thì dù muốn hay không Hoa Kì cũng phải công nhận Chính phủ Lâm thời trên thực tế. Đây là điều mà không chỉ Hoa Kì vô cùng ái ngại mà ngay chính quyền Sài Gòn lúc đó cũng không muốn thừa nhận. Chiếc bàn đàm phán cuối cùng đã thể hiện được vị thế của Chính phủ Lâm thời ở hội đàm và trên trường quốc tế.
 
PGS.TS Nguyễn Đình Lê: Việt Nam chỉ dành được ở bàn Hội nghị những gì ta thu được ở chiến trường.
PGS.TS Nguyễn Đình Lê: "Việt Nam chỉ dành được ở bàn Hội nghị những gì ta thu được ở chiến trường".

Tại chiếc bàn đàm phán đó, những thực tế trên chiến trường có song hành thực sự với cuộc đàm phán giữa các bên và tạo những bước ngoặt quan trọng nhất?

Trong chỉ đạo cách mạng Việt Nam cũng như trên thực tế chiến trường, Việt Nam chỉ dành được ở bàn Hội nghị những gì ta thu được ở chiến trường. Với Việt Nam, bàn đàm phán không phải là nơi mặc cả. Độc lập, thống nhất Tổ quốc không thể thắng lợi từ việc đôi co, mặc cả với đối phương.

Chưa thực hiện Tổng tiến công nổi dậy năm 1968, ta chưa mở mặt trận “vừa đánh vừa đàm”. Chưa thực hiện tiến công chiến lược năm 1972 ở miền Nam, phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính Phủ Lâm thời chưa đưa thực chất yêu cầu đàm phán. Xin lưu ý là từ năm 1968 đến 1971, ta chưa nêu các nội dung chủ chốt của đàm phán, mà mới chỉ nêu các nguyên tắc đòi Hoa Kì chấm dứt ném bom, chấm dứt xâm lược Việt Nam. Như vậy 2 bước đấu tranh cơ bản của phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị luôn song hành với tiến công quyết liệt trên chiến trường.

Với thắng lợi của mặt trận phía Nam (qua 3 đòn tiến công năm 1972, cùng với chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”), cuối cùng đối phương mới kí Hiệp định.

Cũng phải nói thêm rằng, đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự kiến khá sát tình huống này. Người từng chỉ ra là chỉ khi ta đánh bại át chủ bài của Hoa Kì thì họ mới chịu xuống thang, mới chịu thất bại về quân sự.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh ngoại giao/mặt trận ngoại giao có thế chủ động, tích cực riêng của nó. Điều này được phái đoàn Việt Nam vận dụng triệt để, sáng tạo, có kế hoạch trong suốt mấy năm đấu tranh ở Paris.

Tại sao phía Hoa Kì lại chấp nhận ký hiệp định Paris và dường như có phần “nôn nóng” trong việc ép Chính quyền Sài Gòn ký vào bản hiệp định này. Tại sao một Hoa Kì cao ngạo như vậy ở thời điểm đó lại chấp nhận hai thất bại liên tiếp ở Chiến dịch “Linebacker II” (chiến dịch bắn phá Hà Nội bằng B52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972) và ở bàn đàm phán?

Vấn đề này rất phức tạp. Sự phức tạp ở phía Hoa Kì, phía Tổng thống R.Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger. Ý tưởng về một Hiệp định hòa bình trong tầm tay - một hiệp định danh dự cho Hoa Kì kết thúc chiến tranh của 2 người này diễn ra trong bối cảnh mà ở đó tình hình trong nước và quốc tế đang chuyển động nhanh và khá hỗn độn.

Tình hình chiến trường Đông Dương rối rắm, phe của ông Thiệu ở Sài Gòn vừa phụ thuộc Hoa Kì, vừa ngang ngạnh. Hoa Kì có thỏa thuận nước lớn, uy tín của Tổng thống đang lên, nhưng mặt khác cơ quan lập pháp Hoa Kì đang “sờ gáy” hành pháp. Việc Quốc hội xóa bỏ Nghị định Vịnh Bắc Bộ (đã thông qua năm 1964) và sắp sửa xem xét lại chính sách của Hoa Kì ở Việt Nam khiến cho Tổng Thống R.Nixon dù vừa tái đắc cử nhưng thời yên ổn của ông cũng không còn. Thực tế năm 1973, Nixon đã gặp muôn vàn khó khăn phải đối phó với dư luận trong nước và sau đó thì “thất sủng” năm 1974. Thực tế, lúc đó, hơn ai hết, Tổng thống Hoa Kì biết rõ thời gian vật chất của ông ta đang bị dồn nén.

Sự câu thúc của dư luận, của phong trào phản chiến trong nước và quốc tế, sự thôi thúc từ tính toán thâm hiểm muốn tiếp tục theo đuổi chính sách ở Việt Nam theo hướng mới, sự ngang ngạch của Sài Gòn… khiến Tổng thống và ông ngoại trưởng hành động có phần thô lỗ, thúc ép đồng minh. Bức tranh xám xịt trong quan hệ Hoa Kì – Sài Gòn trong việc ký hay không bản Hiệp định được tạo nên như thế.

Còn thất bại ở chiến dịch “Linebacker II”, tôi đã trao đổi, biện giải cụ thể trong bài nói về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” ngày 20/12 vừa qua.

Tôi muốn nói thêm việc Hoa Kì, Nhà trắng đã tính toán khá thâm hiểm, rất lợi hại, một mũi tên trúng nhiều đích. Nhưng cuối cùng họ đã thất bại. Lí do cơ bản là những người Việt Nam yêu nước đã dám hi sinh và thực tế đã cao tay hơn đối phương trong mọi ván bài nên rốt cuộc Nhà Trắng đã thất  bại.

Tổng thống miền Nam Việt Nam thời đó Nguyễn Văn Thiệu từng nói rằng: “với chúng tôi, việc ký vào hiệp định đồng nghĩa với đầu hàng để chấp nhận bản án tử hình”, nhưng tại sao cuối cùng vẫn phải ký vào hiệp định này?

Ông Thiệu có lí khi nói như vậy. Nhưng xin nói thật, chính người đứng đầu Nhà trắng “nói toặc móng heo” là nếu Thiệu không kí, Hoa Kì vẫn kí. Chính ông Thiệu cũng từng nói, Henry Kissinger ghét Sài Gòn hơn Hà Nội. Nếu Henry Kissinger có quyền thì chắc ông ta dùng B52 “choảng” vào Sài Gòn rồi mới ném bom Hà Nội!
 
Xin nói thêm rằng không phải tất cả các chính khách của Sài Gòn lúc đó đều muốn Hoa Kì đưa quân viiễn chinh vào miền Nam và dùng B52 đánh phá miền Bắc. Nhưng ông Thiệu muốn có cả hai thứ đó và duy trì càng lâu càng tốt. Cho nên dư luận Hoa Kì từng gọi ông ta là người bấm giừo cho B 52 đánh phá miền Bắc. Ông Thiệu gần như phụ thuộc Hoa Kì vè mọi phương diện. Nhưnghơn ai hết ông ấy biết ký Hiệp định có nghĩa là ký sự cáo chung của chế độ Sài Gòn. Nên ông Thiệu làm mình là mẩy với Hoa Kì một thời gian.

Ông Thiệu nếu không kí thì chính bản thân ông ta cũng khó an bài. Một vụ tai nạn, ám sát hay một cuộc đảo chính để thủ tiêu một cá nhân nào đó thì CIA thừa sức làm!

Ông đánh giá thế nào về thắng lợi mà hiệp định Paris mang lại?

Đây là thắng lợi quyết định của cách mạng miền Nam, là kết quả và đỉnh cao của 18 năm chống Mỹ, cứu nước, là kế thừa và phát huy kinh nghiệm đấu tranh cách mạng từ Cách mạng Tháng 8 (1945) và cả trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất (1945-1954).
PGS.TS Nguyễn Đình Lê: Việt Nam chỉ dành được ở bàn Hội nghị những gì ta thu được ở chiến trường.
Đoàn đàm phán Việt Nam dân chủ cộng hòa với Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, Xuân Thủy, cố vấn cấp cao Lê Đức Thọ tại Hội nghị Paris.

Với những điều khoản ký kết trong Hiệp định Paris, ông có thể bình luận gì về những được – mất của các bên?

Lực lượng cánh mạng đạt được những yêu cầu căn bản đã đề ra khi mở mặt trận vừa đánh vừa đàm. Điều cốt tử, thắng lợi lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kì rút quân còn lực lượng bộ đội miền Bắc ở lại chiến trường. Việt Nam đã mở lối thoát danh dự cho Hoa Kỳ. Hoa Kỳ phải xuống thang chiến tranh, cam kết chấm dứt dính líu quân sự. Hoa Kỳ lấy được tù binh (chủ yếu là phi công) về nước. Còn phái Sài Gòn thì ký vào. Hiệp định như chấp nhận bản án. Ông Thiệu đã nói rõ điều này trong diễn văn từ chức ngày 21/4/1975. Chính quyền ông Nguyễn Văn Thiệu phải chịu hậu quả nặng nề để 2 năm sau sụp đổ.  

Cuộc đấu trí giữa cố vấn Lê Đức Thọ và Henry Kissinger trong tiến trình đàm phán ở Hội nghị Paris thì sao, thưa ông?

Cố vấn Lê Đức Thọ là bộ óc bẩm sinh có biệt tài đối ngoại, đối phó, khẩu chiến. Ông Lê Đức Thọ đại diện cho tinh thần giải phóng dân tộc. Đối phương của ông phía bên kia chiến tuyến, bất lợi về vị thế.

Ông bình luận gì về việc Kissinger nhận giải Nobel hòa bình còn ông Lê Đức Thọ lại từ chối giải thưởng này?

Sự kiện này chứng tỏ Henry Kissinger “non” hơn ông Lê Đức Thọ. Ông Lê Đức Thọ thừa biết Hiệp định là thắng lợi cốt tử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhưng đối phương không thể thực hiện hoà bình vì chính ông Thiệu từng nói “hòa bình, thi hành hiệp định là con đường tự sát của chế độ Sài Gòn”. Với bản lĩnh chính trị của mình, ông Thọ không thể nhận giải thưởng đó (ông từ chối nhận giải với lý do hòa bình vẫn chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam). Và với bản lĩnh nhà cách mạng chuyên nghiệp ông Lê Đức Thọ hiểu sâu sắc rằng nền tảng hòa bình đó là kết quả đấu tranh, hy sinh to lớn của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường - Phương Thảo (thực hiện)