“Bản AIDS” giữa lòng thành phố

Lâu nay, bản Huổi Phạ thuộc phường Him Lam vẫn bị không ít người dân TP Điện Biên gọi là “bản AIDS”. Cái “biệt danh” đáng buồn này không phải vô căn cứ, bởi một bản vài mươi nóc nhà, mà có đến hơn chục người có HIV, trong đó 5 người đã chết vì AIDS.

“Bản AIDS” giữa lòng thành phố - 1
Với gần 5.500 người nghiện ma tuý - nguy cơ bùng phát đại dịch HIV/AIDS đang hiện hữu trước mắt.

 

Nằm ở phía Đông thành phố, hầu hết dân bản Huổi Phạ là người Thái. Huổi Phạ hiểu theo nghĩa tiếng Kinh là “suối Trời”, nhưng giờ đây dòng suối Trời lại đang chở trong lòng nó căn bệnh quái ác nơi trần tục, với nhiều số phận đớn đau; nhiều gia đình đã phải tiễn biệt hoặc con, hoặc chồng giữa tuổi thanh xuân, bởi căn bệnh nan y HIV/AIDS.

 

Theo Trung tá Lò Văn Dũng - Phó trưởng Công an phường Him Lam, chúng tôi tới bản Huổi Phạ vào một buổi chiều hanh hao gió Lào cuối tháng ba. Đang mùa làm nương nên bản vắng ngắt. Trưởng bản Lò Văn Thương đưa chúng tôi vào nhà Lường Văn H. H. chết cách đây mấy năm vì AIDS khi vừa bước sang tuổi 35, để lại vợ và hai đứa con, cháu lớn 12 tuổi, cháu nhỏ 10 tuổi. Điều may mắn là chị V. - vợ H. và 2 cháu nhỏ không bị lây nhiễm căn bệnh này. Căn nhà vắng đàn ông trông tuềnh toàng, xiêu vẹo như sắp đổ.

 

Trong nước mắt, chị V. kể về thảm cảnh mà chị và hai con đã phải chịu đựng. Vất vả, đói khát mấy thì mẹ con chị cũng chịu được, nhưng những lời đồn đại của dân bản và anh em họ hàng thật quái ác. Cũng may hai con chị ngoan ngoãn, chăm học, nên cũng động viên chị phần nào...

 

Với vẻ mặt buồn bã, Trưởng bản Lò Văn Thương kể cho chúng tôi nghe những chuyện đau lòng về cơn bão AIDS tràn vào Huổi Phạ từ cách đây ba năm. Hôm đó, mấy thanh niên trong bản tụ tập uống rượu tại nhà Lường Văn T. (một đối tượng nghiện ma tuý) ở cuối bản. Sau khi hết mấy lít rượu, H. vào trong buồng mang ra 1 xilanh, 2 tép heroin và hùng hổ tuyên bố “cho cả bọn lên thiên đàng”.

 

Lúc đầu một số người từ chối, nhưng cuối cùng men rượu bốc đồng, khiến cả chục thanh niên trong cuộc rượu vén tay áo để H. lần lượt chích ma tuý cho từng người, chỉ bằng mỗi cái xilanh máu hoà vào máu ấy.

 

Mọi chuyện sẽ mãi êm thấm và bình lặng nếu không có một ngày H. đổ bệnh phải vào bệnh viện. Bác sĩ thông báo H. bị HIV/AIDS giai đoạn cuối, nên đành trả về gia đình. Đám ma H. được mấy ngày, cả đám trong bữa nhậu hôm đó kéo nhau đi thử. Kết quả là cả hội dương tính với HIV!

 

H. chết, rồi đến Lường Văn Th., Lò Văn S., Lò Văn Th., Lường Văn H. và Lường Văn K... lần lượt đoạn tuyệt “suối Trời” để về với... suối vàng(!). Cuộc “ra đi không sớm thì muộn” của họ, để lại 3 người vợ trẻ và 5 đứa con thơ dại (riêng Lò Văn Th. mới lấy vợ còn chưa kịp có con). Trưởng bản Thương buồn bã nói bây giờ cũng còn một số trường hợp nữa, nhưng nhờ trời vẫn thấy khoẻ mạnh, chí thú làm ăn.

 

Phần nổi của tảng băng chìm

 

Không sôi động và nóng bỏng như những địa phương khác, mãi đến tháng 6/1998, Điện Biên mới ghi nhận ca có HIV đầu tiên. Nhưng ngay sau khi gia nhập danh sách các địa phương có người nhiễm HIV, tốc độ lây nhiễm căn bệnh này ở Điện Biên lại tăng theo cấp số nhân với 3.029 trường hợp, số bệnh nhân chuyển sang AIDS là 1.468 người (12/2008).

 

Đáng chú ý, từ vị trí gần như cuối bảng (61), hiện nay Điện Biên đang xếp thứ 3 toàn quốc về tỷ lệ người có HIV, với 350 người/100.000 dân; vượt mức 0,3%, cao hơn so với con số giới hạn của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS!

 

Theo số liệu của các ngành chức năng tỉnh Điện Biên, trong năm 2009, số người có HIV mới, chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong chưa có dấu hiệu chững lại, thậm chí còn có dấu hiệu lan nhanh ra cả các huyện vùng sâu vùng xa.

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh bình quân một ngày lại phát hiện 2,5 người có HIV và 1 người chết do chuyển sang AIDS giai đoạn cuối. Điều đáng lo ngại là, số người phát hiện lây nhiễm HIV ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Tỷ lệ người có HIV ở độ tuổi từ 20-39 chiếm hơn 77%; nam giới chiếm 91%; tiêm chích ma túy hơn 72%; lây theo đường truyền máu 9,6%, đường tình dục 8,6%...

 

Tình trạng lây nhiễm tiếp tục gia tăng vì chưa có giải pháp hữu hiệu với các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma tuý. Điện Biên hiện còn hơn 5.000 người nghiện ma tuý, đây là nguồn "bổ sung" và nguy cơ tiềm tàng làm gia tăng số người có HIV.

 

Xa xôi, cách trở như huyện biên giới Mường Nhé, “con ết” cũng ngược ngàn vượt hơn 200km hỏi thăm. Ông Phạm Tiến Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện trao đổi với phóng viên CAND: 2 năm trở lại đây trên địa bàn huyện có 8 trường hợp chết vì HIV/AIDS, con số có HIV thì còn cao hơn nhiều.

 

Cần những giải pháp quyết liệt và đủ mạnh

 

Do tính chất phức tạp của địa bàn một tỉnh miền núi, dân trí thấp, tệ nạn xã hội, đặc biệt là nghiện ma tuý đang ngày đêm hoành hành; công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS còn hạn chế và có nhiều bất cập, chắc chắn số người có HIV/AIDS trong thực tế phải chênh nhau cả chục lần với con số các cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên ghi nhận được; đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

 

Tuy nhiên, chỉ cần với hơn 3.000 người đang mang trong mình căn bệnh nan y này, với tỷ lệ người có HIV đứng thứ ba toàn quốc; 2 ngày có 5 người nhiễm HIV thì Điện Biên đang thực sự phải đối mặt với sự tấn công của đại dịch thế kỷ.

 

Dù đã có nhiều biện pháp, nhưng những giải pháp quyết liệt và đủ mạnh cho cuộc chiến ngăn chặn HIV/AIDS ở Điện Biên, vẫn còn chưa thấy. Muộn còn hơn không, giữa năm ngoái, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 525/QĐ-UBND, về việc: “Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Dự án Phòng, chống lạm dụng ma tuý và HIV trong đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam - tỉnh Điện Biên”, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước và phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi cấp, mọi ngành vào cuộc chiến này.

 

Nếu không sớm triển khai các biện pháp hữu hiệu, đặc biệt là việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho đồng bào thiểu số; mặt khác, ngăn chặn từ gốc nguồn lây nhiễm bởi hơn 5.000 con nghiện, thì chẳng biết trên “bảng xếp hạng” HIV cả nước, Điện Biên còn “thăng” bao nhiêu bậc?

 

Theo Vũ Mạnh Hà

Công an nhân dân