Hải Phòng:

Bãi thải thạch cao khổng lồ: Trị số phóng xạ an toàn?

(Dân trí) - Nói về phần bã thạch cao chất thành núi khổng lồ nằm lô thiên đang trở thành nỗi ám ánh đối với người dân, du khách tại Hải Phòng, Công ty DAP - VINACHEM cho rằng, Bộ Tư lệnh Hóa học đã thử nghiệm, cho kết quả trị số hoạt động an toàn.

baithai3-1470885160733

Bãi thải thạch cao khổng lồ nằm lộ thiên trở thành nỗi ám ảnh về môi trường đối với người dân Hải Phòng.

Sau khi báo Dân trí đăng tải bài viết: "Ám ảnh với bãi thải thạch cao khổng lồ" của Cty DAP – VINACHEM tại Khu Công nghiệp Đình Vũ (TP Hải Phòng), ông Nguyễn Văn Sinh, Tổng Giám đốc Cty DAP – VINACHEM đã gửi công văn đến báo Dân trí cho biết, Công ty cổ phần DAP-VINACHEM (DAP Đình Vũ) là dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat (DAP) tại khu kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng.

Đây là dự án nhóm A, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định đầu tư ngày 29/7/2002, với tổng mức đầu tư hơn 172 triệu USD, diện tích đất được cấp là 72 ha.

Từ tháng 8/2011, nhà máy chính thức ký biên bản nghiệm thu đưa dây chuyền vào sản xuất thương mại. Từ đó cho đến nay đã sản xuất, cung cấp cho thị trường trên 1,6 triệu tấn phân bón DAP.

Theo ông Sinh, từ khi mới đi vào hoạt động, công ty DAP cũng đã liên hệ, mời đơn vị có chức năng là Trung tâm không phá hủy thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) tiến hành đo đạc, quan trắc về chất phóng xạ đối với khu vực bãi chứa thạch cao cũng như khu vực bãi chứa quặng apatit. Kết quả đo đạc nhiều lần không phát hiện có yếu tố phóng xạ.

Về phần bã thạch cao, Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường thuộc Bộ Tư lệnh Hóa học đã thử nghiệm mẫu tháng 4/2016, cho kết quả trị số hoạt động an toàn.

Còn về biện pháp quản lý môi trường bãi chứa thạch cao, ông Sinh cho hay, Công ty DAP đã và đang thực hiện thiết kế và xây dựng bãi chứa gyps theo các tiêu chuẩn kỹ thuật thích hợp, để giảm thiểu khả năng rò rỉ và nước chảy tràn từ bãi chứa gyps.

Công văn nêu, hiện công ty dã ký biên bản thỏa thuận với Tổng Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) về việc hợp tác nghiên cứu và xây dựng dự án chế biến phụ gia xi măng từ bãi thạch cao, theo đó VICEM cam kết bao tiêu sản phẩm. Đến nay, giai đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm đã thành công, hiện bước sang giai đoạn đầu tư hoàn thiện dây chuyền công nghệ để chế biến và sử dụng thạch cao sản xuất trong nước.

Công ty đã ký hợp đồng với Viện vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) cho loại thạch cao nhân tạo này. Viện Vật liệu đã hoàn thành dự thảo, đã thành lập Hội đồng khoa học để thẩm định, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 9/2016.

Ông Sinh cũng cam kết trong công văn: Công ty đang tìm thêm phương án tích cực để nhanh chóng giảm thiểu khối lượng bã thải lưu trữ tại bãi chứa.

Trên đây chỉ là nội dung công văn phản hồi của Cty DAP – VINACHEM. Trên thực tế, rủi ro nguy hiểm từ bãi thải khổng lồ này là có thật và đã xảy ra. Về mức độ ô nhiễm, phóng viên Dân trí sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu, làm rõ.

Tuấn Hợp – Hải Sâm