Bãi gạch ngày cuối năm

(Dân trí) - Những ngày cuối năm, không khí xây dựng rộn ràng khắp nơi. Đâu đó ở vùng thôn quê, những lò gạch nhả khói suốt ngày đêm, không khí lao động cũng khẩn trương không kém; người lao động hối hả những giọt mồ hôi...

Kỳ 1: Tôi đi vác gạch

 

Vào nghề...

 

Khoác lên người bộ quần áo cũ, đeo chiếc ba lô, tôi bắt đầu bước vào nghề vác gạch từ chân cầu Chiều Dương (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên). Để vào được khu bãi gạch, tôi phải đi qua con đường dẫn vào khu cảng cát, với những xe ben chạy cuốn bụi mịt mù. Trước mắt tôi là một bãi sông ngổn ngang đất cát. Gần 20 lò gạch với hàng trăm con người lao động quần quận trong giá rét.

 

Đang ngơ ngác chưa biết vào lán nào, tôi chợt giật mình bởi giọng nói vọng ra từ cáng gạch: “Đi đâu thế?”. Người đàn ông trạc 40 tuổi nước da đen sạm đang cặm cụi bên cáng gạch ngẩng lên hất hàm hỏi. “Dạ… em... à cháu đi tìm việc làm ạ”. Ngưòi đàn ông nhìn tôi từ đầu đến chân, dịu giọng: “Vào lán ngồi chờ đến lúc nghỉ giải lao rồi tính”.

 

Anh là Hùng, quê ở Hưng Hà, Thái Bình, tổ trưởng nhóm vác gạch cho một chủ lò ở bãi gạch này. Tiếng là khác tỉnh nhưng từ bãi gạch về quê anh chỉ cách một con sông và 15 phút đi bộ nên nhóm của anh Hùng thực hiện phương án sáng đi tối về.

 

Cả nhóm của anh Hùng có 9 người (4 nữ, 5 nam), mỗi người phụ trách một công đoạn trong “dây chuyền” sản xuất gạch. 3 người xúc đất, 1 người tưới nước, 1 người cắt kéo và 4 người vác gạch ra xếp lên cáng.

 

Cuối năm nhiều việc, nhóm đang thiếu người làm nên tôi được “kết nạp” ngay vào nhóm, bắt tay vào công việc ngay sau giờ giải lao.

 

Giọt mồ hôi trong giá lạnh

 

Tưởng việc vác gạch dễ dàng bởi trong nhóm có những người nhỏ bé hơn tôi vẫn thoăn thoắt với 8 viên gạch trên vai. Tôi hăm hở vào cuộc. Tay trái giữ phía trên, tay phải luồn xuống tấm gỗ mỏng dưới đáy chồng gạch, tôi cố hết sức giật mạnh đưa chồng gạch lên vai. Mới đưa lên ngang người thì chồng gạch nghiêng ngả rồi đổ cả vào người. Một thành viên trong nhóm giúp tôi dọn đống gạch hỏng, bảo: “Mới làm chỉ vác 4 viên thôi”.

 

Chiếc máy vẫn gầm gào, cuốn theo sự lao động cật lực của tất cả mọi người. Thời tiết giá lạnh dưới 10oC mà trên mặt ai cũng lấm tấm mồ hôi. Dù mỗi chặng chỉ vác 4 viên, nhưng suốt 2 giờ đồng hồ chạy đi chạy lại như con thoi, đôi chân tôi mỏi rời, cánh tay phải đau nhức, mồ hôi đầm đìa trên mặt, hơi thở hổn hển. Bên cạnh tôi, người “đồng nghiệp” vẫn chạy dúi dấp.

 

Chỉ đến khi dây kéo bị đứt, cả nhóm mới dừng lại nghỉ. Những làn gió bấc từ dưới sông thổi vào chiếc áo ướt mồ hôi khiến tôi co người vì rét. Chị Hải, người phụ trách công việc cắt kéo, thân tình: “Kiếm nghề khác mà làm em ạ. Cái nghề thổ mộc này vất lắm! Chưa ráo mồ hôi đã hết tiền”. Chị Hải cho tôi biết, mỗi một vạn gạch khi được nghiệm thu sẽ được trả 400 ngàn đồng. Cả nhóm làm cận lực cả ngày cũng chỉ đươc khoảng 1,5 vạn. Tính trung bình mỗt ngày công cũng được 40 ngàn, chưa trừ tiền ăn.

 

Tiến, một “đồng nghiệp” chạc tuổi tôi, nói xen vào: “Cứ làm rồi khắc biết, mấy ngày đầu tay sưng lên, sáng ngủ dậy không nhấc tay lên được ấy chứ. Nhưng lạ lắm, cứ máy nổ lên, gạch ùn ùn chảy ra thì đau mấy cũng phải chạy”.

 

Tai họa rình rập

 

Sau lúc nghỉ giải lao, tôi xin chuyển sang xúc đất cho máy “ăn”. Hai chân dang ra, bấu chặt vào đất, tay xúc liên hồi đổ đất vào cửa máy, chiếc “ruột gà” kêu kin kít như muốn ngốn tất cả những gì có thể để ép thành những thỏi gạch đẩy ra giàn kéo. Thấy đất dẻo tạo thành màng, chắn ngay cửa máy, tôi liền chọc lưỡi xẻng vào; máy nổ rống lên, chiếc ruột gà giật tung lưỡi xẻng từ tay tôi. Nhanh như cắt, anh Hùng lao ra chỗ cắm cây gỗ ở máy nổ, bẩy nhấc đầu máy lên. Dây côdoa rùi ra, chiếc máy ép gạch dừng lại.

 

Chiếc xẻng bị cuốn vào ruột gà vênh như chiếc bánh đa nướng. Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng… Anh Hùng bảo: “Làm cái nghề này nguy hiểm lắm, chỉ cần một sơ xuất nhỏ là dính tai nạn ngay. Chiếc đầu cải tiến này đỡ rồi, chứ ngày trước, mỗi lần cho máy “ăn” phải có người đứng lên dận. Có người sơ ý bị “ruột gà” cuốn ngập đến đùi, mất chân như chơi”.

 

Còn rất nhiều tai nạn khác luôn luôn rình rập những người lao động tại các lò gạch phổ thông, như gạch đổ vào người, giẫm phải mảnh sành,… “Mỗi nghề đều có những rủi ro riêng của nó, vì miếng cơm, manh áo nhiều khi cũng đành chấp nhận thôi em ạ! Mình còn đỡ, những người làm trong lò còn nguy hiểm hơn nhiều” - anh Hùng động viên.

 

Càng về tối trời càng lạnh, rét run người. Xa xa nhiều nhóm lao động vẫn mải miết làm việc; lác đác trên đường đê, những phụ nữ gánh gạch vừa buông đôi quanh gánh vội vã trở về lo bữa tối…

 

Thái Bình