1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bãi Cỏ Mây - Điểm nóng an ninh nguy hiểm nhất khu vực

Theo Ian Storey, một học giả tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây còn nguy hiểm hơn vụ tranh chấp chủ quyền tại bãi cạn Scarborough hồi năm ngoái.

Bãi Cỏ Mây - Điểm nóng an ninh nguy hiểm nhất khu vực
Trung Quốc chiếm đoạt và xây dựng trái phép công sự nhà nổi kiên cố trên Đá Vành Khăn nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đá Vành Khăn cách Bãi Cỏ Mây khoảng 65 km về phía Tây Bắc.

Trung Quốc định thôn tính Bãi Cỏ Mây như thế nào?

Theo Ian Storey, một học giả tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây còn nguy hiểm hơn vụ tranh chấp chủ quyền với bãi cạn Scarborough hồi năm ngoái.

“Thật khó có thể tưởng tượng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để đoạt quyền kiểm soát Bãi Cỏ Mây nhưng khả năng, Bắc Kinh sẽ phong toả đường tiếp tế hậu cần cho nhóm lính đồn trú của Philippines tại đây, trên chiếc tàu cũ. Nguy cơ leo thang hoặc tính toán sai lầm là hoàn toàn hiện hữu”, ông Ian Storey cho biết.

Đây không chỉ là nhận định của một chuyên gia an ninh khu vực nổi tiếng mà còn là mối e ngại của giới chức Manila trước những diễn biến căng thẳng và toan tính nguy hiểm hiện nay của Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây.

Philippines đã phát hiện1 tàu Hải quân và 2 tàu Hải giám, hộ tống một đội tàu đánh cá 30 chiếc của Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây vào ngày 8/5. Hai ngày sau (10/5), Philippines đã chính thức trao công hàm phản đối “sự hiện diện khiêu khích và bất hợp pháp” của các tàu trên và tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila. Manila cũng yêu cầu các tàu Trung Quốc phải rút ngay ra khỏi khu vực này vì Philippines cho rằng khu vực này nằm trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Đến ngày hôm qua (28/5), Người phát ngôn Hải quân Philippines, Đại tá Edgardo Arevalo cho biết, 2 tàu Hải giám Trung Quốc vẫn còn ở khu vực này, trong khi đội tàu cá và tàu khu trục Hải quân đã rút đi.

Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã trơ tráo nhận xằng cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc với quần đảo Trường Sa (của Việt Nam – PV) cũng như việc tàu Trung Quốc xuất hiện ở Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa là bình thường. Thậm chí, Hồng Lỗi còn ra giọng kêu gọi tất cả các bên “kiềm chế các hành động làm phức tạp tình hình”.

“Sự hiện diện của các tàu trên là một mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu”, một quan chức Hải quân Philippines giấu tên (do không được quyền phát ngôn với truyền thông) cho Reuters biết.

Người này cũng cho hay, Philippines tin rằng Trung Quốc đang cố gắng gây áp lực buộc họ phải rút khỏi Bãi Cỏ Mây.

“Chúng tôi không muốn một sáng thức giấc thấy Trung Quốc đã xây dựng xong 1 cấu trúc quân sự phi pháp tại Bãi Cỏ Mây, ngay cạnh xác tàu chiến cũ mà lính Philippines đang chốt giữ trên đó”, vị sĩ quan giấu tên nói.

Tàu chiến BRP Siera Madre - hoạt động từ thời Thế chiến 2 là một trong những tiền đồn quân sự cô đơn nhất ở châu Á. Nó được Mỹ chuyển giao cho Philippines vào năm 1976 theo một chương trình viện trợ quân sự.

Sau vụ Trung Quốc đánh chiếm Đá Vành khăn năm 1995 và sau đó liên tục xây dựng công sự nhà nổi kiên cố và đưa ngư dân, hải quân ra hoạt động trái phép tại đây, Manila đã cố tình ủi thẳng vào Bãi Cỏ Mây năm 1999, nhằm biến tàu chiến cũ này thành tiền đồn chốt giữ (trái phép – PV) bãi ngầm này, ngăn chặn Trung Quốc di chuyển xa hơn về phía Đông. Manila lo ngại Trung Quốc sẽ “bổn cũ soạn lại” ở Bãi Cỏ Mây, hơn nữa, Đá Vành Khăn chỉ cách Bãi Cỏ Mây khoảng 65km về phía Tây.

Hiện binh lính Philippines đồn trú trên xác tàu BRP Siera Madre đang sống trong những điều kiện rất khó khăn. Họ được trang bị một máy phát điện nhỏ để nấu ăn, tiếp nhận thông tin bên ngoài qua radio chạy bằng pin và được tiếp tế nhu yếu phẩm qua tàu hậu cần.

"Họ muốn chúng tôi ra khỏi khu vực", một sĩ quan hải quân Philippines nói về ý đồ của Trung Quốc.

Bàn đạp để tiến vào Bãi Cỏ Rong

Bãi Cỏ Mây là cửa ngõ chiến lược vào Bãi Cỏ Rong – khu vực được cho là giàu dầu mỏ và khí tự nhiên. Trong năm 2010, Manila đã cấp phép thăm dò khí đốt cho một liên doanh dầu khí Anh – Philippines nhưng việc triển khai khoan thăm dò đã bị đình trệ vào năm ngoái do sự hiện diện của tàu Trung Quốc. Phía Bắc Kinh cũng nhiều lần ngỏ ý hợp tác triển khai thăm dò, khai thác dầu khí với Philippines tại khu vực này nhưng Manila dù không từ chối nhưng rất rõ ràng trong việc phân định chủ quyền tại đây.

Do đó, rất có khả năng, Trung Quốc muốn thôn tính Bãi Cỏ Mây để làm bàn đạp chiếm lấy Bãi Cỏ Rong.

Ngay Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng đã từng cảnh báo về âm mưu này của Bắc Kinh. Theo ông Aquino, nếu không kiện Trung Quốc yêu sách chủ quyền quá đáng trên Biển Đông, xâm phạm bãi cạn Scarborough của Philippines thì, “Trung Quốc sẽ được đằng chân lân đằng đầu, sau khi xâm chiếm Scarborough sẽ là Bãi Cỏ Rong”.

Động thái leo thang của Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây là một đòn thử phản ứng của các bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng như Mỹ và các nước lớn có quan tâm, lợi ích tại Biển Đông trước thềm Đối thoại an ninh khu vực Shangri-la sẽ diễn ra cuối tuần này tại Singapore. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ tham dự hội nghị này và Biển Đông sẽ nằm trong chương trình nghị sự.

Zha Daojiong, một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh của Trung Quốc cho biết, nước này rất nghiêm túc về việc khẳng định yêu sách của mình ở Biển Đông và điều quan trọng là khu vực đã không hiểu lầm ý đồ này.

Dự đoán, Bãi Cỏ Mây sẽ là một trong những điểm nóng ở Biển Đông có thể buộc Mỹ phải can thiệp để bảo vệ các đồng minh Đông Nam Á.

Theo Minh Châu
Petrotimes