Bài 3: Nông trường Sông Hậu sau cơn bão tố

(Dân trí) - Sau vụ án, NTSH trở thành đơn vị hành chính là xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ). Những ngày qua, bầu không khí nông trường trở nên ảm đạm một cách lạ kỳ. Chúng tôi quay lại vùng đất vốn đang được dư luận rất quan tâm này….

Lòng người chưa yên

Những ngày qua, hết nhà báo rồi đến những “người lạ mặt” ra vào các tiểu khu của NTSH, hỏi han, ghi ghi chép chép đủ điều về lá đơn xin ở tù thay bà Sương của 110 hộ dân nơi đây… Nhiều người lo lắng cho tương lai của “cô Ba Sương”, số khác thì hoài nghi, không biết mình ký vô đơn “xin ở tù thay” thì có bị tội “chống phá, kích động” gì gì đó hay không. Một không khí lo lắng và buồn bã bao trùm lên mâm cơm của hàng trăm hộ dân NTSH…
 
Bài 3: Nông trường Sông Hậu sau cơn bão tố - 1
Những người phụ nữ này đã ký đơn xin ở tù thay bà Sương (Ảnh: Vĩnh Hòa)

Nhiều người dân biết rõ, cái “quỹ trái phép” khiến bà ba Sương rơi vào vòng lao lý có phần của họ, vì quỹ này chuyên hỗ trợ cho bà con. Với rất nhiều người dân nơi đây, chính “bác Năm” (ông Năm Hoằng, cha bà Sương) và chị Ba Sương đã giúp đỡ vượt qua khốn khó, từng bước ổn định cuộc sống và trở nên no ấm, giàu có như hôm nay.

Cách đây hơn chục năm, vùng đất này đã có đường nhựa và cầu bê tông thay cho đường đất, cầu tre lắt lẻo. Hơn 13 ngôi trường từ mầm non tới Trung học phổ thông và trạm Y tế… Tất cả đều được xây dựng bằng tiền của Nông trường, chứ không phải ngân sách Nhà nước.

Hơn thế nữa, hàng trăm cán bộ - bác sĩ - giáo viên làm việc trong các cơ sở y tế - giáo dục đó đều được trả lương và phụ cấp rất cao (trung bình gấp từ 1,5 - 2 lần bên ngoài) từ nguồn quỹ tự cân đối của Nông trường (mà chủ yếu là từ “Quỹ trái phép” ấy).

Trước khi gặp sóng gió, ở NTSH, tất cả con em đến lớp đều được miễn học phí; khám bệnh miễn phí và chỉ trả tiền mua thuốc... Con em học giỏi, Nông trường còn phát gạo hàng tháng, tặng quần áo, tập sách và cấp học bổng. Thậm chí tất cả con em vào đại học đều được Nông trường cấp học bổng hàng tháng để giảm bớt gánh nặng cho gia đình Nông trường viên… Nhiều em sau đó đã trở lại Nông trường làm việc và cống hiến bằng cả nhiệt huyết và lòng tri ân.

Ông Phạm Văn Hơn (53 tuổi), một trong những người bám trụ từ những ngày đầu thành lập NTSH, nhớ lại: Những năm 1987 - 1988, Nông trường chuyển từ cây lúa mùa sang làm lúa Thần nông, ai cũng cực nhọc… Sau đó, chị Ba về đây khi còn là cô sinh viên trẻ đẹp, mới tốt nghiệp ở Liên Xô.

“Lúc nào chị cũng đi theo học cách làm, cách sống của bác Năm, lúc nào cũng gần dân. Những kiến thức học được, chị Ba truyền hết cho nông dân tụi tui, không giấu gì cho riêng mình”, ông Hơn bồi hồi nhớ lại.

Thương bà “Giám đốc bụi đời”

Ông Đoàn Văn Quới (52 tuổi), một Nông trường viên gắn bó hơn 20 năm ở đây, nói: Tháng nào Nông trường viên chúng tôi cũng được họp với Ban giám đốc và BCH Công đoàn để nghe công khai quỹ ấy, không có khuất tất gì đâu...
 
Bài 3: Nông trường Sông Hậu sau cơn bão tố - 2
Nông dân NTSH cày cấy trên những mảnh ruộng trù phú (Ảnh: Hữu Danh)

Ông kể: Riêng bà ba Sương, suốt ngày đi hết nơi này đến nơi khác tìm đối tác, học hỏi kinh nghiệm. Mang theo xe cái ghế bố, có lúc bà ở trên xe, ăn ngủ trên xe nhiều hơn dưới đất. Những Nông trường viên cố cựu thân tình còn “ưu ái” đặt biệt danh cho bà là: “Giám đốc bụi đời!”. Ông Quới khẳng khái: “Bà ba Sương không có gì giấu dân đâu…”.

Bà Phạm Thị Nê (62 tuổi), người cùng chồng bồng bế 10 đứa con về Nông trường này từ những năm đầu thành lập. Chưa nói đã mếu máo: “Nếu không có Nông trường này, 10 đứa con tui cũng sẽ làm thuê làm mướn kiếm sống suốt đời như cha mẹ nó thôi. Ơn cô Ba Sương lớn lắm”.

Chị Nguyễn Thị Hồng cho biết, con chị trước kia đi học không tốn tiền học phí. Nhiều năm, các con học giỏi còn nhận nhiều khoản thưởng đột xuất. Thậm chí năm 2007, đứa lớn đậu đại học, nông trường trợ cấp hàng chục triệu đồng với điều kiện sau khi tốt nghiệp về địa phương công tác.

“Nay Ban giám đốc đi tù, con tôi cũng bị cắt khoản hỗ trợ. Rầu nhất là sau khi ra trường, không biết nó có tìm được việc làm ở gần nhà không hay lại lông bông xin việc khắp nơi”, chị Hồng buồn bã nói.

Một số sinh viên đã từng nhận hỗ trợ của chương trình này cho rằng, so với vay tín dụng sinh viên, chương trình thu hút nhân lực dài hạn mà nông trường làm trước đây hiệu quả, dễ tiếp cận hơn. Thậm chí nhiều em cũng bày tỏ thích “cái tình cái nghĩa” với quê hương hơn là có vay - có trả mà không phải nơi nào cũng làm được như vậy.
 

Những “tiểu phú nông” ở Nông trường sông Hậu

 

Nhanh nhạy trong đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, một số hộ dân ở NTSH giờ đã thành tiểu phú nông. Dẫn chúng tôi thăm căn nhà khang trang vừa mới xây, anh Nguyễn Văn Bê khoe: “Tôi vừa xây hết gần 300 triệu đồng. Nhờ đám rẫy mà nên nhà nên cửa đó!”.

 

Nhiều người trồng cà ở Thới Hưng cho biết, trung bình họ thu khoảng 400 triệu đồng/ha/vụ cà, gấp hàng chục lần so với trồng lúa.

 

Anh Lại (49 tuổi), từ năm 2008 đến nay đã mạnh dạn bỏ ra hàng trăm triệu đồng và nhiều công sức để cải tạo toàn bộ hệ thống kênh dẫn - đất ruộng - bờ bao trồng hoa màu. Mấy vụ liên tiếp, anh trồng bầu, bí, dưa, cà, ớt sừng… quanh bờ bao thu lai rai vài chục triệu/vụ 3 tháng. Trung bình tổng thu nhập của gia đình anh Lại đạt từ 400 triệu đồng/ha/ năm; lợi nhuận hàng năm luôn đạt từ 300 - 350 triệu đồng.

 

Vĩnh Hòa