Vụ án Nông trường sông Hậu:

Bài 2: Con đường trở thành “tội đồ”

(Dân trí) - Tiếp sau hàng loạt thành công với Nông trường sông Hậu, bà Trần Ngọc Sương lại vướng vào vòng lao lý với cáo buộc đã lập quỹ trái phép hơn 9,4 tỷ đồng, làm thất thoát của nhà nước 5,6 tỷ đồng.

Lập quỹ trái phép?

Cả phiên sơ thẩm và phúc thẩm vừa qua, HĐXX đều tuyên bà Sương 8 năm tù, buộc bà bồi thường 4,3 tỷ đồng vì tội lập quĩ trái phép.

Theo các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Sương, “quỹ trái phép” mà cơ quan chức năng dùng để buộc tội bà Sương là quỹ công đoàn được thành lập từ năm 1979 khi NTSH mới thành lập. Nguồn quỹ này do cha bà Sương (AHLĐ Trần Ngọc Hoằng) chủ trương lập để cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên nông trường trong những năm đầu khó khăn. Quĩ này đã tồn tại cả 30 năm, ai cũng biết…
 
Bài 2: Con đường trở thành “tội đồ” - 1
Bà Trần Ngọc Sương khóc tại phiên tòa phúc thẩm
 

Quỹ này thực tế được chi vào các khoản như: trợ cấp lương, ốm đau, thi đua khen thưởng, hỗ trợ các gia đình chính sách nên người chịu trách nhiệm quỹ này phải là chủ tịch công đoàn nông trường.

Tuy nhiên, theo các cơ quan tố tụng, NTSH là 100% vốn nhà nước vì vậy phải chấp hành theo quy định quản lý của nhà nước. Với cương vị là giám đốc, bà Sương biết rõ tất cả các nguồn thu của nông trường là của nhà nước, nhưng tự ý duyệt chi là vi phạm pháp luật.

Cũng theo cáo buộc của các cơ quan tố tụng, từ năm 2001 đến năm 2007, bị cáo Sương đã móc nối với cấp dưới tự ý thành lập nguồn quỹ riêng bằng cách để ngoài sổ sách một số khoản thu từ việc bán bạch đàn tại nông trường, cho thuê đất, thu quản lý công trình điện nông thôn, chi tiếp khách... gây thiệt hại trên 4,5 tỷ đồng.

Đề nghị điều tra tội tham ô

Trong bản luận tội, Viện kiểm sát cũng yêu cầu tách khoản tiền hơn 1,1 tỷ đồng trong tổng số hơn 9,1 tỷ đồng lập quỹ trái phép (theo cáo trạng ban đầu) để tiếp tục điều tra, khởi tố bà Trần Ngọc Sương về hành vi “Tham ô tài sản”.

Số tiền 1,1 tỷ đồng nói trên được xác định là do bà Sương dùng mua 6,5 ha đất tại Sóc Trăng (giá trên 300 triệu đồng) và nhận được từ việc bán lô đất mua từ nguồn Quỹ công đoàn từ năm 1994 (giá 850 triệu) rồi nhập vào Quỹ trái phép. Theo VKS, trong phần xét hỏi đã xác định được, bị cáo Sương có dấu hiệu tham ô số tiền này.

Theo nhận định của VKS, trong vụ án này các bị cáo đã liên tục thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài, gây hậu quả “đặc biệt nghiêm trọng” mà đa số người phạm tội điều là cán bộ chủ chốt của Nông trường. Vì vậy, đại diện VKS yêu cầu cần phải có một mức án thực sự nghiêm khắc mới có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
 

Vi phạm tố tụng?

 

Tranh tụng tại tòa, luật sư của bị cáo Sương cho rằng, quá trình điều tra, truy tố cho đến khi đưa vụ án ra xét xử đã có dấu hiệu vi phạm Luật tố tụng nghiêm trọng: giám định mức độ thiệt hại không khách quan, không đúng theo trình tự pháp luật; HĐXX đã “vi phạm về quyền bị can, bị cáo” khi bác yêu cầu giám định lại theo điều 158 của BLTTHS; vi phạm điều 152 BLTTHS về việc xác định thành phần tham gia tố tụng... vì “nguyên đơn dân sự” (ông Trần Lư Đình Vũ - đại diện quyền lợi hợp pháp cho NTSH) đã không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại; không trưng ra được tài liệu, hồ sơ để chứng minh số tiền thiệt hại mà các bị cáo gây ra…

 

Vĩnh Hòa