1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bắc Kinh vẫn nói một đằng làm một nẻo

Thực tế Bắc Kinh đang thực thi những hành động mang tính “cả vú lấp miệng em”, “tạo sự đã rồi”… nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông cũng như gặm nhấm dần biển Hoa Đông.

Ngày 30/11, tại buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: Trung Quốc coi trọng giữ gìn tự do hàng hải trên Biển Đông và hiện không tồn tại tranh chấp ở khu vực này. Ngoài ra Trung Quốc quản lý biển theo luật quốc tế và luật trong nước. Lập trường của Trung Quốc trong việc giữ gìn chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi đất nước là rõ ràng và nhất quán.

Ông Hồng Lỗi còn nhấn mạnh, tự do hàng hải trên Biển Đông của các nước theo luật quốc tế cần được đảm bảo. Mặc dù Trung Quốc đưa ra tuyên bố kể trên, nhưng thực tế Bắc Kinh đang thực thi những hành động mang tính “cả vú lấp miệng em”, “tạo sự đã rồi”… nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông cũng như gặm nhấm dần biển Hoa Đông.

Cảnh báo của ASEAN và Philippines

Ngày 30/11, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đã bày tỏ mối quan ngại trước đạo luật mới của Trung Quốc (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013) bởi theo ông, đây là việc làm vô cùng nghiêm trọng, làm gia tăng mức độ lo lắng và quan ngại của các bên hữu quan. Ông Surin Pitsuwan nhấn mạnh, kế hoạch của Bắc Kinh rõ ràng làm leo thang căng thẳng vốn có tại khu vực liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và động thái của Bắc Kinh khiến các nước, đặc biệt là các bên cần tiếp cận, lưu thông, cần được tự do đi qua khu vực Biển Đông, càng thêm quan ngại và bức xúc.

Một tàu khu trục được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Hàn Quốc

Một tàu khu trục được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Hàn Quốc

Ông Surin Pitsuwan khuyến cáo, kế hoạch của Trung Quốc có thể châm ngòi cho các cuộc xung đột hải quân và làm ảnh hưởng đến nền kinh tế trong khu vực. Tổng thư ký ASEAN đưa ra tuyên bố kể trên sau khi các quốc gia Đông Nam Á và Mỹ cùng bày tỏ nghi vấn và lo ngại trước đạo luật của Trung Quốc: cho phép cảnh sát biển nước này khám xét và bắt giữ các tàu "xâm phạm lãnh hải" Trung Quốc trên Biển Đông. Được biết, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, vừa quyết định để cảnh sát địa phương được phép "lên tàu, thu giữ và trục xuất các tàu xâm phạm trái phép vùng biển của tỉnh".

Khi trả lời phỏng vấn của tờ Wall Street Journal mới đây, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan khẳng định, vị thế toàn cầu của ASEAN ngày càng tăng, nền kinh tế của ASEAN đang bắt đầu tỏa sáng, tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á đã vượt xa nhiều khu vực khác trên thế giới.

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế Đông Nam Á 2013 do Tổ chức Hợp tác và PShát triển kinh tế (OECD) công bố hồi trung tuần tháng 11, tăng trưởng kinh tế của ASEAN sẽ trở về mức “bùng nổ” ở thời kỳ tiền khủng hoảng với tỉ lệ trung bình 5,5%.

OECD cũng nhận định, các nước ASEAN đang chú trọng nhiều vào nhu cầu nội địa để thúc đẩy kinh tế. Được biết, cả Mỹ và Trung Quốc đều tuyên bố, Đông Nam Á ngày càng có vị trí quan trọng và là tuyến đường thông thương trên biển.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết, đạo luật này vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), đã yêu cầu Ngoại trưởng Albert Del Rosario xác minh kế hoạch của Bắc Kinh, và một khi mọi việc được làm rõ, Manila sẽ có phản đối chính thức.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng An ninh thuộc Hạ viện Philippines, Tướng Rodolfo Biazon, nguyên Tham mưu trưởng quân đội nước này kêu gọi phải có biện pháp đa phương đối với động thái mới nhất của Trung Quốc bởi nó ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của các nước trong khu vực.

Trung tướng Hải quân Philippines Juancho Sabban tuyên bố, đây là điều không thể chấp nhận bởi vi phạm các quyền quốc tế, đã đi quá giới hạn. Và điều đáng nói là trong khi Philippines đang cố tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp thì Trung Quốc lại có hành động ngang ngược như vậy.

Ngày 1/12, nghị sĩ Walden Bello coi động thái mới của Bắc Kinh là một sự vi phạm trắng trợn luật quốc tế và là một bước leo thang nguy hiểm về việc tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc.

Trước đó (29/11), phát biểu trên Đài Truyền hình Philippines ABS-CBN, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cho biết, Manila vẫn kiên trì đòi Bắc Kinh rút 3 chiếc tàu của họ ra khỏi khu vực Scarborough/Hoàng Nham bởi trước đó Trung Quốc đã hứa, nhưng vẫn chưa thực hiện. Ngoại trưởng Albert Del Rosario cho biết thêm, sau khi đạt được thỏa thuận (4/6), Philippines đã rút tàu khỏi Scarborough/Hoàng Nham, nhưng cho tới nay Trung Quốc vẫn duy trì sự hiện diện của họ tại khu vực tranh cãi này.

Ông Albert Del Rosario thông báo, Trung Quốc không muốn Philippines đề cập “vấn đề Biển Đông” với các nước khác, kể cả với những quốc gia có tuyên bố chủ quyền tại khu vực nhạy cảm này, nhưng Manila vẫn kiên trì quan điểm “quốc tế hóa vấn đề Biển Đông” bởi đây là biện pháp hữu hiệu. Philippines từng cáo buộc Trung Quốc là "độc tài" khi duy trì sự hiện diện của các tàu ở khu vực Scarborough/Hoàng Nham bởi Bắc Kinh tuyên bố: các tàu của họ sẽ ở lại đó vĩnh viễn. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Albert Del Rosario lại cho rằng, các tàu của Trung Quốc ở lại càng lâu thì tình hình càng trở nên phức tạp.

Ngày 2/12, tờ MaritimeSecurity.Asia dẫn lời Đô đốc hải quân Philippines Luis Tuason cho biết, Manila sẽ mua 5 tàu tuần tra của Pháp (116 triệu USD), trong một phần nỗ lực bảo vệ các khu vực đang tranh chấp tại Biển Đông. Theo phát ngôn viên lực lượng bờ biển Philippines Armand Balilo, tàu lớn có thể tuần tra ngay cả trong thời tiết xấu và đây cũng là loại tàu tuần tra lớn đầu tiên thuộc dạng này được mua cho lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines.

Quan điểm của Mỹ tại Biển Đông và biển Hoa Đông

Ngày 30/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, Mỹ sẽ làm việc với Trung Quốc để làm rõ việc “khám xét và bắt giữ các tàu xâm phạm lãnh hải Trung Quốc trên Biển Đông” - Mỹ sẽ có một số câu hỏi với Trung Quốc để làm rõ hơn về mục đích của họ và cho đến khi tiến hành việc đó Washington sẽ chưa đưa ra bình luận nào.

Ngày 1/12, tờ Japan Times (Nhật Bản) và tờ PacificNews Center (Mỹ) đưa tin, tối 29/11 (theo giờ địa phương), Thượng viện Mỹ đã thông qua điều luật sửa đổi của Dự luật Ủy quyền quốc phòng năm 2013, trong đó công nhận quyền quản lý của Tokyo đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và tái khẳng định cam kết nghĩa vụ an ninh đối với Nhật Bản tại quần đảo này theo tinh thần của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật.

Nhật Bản tích cực tham gia diễn tập với nước ngoài
Nhật Bản tích cực tham gia diễn tập với nước ngoài

Điều luật sửa đổi khẳng định, biển Hoa Đông là một phần quan trọng của khu vực biển châu Á, bao gồm các tuyến giao thương hàng hải mang lại lợi ích cho các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm tự do hàng hải, giao thương hợp pháp không bị cản trở, duy trì hòa bình, ổn định và tôn trọng luật pháp quốc tế ở biển Hoa Đông… Và việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán ở biển Hoa Đông đòi hỏi các bên phải kiềm chế, không được thực hiện các hoạt động tranh chấp hoặc gây mất ổn định khu vực.

Bất đồng ở biển Hoa Đông phải được xử lý theo cách mang tính xây dựng phù hợp với các nguyên tắc được ghi nhận của luật pháp quốc tế. Được biết, Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, James Inhof và Joe Liberman là những người đồng bảo trợ cho điều luật sửa đổi kể trên. Những Thượng nghị sĩ kể trên đều khẳng định, mặc dù không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng Mỹ vẫn ghi nhận quyền quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo này.

Mỹ ủng hộ các bên hữu quan thực hiện quy trình ngoại giao hợp tác để giải quyết tranh chấp lãnh thổ; phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề lãnh thổ và chủ quyền ở biển Hoa Đông. Giới quân sự coi điều luật sửa đổi kể trên là lời đáp trả của Mỹ trước những hoạt động phô trương thanh thế tại Biển Đông và biển Hoa Đông mà Hải quân Trung Quốc mới tiến hành thời gian gần đây. Ngoài ra, Washington cũng nhấn mạnh tới việc sẽ chống lại mọi biện pháp uy hiếp của Trung Quốc đối với “đồng minh Thái Bình Dương” của Mỹ.

Quan ngại của Nhật Bản và Hàn Quốc

Giới quân sự đang quan tâm tới những điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia mà Nhật Bản đang thực hiện do tác động từ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tạo ra. Được biết, hiện có 2 khuynh hướng quan trọng đang nổi lên trong chiến lược an ninh của Nhật Bản, đó là thể hiện ngày càng rõ rệt về năng lực của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) và sự hỗ trợ về mặt quân sự của Tokyo đối với một số nước lân cận. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản được coi là quốc gia duy nhất trong khu vực có lực lượng hải quân đủ mạnh để làm đối trọng với Trung Quốc.

Tạp chí AERA Nhật Bản số tháng 12 vừa đăng bài viết nhan đề “Hải quân Trung Quốc không mạnh, vấn đề là không quân”. Được biết, Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản chỉ có số lượng máy bay chiến đấu bằng khoảng một nửa của Trung Quốc - khoảng 290 chiếc, chưa kể 17 máy bay cảnh báo sớm trên không có bán kính trinh sát 400km và hệ thống tác chiến điện tử như radar mặt đất. Giới quân sự khuyến cáo, nếu Nhật Bản đánh mất quyền kiểm soát trên không ở biển Hoa Đông, mọi hoạt động của tàu chiến và máy bay trinh sát sẽ trở nên rất khó khăn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ bà Victoria Nuland

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ bà Victoria Nuland

Có lẽ xuất phát từ nguyên nhân này nên Tokyo đang muốn đóng vai trò độc đáo ở Châu Á - Thái Bình Dương: tăng cường ảnh hưởng quân sự trong khu vực, chú trọng xây dựng quan hệ quân sự, tổ chức diễn tập quân sự liên hợp, bán vũ khí tiên tiến... Trước đó (29/11), Hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho biết, tàu hải giám 137 mới nhất có lượng giãn nước 3.000 tấn của Trung Quốc bị phát hiện gần quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku. Đi cùng tàu hải giám 137 còn có tàu hải giám 46 và 49. Động thái này diễn ra đúng thời điểm Tân Hoa xã đưa tin: Tàu chiến Trung Quốc vừa tham gia tập trận tại phía tây Thái Bình Dương (thường niên).

Được biết, tàu chiến Trung Quốc thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có diễn tập các hoạt động quân sự, tìm kiếm, cứu hộ và đảm bảo yểm trợ... với sự tham gia của tàu khu trục tên lửa, tầu tuần phòng tên lửa, tàu tháp tùng. Giới quân sự coi cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc nhằm mục đích phô trương quyết tâm của Bắc Kinh trong việc tranh giành chủ quyền tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông. Được biết, ngày 30-11, đại diện Nhật Bản và Đài Loan đã gặp nhau tại Tokyo để nối lại đàm phán về việc đánh bắt tại các vùng tranh chấp trên biển Hoa Đông.

Cảnh sát biển Hàn Quốc cho biết, họ vừa bắt 2 tàu cá của Trung Quốc (lúc 15h30 ngày 30/11) ở vùng biển cách đảo Jeju, Hàn Quốc 78km về hướng Đông Bắc vì đã xâm phạm và đánh bắt cá trái phép trong vùng biển thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc. Hàn Quốc đã bắt giữ thuyền trưởng của 2 tàu cá này để phục vụ điều tra. Việc này diễn ra đúng thời điểm Cơ quan Phát triển quốc phòng Hàn Quốc trình bày kế hoạch phát triển hệ thống tác chiến mới cho tàu khu trục. Các hệ thống này gồm radar giám sát tầm trung 3 chiều và một hệ thống Sonar tiên tiến, vốn được trang bị một hệ thống cảnh báo ngư lôi tự động.

Dư luận quan tâm tới thông tin nói rằng, tập đoàn đóng tàu lớn của Trung Quốc sẽ khởi công các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng và nguồn nước tại cái gọi là "thành phố Tam Sa" mới được Bắc Kinh thành lập trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngoài ra, giới khoa học cũng đang quan tâm tới bài viết của 2 tác giả thuộc Đại học Sơn Đông và Viện Hải dương học Quảng Châu, Trung Quốc vừa đăng trên chuyên san Journal of Hydro-Environment Research số 6 (2012). Bởi bài viết với nhan đề “Spatial and temporal variations in algal blooms in the coastal waters of the western South China Sea” (Biến thiên không gian và thời gian của sự bùng nổ tảo biển ở duyên hải Biển Đông) dễ gây hiểu lầm, nhất là trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp.

Theo báo cáo thường niên về “Triển vọng Năng lượng Thế giới” của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sẽ có những thay đổi lớn tại các thị trường năng lượng thế giới cho đến năm 2030, do khu vực Tây Bán cầu đang phát triển nguồn cung nhờ đổi mới công nghệ trích xuất khí đốt và dầu đá phiến. Và Mỹ có lẽ là bên hưởng lợi chính từ hướng phát triển này, nhờ các hình thức sản xuất khí đốt tự nhiên rẻ nhất thế giới và chi phí vận chuyển thấp do cơ sở hạ tầng phát triển.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ có khả năng tự cung tự cấp và xuất khẩu năng lượng lớn trong tương lai. Trung Quốc cũng có các nguồn dự trữ khí đốt đá phiến lớn, nhưng khó tiếp cận hơn Mỹ và đang thiếu công nghệ trích xuất cần thiết để đưa lượng khí đốt này ra thị trường. Giới chuyên môn cho rằng, những động thái mới đây của Sinopec và CNOOC (đầu tư khá lớn vào thị trường năng lượng nước ngoài) có thể nhằm tìm hiểu công nghệ kể trên để khai thác nguồn dự trữ trong nước.

Khả năng thiếu nguồn năng lượng của Trung Quốc có thể buộc họ tìm những biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo đảm nguồn cung từ Trung Đông, hứa hẹn đẩy căng thẳng tăng lên ở khu vực này. Ngoài ra, căng thẳng và cạnh tranh trong khai thác và quyền khai thác năng lượng ở Biển Đông và biển Hoa Đông cũng sẽ khiến khu vực này khó tìm được tiếng nói chung…


Theo Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
Petrotimes