1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Ba kịch bản Vn-Index 2009

Chứng khoán hồi phục với những diễn biến đầy kịch tính. Chúng tôi giới thiệu bài viết phân tích và dự báo của tiến sĩ Nguyễn Đức Thành để các nhà đầu tư có thêm thông tin tham khảo.

Ba kịch bản Vn-Index 2009 - 1
Các nhà đầu tư đang chầu chực sẵn sàng đổ tiền vào chứng khoán (ảnh: Lê Quang Nhật - SGTT).

Kỳ vọng của nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng trong diễn biến của thị trường. Do đó, những điều kiện thực tiễn và chính sách vĩ mô có khả năng thay đổi kỳ vọng của nhà đầu tư sẽ là tác nhân tiên quyết cho sự phục hồi của thị trường trong thời gian tới.

Một phương pháp ước lượng giá trị của toàn bộ thị trường chứng khoán là coi toàn bộ thị trường như một doanh nghiệp, và tính toán giá trị toàn bộ dòng tiền mà thị trường ấy có thể mang lại cho nhà đầu tư trong một quãng thời gian được giả định là vô hạn.

Trong bài này, giả thiết rằng nhà đầu tư chỉ có kỳ vọng chi tiết về các mức tăng trưởng của dòng cổ tức trong năm năm đầu tiên, sau đó thì mức tăng trưởng sẽ hội tụ về một mức (gọi là mức tăng trưởng lâu dài).

Tuỳ theo thái độ lạc quan hay bi quan mà tương ứng có các kịch bản tăng trưởng trong năm năm đầu tiên và giá trị của mức tăng trưởng lâu dài. Trên cơ sở tính được giá trị thị trường, có thể quy đổi ra chỉ số Vn-Index tương ứng với mức giá trị đó.

Các kịch bản cho mỗi năm được chia làm ba loại: “lạc quan”, “thực tế” và “bi quan”. Đối với nhà đầu tư “lạc quan”, ước lượng của họ về tăng trưởng đối với năm đầu tiên cao hơn mức thực tế, và kịch bản tăng trưởng cho những năm tiếp theo cũng ở mức khá cao. Tỷ lệ tăng trưởng dài hạn của họ sẽ là 7%/năm.

Đối với nhà đầu tư “thực tế”, giả sử ước lượng của họ về tăng trưởng năm đầu tiên trùng với mức thực hiện, kịch bản tăng trưởng bốn năm tiếp theo thấp hơn nhà đầu tư “lạc quan” một chút, và tỷ lệ tăng trưởng dài hạn cũng là 7%.

Đối với nhà đầu tư “bi quan”, ước lượng của họ về tăng trưởng năm đầu tiên thấp hơn mức thực hiện, kịch bản tăng trưởng bốn năm tiếp theo ở mức thấp, và tỷ lệ tăng trưởng dài hạn chỉ là 6%.

Với cách đặt vấn đề như vậy, tác giả ước lượng cụ thể cho từng năm, và đã giải thích hợp lý diễn biến thị trường các năm 2007, 2008. Trong đó, mức 233 điểm là giới hạn dưới của mức bi quan nhất cho năm 2008. Thực tế, Vn-Index chạm mức này cuối quý 1/2009.

Khi bài nghiên cứu này được thực hiện, mới chỉ là quý 1/2009 nên chỉ có thể thực hiện ước lượng diễn biến của Vn-Index trong năm 2009. Vì không có giá trị của mức tăng trưởng lợi nhuận thực giữa năm 2009 và 2008, chúng tôi giả định mức kỳ vọng “thực tế” là 100%, và mức tăng trưởng của các năm tiếp theo như được trình bày trong bảng. Các kịch bản “lạc quan” và “bi quan” cũng dựa trên mức phân ly khỏi kịch bản “thực tế” theo hai chiều hướng cao và thấp.
 

Ba kịch bản Vn-Index 2009 - 2

Kết quả tính toán cho phép xác định giá trị của Vn-Index tương ứng cho từng kịch bản. Có thể ước lượng mức dao động của Vn-Index trong năm 2009 (từ quý 2/2009 đến hết quý 1/2010) sẽ nằm trong khoảng 260 điểm tới 540 điểm.

Cần lưu ý rằng những mốc giá trị trên không phải là giá trị ước lượng của Vn-Index vào cuối kỳ ước lượng (quý 1/2010), mà là giới hạn trên và dưới của dải giá trị Vn-Index có khả năng dao động trong đó.

Tuỳ theo làn sóng lạc quan hay bi quan chi phối thị trường trong từng thời điểm, Vn-Index có thể hướng về mức trên hoặc mức dưới một cách tương ứng.

Làn sóng tâm lý phụ thuộc vào các luồng thông tin và trên cơ sở kết hợp với thông tin quá khứ (kết quả năm 2008), sẽ hình thành nên các mức như đã được ước lượng.

TS Nguyễn Đức Thành
Theo SGTT