“Anh đi làm nhiệm vụ, đừng giục anh ngày về!”

(Dân trí) - Những tiếng khóc nấc của người mẹ già và người vợ trẻ khiến “khu phố hải quân” bao trùm không khí buồn đau. Liệt sĩ Đinh Văn Nam còn chưa về tới quê hương nhưng nỗi đau mất anh đã chất chồng trên từng ngõ phố…

Cuộc điện thoại hẹn ngày về thay lời vĩnh biệt

 

Từ lúc nhận được tin liệt sĩ Đinh Văn Nam hi sinh, cả gia đình từ mẹ già đến con thơ, vợ trẻ của anh gần như quỵ ngã. Đã 4 ngày trôi qua kể từ lúc anh gặp nạn, chiếc ban thờ được người thân lập lên để chờ anh trở về với gia đình, nghi ngút khói hương.

 

Sinh năm 1982, Thiếu úy Nam là y sĩ thuộc Hải đội 3, Lữ đoàn 125 - Bộ Tư lệnh Hải quân nhận nhiệm vụ cao cả tại đảo Hoàng Sa. Sáng 16/10, trong khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ đặc biệt một tàu mắc cạn tại đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa, anh Nam đã vĩnh viễn ngã xuống. Ngay sau khi đồng đội chuyển được thi thể anh vào đất liền, Thiếu úy Đinh Văn Nam đã được truy phong quân hàm trước thời hạn lên Trung úy, như một sự ghi ân đối với người sĩ quan trẻ giàu nhiệt huyệt.
 
Ban thờ lập sẵn chờ liệt sĩ Đinh Văn Nam trở về

Ban thờ lập sẵn chờ liệt sĩ Đinh Văn Nam trở về

 

Dự kiến ngày hôm nay (21/10), thi hài Trung úy Đinh Văn Nam sẽ được đưa về đến gia đình tại phường Thành Tô, quận Hải An, TP Hải Phòng để tổ chức mai táng.

 

Chị Đinh Thị Kim Xoa, SN 1987, vợ Trung úy Nam, ôm chặt đứa con gái mới 20 tháng tuổi vào lòng khóc nức nở: “Từ ngày cưới nhau, chúng tôi mới gặp nhau được có 3 lần. Cả 3 lần đều vội vàng vì anh đi công tác tranh thủ ghé qua nhà. Đứa con gái 20 tháng tuổi nhưng cũng chưa được quen hơi bố”. Rồi chị gạt nước mắt kể: “Chồng tôi bao năm công tác trên đảo được cấp trên ghi nhận, đã có quyết định chuyển công tác về tiểu đoàn 45 tại Hải Phòng cho gần gia đình. Niềm vui khôn tả, đêm trước lúc mất anh ấy còn gọi về nói chuyện với tôi rất nhiều. Anh ấy bảo ít hôm nữa anh chuyển về gần hai mẹ con em rồi. Anh biết em ở nhà nuôi con một mình vất vả, thiếu thốn. Mong em cố chờ anh về anh bù đắp lại”.

 

Bà Nguyễn Thị Mùi (mẹ Trung úy Nam) cho biết, mấy hôm trời chuyển lạnh, anh Nam cũng gọi điện về dặn mẹ giữ gìn sức khỏe, còn hứa sẽ đi cắt thuốc cho mẹ... Người mẹ già kể đến đây thì ôm ngực ho rũ rượi, hai dòng nước mắt chảy dài, nấc lên đau đớn: “Tôi mất đứa con trai duy nhất của mình vĩnh viễn rồi. Chờ ngày con về để nương tựa tuổi già ai ngờ ngồi đây chờ con về để mai táng cho con!”.
 
Ngày về là ngày ra đi mãi mãi

 

Ngày về là ngày ra đi mãi mãi

 

Trước lúc anh Nam hi sinh, anh vừa kết thúc đợt công tác 70 ngày liên tục trên đảo. Nhưng hôm đó, nhận được tin có tàu mắc cạn, anh lại cùng mọi người quay lại cứu hộ. Khi đang làm nhiệm vụ, một tai nạn xảy ra khiến anh Nam ngã xuống biển. Khi đồng đội cứu được anh lên tàu thì anh đã hi sinh.

Trên bàn thờ anh, bộ đồ tang của người vợ trẻ đã được để sẵn. Chiếc khăn tang trắng nhỏ xíu của đứa con thơ cũng được đặt cạnh di ảnh của liệt sĩ. Từng người thân, láng giềng, bạn bè nghe tin dữ tới thắp hương cho anh đều không cầm nổi lòng. Đứa con gái nhỏ ngây thơ chưa cảm nhận được nỗi đau mất cha, ngồi trước ban thờ bi bô đòi vẽ tranh tặng bố Nam.

 

Chị Đinh Thị Thu Hà, em gái anh Nam, mới sinh cháu nhỏ được 17 ngày, đờ đẫn kể: “Trước khi mất anh điện thoại về bảo anh sẽ chuyển công tác từ đảo vào đất liền. Anh còn khoe lên được 2kg nhưng nói tóc đã bạc nhiều. Tôi khấp khởi mừng mong lại được nhổ tóc bạc cho anh như hồi 2 anh em còn ở nhà. Tôi thường thắc mắc bao giờ anh được về với gia đình, anh lại mắng: “Anh đi làm nhiệm vụ, đừng giục anh ngày về!”.

 

Vậy là người lính đảo trẻ tuổi ấy đã lỡ hẹn với mẹ già, vợ trẻ, con thơ, em gái… Ngày anh trở về cũng là ngày anh ra đi mãi mãi.

 

Thu Hằng