Ăn tết Có Nhẹ Chà nơi ngã ba biên giới

(Dân trí) - Cố công lặn lôi thêm gần 300 km từ thành phố Điện Biên đến vùng ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào (xã Sín Thầu, Mường Nhé), chúng tôi may mắn được tham dự Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì - tết Có Nhẹ Chà.

Người Hà Nhì ăn Tết theo lịch mặt trăng, tức là Âm lịch. Sau khi thu hoạch xong vụ lúa (khoảng cuối tháng 10 Âm lịch), các già làng trưởng bản cùng cán bộ xã sẽ họp để thống nhất một ngày ăn Tết chung. Nó không cố định như Tết dưới xuôi của chúng ta nhưng nhất thiết là phải vào ngày con Rồng. Họ quan niệm ăn Tết vào ngày này thì mọi người sẽ được mạnh khoẻ cả năm vì Rồng là con mạnh nhất trong 12 con giáp.
 
Mổ lợn - nghi lễ của núi rừng

Sáng sớm, khi sương vẫn giăng khắp núi rừng thì nhà nhà đã thức giấc, thi nhau mổ lợn, khởi đầu cho 3 ngày tết. Tục mổ lợn có từ bao giờ không một ai biết, chỉ biết rằng cứ đến dịp Tết Có Nhẹ Chà thì mọi nhà, dù giàu hay nghèo, đói rách hay no đủ, đều mổ một con lợn do gia đình mình nuôi nấng cả năm trời để đón năm mới. Công việc mổ lợn của người Hà Nhì phải được thực hiện từng bước, trang trọng như một nghi lễ của núi rừng.

Chúng tôi đến nhà bác Pờ Dần Sinh, Bí thư Đảng uỷ xã Sín Thầu vừa lúc mọi người bắt đầu ngả chú lợn ngót 2 tạ. Đầu tiên, người mẹ, người phụ nữ trong gia đình, sẽ lấy một ít nước pha rượu cùng với muối trộn gạo rắc vào tai, vào mõm lợn với mong muốn năm sau, những chú lợn trong gia đình sẽ ăn nhiều hơn, chóng lớn hơn, to hơn, béo hơn nữa.
 
Ăn tết Có Nhẹ Chà nơi ngã ba biên giới - 1
Nhà nào cũng dậy từ sáng sớm để mổ lợn. Trong ảnh: gia đình bác Pờ Dần Sinh đang ngả chú lợn ngót 2 tạ

Sau khi chọc tiết, cạo lông sạch sẽ là đến phần mổ thịt. Đây là "tiết mục" quan trọng nhất. Người ta bóc tách từng phần riêng rẽ của con lợn vì mỗi phần mang một ý nghĩa riêng. Bắt đầu, phần bụng từ xương ức cho tới sát hậu môn được cắt thành một hình chữ nhật tượng trưng cho đất. Phần đuôi được khoét vào hai bên hông thành một hình tròn tượng trưng cho Mặt Trăng.

Cũng là cầu mong cho con lợn năm sau sẽ to béo hơn, khi cắt phần đầu, bác Pờ Dần Sinh khéo léo cắt vòng từ cổ xuống, để dính lại một ít thịt ở gáy, rồi hai tay cầm cái đầu gần đứt rời kia đập đập lại vào cổ nó ba lần, hô to: "Năm nay một tạ, năm sau hai tạ, năm sau ba tạ". Đó cũng chính là ước mong một cuộc sống ấm no, sung túc cho cả gia đình trong năm mới.

Cỗ lòng được để riêng, trong đó quan trọng nhất là lá gan. Lá gan vừa đưa ra khi vẫn còn đang nóng sẽ được người có kinh nghiệm nhất trong gia đình xem, đoán biết vận hạn nhà mình trong năm mới. Tiếp sau gan là hai lá mỡ được bóc cẩn thận sao cho khi tách ra khỏi bụng con lợn mà vẫn nguyên vẹn. Sau đó mỡ được nhào, trộn với tiết đọng trong bụng để có được màu đỏ. Người ta quan niệm màu đỏ sẽ mang lại may mắn cho năm mới. Số mỡ này dùng cho năm sau, mỡ được trộn với tiết đỏ khi rán sẽ rất thơm, nước mỡ vàng, đẹp.
 
Ăn tết Có Nhẹ Chà nơi ngã ba biên giới - 2
Xem gan lợn để đoán biết vận hạn của gia đình trong năm mới

Hai thăn chuột (thăn nhỏ bên trong bụng lợn) cũng được tách riêng, đặt vào trong một cái giỏ cùng với đầu, phần thịt bụng hình chữ nhật và phần đuôi hình tròn được cắt khi trước. Đây là những phần quan trọng nhất sẽ được chế biến làm mâm cỗ cúng tổ tiên. Khi người con gái đã đi lấy chồng về nhà thăm bố mẹ đẻ trong dịp Tết được cắt cho "hai tay" lợn (chân giò trước) làm quà phải chăng là một niềm an ủi cho cả năm chịu thương chịu khó? Người phụ nữ Hà Nhì từ ngàn đời nay vẫn giữ cái đức tính chịu thương chịu khó đến tồi tội trong chế độ phụ hệ…

Ngày vui bên mâm rượu
 
Sau “nghi lễ” mổ lợn là công việc chế biến của người phụ nữ. Thịt lợn được bàn tay khéo léo của người phụ nữ Hà Nhì chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau. Từ “A gạ a ú” (xúc xích), "A gạ xà be" (thịt lợn băm nhỏ trộn vỏ cây me tròn làm nước chấm), "Xà iu ì be" (sườn lợn băm trộn hạt mắc khén gói lá dong rừng), món nào cũng mang cái vị cay nồng nhưng đậm đà, thấm đượm phong vị núi rừng Tây Bắc. Khách đến Sín Thầu cũng không thể quên được món bánh dày làm từ gạo nếp nương trộn với vừng, lạc giã nhuyễn rồi cắt nhỏ, rán giòn.
 
Ăn tết Có Nhẹ Chà nơi ngã ba biên giới - 3
Thiếu nữ Hà Nhì làm món bánh dày truyền thống

Tết đến cũng là lúc để cho con cháu báo hiếu với ông bà, cha mẹ. Lợn mổ xong không được đánh chén ngay mà còn phải  "làm lý" với người lớn tuổi nhất dòng họ. Toàn bộ gia đình sẽ mang một mâm lễ vào buồng ông bà làm lý. Mâm lễ gồm 6 bát nhỏ: hai bát đựng cháo hoa, bên trên là phần thức ăn mặn được lấy từ tất cả các bộ phận của con lợn vừa mổ, mỗi phần một ít; 4 bát còn lại là 4 bát rượu, bên cạnh là mấy là chè Hà Nhì. Người làm lý sẽ xé mấy lá chè, bỏ vào hai bát tượng trưng cho nước chè, một loại thức uống đặc trưng của người Hà Nhì; hai bát còn lại tượng trưng cho rượu. Gia đình cúi đầu lạy người trên ba lần rồi xin phép ra về ăn Tết.

Ngày Tết trên này là những ngày vui bên mâm rượu. Khắp Tả Kố Khừ, bản trung tâm của xã Sín Thầu, nhà nào cũng bày sẵn mâm rượu mừng xuân. Tục uống rượu nơi ngã ba biên giới là cứ phải uống chung cả mâm cho đủ ba chén, rồi sau đó mọi người mới chúc riêng nhau, cứ sau mỗi chén lại nắm tay nhau một cái.

Buổi tối, trên sân tập thể luôn có một đống lửa to để mọi người vui trong những điệu xoè tình tứ. Người Hà Nhì cũng có điệu xoè của dân tộc mình, xoè “Ứ già nhi”. Những chàng trai, cô gái nắm tay nhau nhảy quanh đống lửa lớn và hát vang những bài hát dân tộc. Xoè Hà Nhì hoàn toàn tự nhiên, mọi người có thể thoả sức bầy tỏ niềm vui bằng những động tác đầy ngẫu hứng.
 
Ăn tết Có Nhẹ Chà nơi ngã ba biên giới - 4
Xoè dưới trăng

Những vị khách đặc biệt của bà con dân bản trong ngày Tết là những chiến sĩ biên phòng đồn 405 Leng Su Sìn, 317 A Pa Chải. Đã 5 năm nay, anh Vũ Kim Thạch, lính đồn 317 - đồn tận cùng nơi ngã ba biên giới này chưa có một cái Tết ở quê nhà Hải Phòng. Anh tâm sự: “Các anh em trong đồn đều phải gom ngày phép, mấy năm mới về thăm nhà một lần được. Ăn tết cùng bà con trong những ngày này, chúng tôi cũng vợi đỡ phần nào nỗi nhớ nhà.”

Người dân các bản xa xôi của xã như Tá Miếu, Tả Ló San, Long San… cũng về Tả Kố Khừ vui tết. Người bản này lội rừng, vượt suối mấy chục cây số chỉ bằng đôi chân trần, có khi mất cả ngày trời sang bản khác chúc Tết nhau… Tình người nơi đây chân thành, ấm áp, hồn hậu như những gì vốn có của núi rừng Tây Bắc còn nguyên sơ như thế. Chúng tôi cố công vượt ngót ngàn cây số dặm dài hoà mình vào ngày Tết Có Nhẹ Chà cũng là được tận hưởng chung niềm hân hoan khôn xiết với cộng đồng dân tộc Hà Nhì tận thương, tận mến của mình…
 
Tây Nguyên