An ninh nguồn nước sông Mê Kông đang đe dọa vựa lúa của cả nước

(Dân trí) - Việc xây dựng thủy điện ồ ạt ở thượng nguồn dòng Mê Kông dẫn tới hạn, mặn, sụt lún mà ĐBSCL đang là nạn nhân. Các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam đang lên tiếng cảnh báo về hiện trạng nguồn nước sông Mê Kông, đồng thời kêu gọi hành động nhằm bảo vệ nguồn sống chung của khu vực.

Các đại biểu, nhà khoa học cùng tham gia hội thảo
Các đại biểu, nhà khoa học cùng tham gia hội thảo

Hội thảo quốc tế “Thách thức an ninh nguồn nước Mê Kông và câu chuyện ở ĐBSCL - Việt Nam” vừa diễn ra tại Cần Thơ nhằm đưa ra góc nhìn mới về các nguy cơ an ninh môi trường do biến đổi khí hậu và tác động của các dự án vùng thượng nguồn.

ĐBSCL ngày càng dễ “tổn thương”

Các nhà khoa học cho rằng, những năm gần đây, ĐBSCL dễ “tổn thương” trước các tác động từ hiệu ứng thời tiết cực đoan gây ra bởi hiện tượng biến đổi khí hậu. Sự thay đổi mạnh mẽ chế độ mưa hàng năm, gia tăng triều cường vùng cửa sông và ven biển, cùng với gia tăng nhiệt độ mau chóng đã tạo ra sự thiếu hụt nguồn nước mặt, sụt giảm lượng nước ngầm và tăng cường diện tích “mặn hóa” do xâm nhập mặn.

Quan ngại hơn, sự phát triển ồ ạt thiếu bền vững của hàng loạt đập thủy điện ở thượng nguồn dòng chính sông Mê Kông những năm qua đã khiến cho vấn đề an ninh nguồn nước ở Hạ châu thổ sông Mê Kông nói chung, ĐBSCL của Việt Nam nói riêng, trở nên bức bách.

Nguồn nước ở ĐBSCL đang bị đe dọa
Nguồn nước ở ĐBSCL đang bị đe dọa

Theo các nhà khoa học, đến thời điểm hiện nay, lượng phù sa từ 160 triệu tấn đã giảm còn 85 triệu tấn (giảm gần 1/2) do các đập thủy điện từ Trung Quốc. Trong tương lai có thêm nhiều đập thủy điện trên dòng Mê Kông, ĐBSCL không chỉ lo ngại về an ninh nguồn nước mà còn lo thiếu phù sa bồi đắp cho các vùng đất. Các nhà khoa học cảnh báo, sự thay đổi về nơi sản xuất, nơi cư trú sẽ tạo ra sự xáo trộn mà chúng ta chưa hình dung hết.

Tiến sĩ Dương Văn Ni (ĐH Cần Thơ) dẫn số liệu khiến nhiều đại biểu giật mình, ở Việt Nam, trong năm 2015-2016, khô hạn và xâm nhập mặn đã gây hại cho 500.000 ha lúa nước, thiệt hại 200.000 tấn lúa và khoảng 50 triệu USD. Ngoài ra, hàng triệu người dân đã thiếu nước ngọt trong mùa khô hạn. Và hiện nay, ĐBSCL đang chịu những tổn thương khủng khiếp đó là sạt lở, sụt lún t ràn lan, làm mất ít nhất 500 ha đất/năm!

PGS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết: ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của hệ thống đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong. Những dự án này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống nguồn nước vùng ĐBSCL, đặc biệt là vấn đề về môi trường nước và các hệ quả của hệ thống đập này.

"Chúng tôi những người ở vùng hạ nguồn sông Mekông mong muốn chia sẻ những lo lắng về sự phát triển của hệ thống đập thủy điện tác động đến các nước thượng lưu, đặc biệt là Trung Quốc, Lào, Campuchia. Những lo lắng của cư dân vùng hạ nguồn sẽ được các cơ quan thông tấn báo chí vùng hạ nguồn sông Mê Kông truyền tải thông điệp đến các quốc gia vùng thượng nguồn" PGS. Toàn nói.

Chung tay cứu nguồn nước

PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, trường Đại học Cần Thơ chia sẻ: Vùng ĐBSCL đang đối mặt với 6 thách thức, gồm: Thách thức biến đổi khí hậu; Gia tăng dân số và di dân; Khai thác tài nguyên quá mức; Suy giảm môi trường; Thay đổi sử dụng đất; Đe dọa của các đập thủy điện thượng nguồn và các dự án chuyển nước (ở Thái Lan, Lào và Campuchia). Trong đó, 5 thách thức đầu có thể ứng phó, cải thiện được; thách thức cuối khó "đối phó". Bởi các đập thủy điện mà nước bạn đang xây dựng chúng ta không thể kiểm soát.


PGS.TS. Lê Anh Tuấn

PGS.TS. Lê Anh Tuấn

Việc này sẽ đe dọa đến an ninh nguồn nước vùng ĐBSCL, mà tất cả việc sản xuất ở ĐBSCL phụ thuộc vào an ninh nguồn nước, nếu an ninh nguồn nước mất đi thì an ninh lương thực sẽ bị đe doạ, an ninh lương thực mất đi thì an ninh xã hội ngày trở nên nghiêm trọng.

Ông Tuấn cũng cho biết, ĐBSCL cung cấp hơn 53% lượng gạo và hoa màu cho cả nước, 85% lượng cá, 75% lượng trái cây tiêu thụ nội địa và xuất khẩu trên thế giới. Chính vì vậy, hầu hết mọi vấn đề sinh hoạt, sản xuất ở ĐBSCL đều bằng nguồn nước sông Mê Kông, từ đó hình thành nền văn minh sông nước đặc thù của khu vực này.

Nhưng hiện nay, ĐBSCL đang bị đe dọa bởi an ninh nguồn nước và phù sa, bởi việc nước bạn xây đập thủy điện ở dòng chính sông Mê Kông. Chính việc “xây dựng một loạt đập thủy điện từ Trung Quốc đến Lào đã làm thay đổi chế độ dòng chảy ở hạ lưu sông Mê Kông và mất đi lượng phù sa khá lớn”.

Việc hàng loạt đập thủy điện từ Trung Quốc đến Lào nên lượng phù sa về ĐBSCL hàng năm “giảm từ 160 triệu tấn/năm, xuống còn khoảng 85 triệu tấn/năm”. Chính vì việc thiếu phù sa nên nước đòi phù sa gây sạt lở, sụt lún đang diễn ra khá nghiêm trọng ở đồng bằng.

Ông Nguyễn Nhân Quảng, chuyên gia quản lý lưu vực sông, cho rằng: “Cần tiếp tục thu thập thông tin qua các nguồn khác nhau để có thể phân tích các tác động của việc khai thác tài nguyên nước sông Mêkông, kiến nghị với các cơ quan hữu quan có các giải pháp kịp thời. Các bên liên quan trong câu chuyện hợp tác Mêkông, một mặt cần nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết sẵn có, đồng thời tiếp tục tìm kiếm các giải pháp thay thế”.

Phạm Tâm