72 bức ảnh quý bị lãng quên nửa thế kỷ

(Dân trí) - Hình ảnh những bước chân đầu tiên của đoàn giải phóng quân về tiếp quản thủ đô ngày 10/10/1954 lịch sử đã được một sinh viên người Huế ghi lại trong 2 cuốn phim Kodak. 50 năm sau, 72 bức ảnh ấy trở thành những “báu vật” mà tác giả không ngờ đến.

72 bức ảnh quý bị lãng quên nửa thế kỷ - 1

Cụ Thân Trọng Ninh cho tôi xem những thước phim quý giá về  một thời.

 

 

Chứng nhân lịch sử

 

Lật giở lại những tấm ảnh quý, cựu nhà giáo Thân Trọng Ninh, ở TP Huế, giờ đã là một ông lão ngoài 80 tuổi, bồi hồi: “Thực tình lúc đó tôi chỉ là một người thích chơi ảnh. Không ngờ 50 năm sau, chúng lại trở thành những tài liệu rất quý về lịch sử thủ đô”.

 

Bức  ảnh đầu tiên mà ông cho tôi xem là hình ảnh hai chiến sĩ giải phóng vai mang ba lô, tay cầm hoa, súng đeo ngang người, đang vẫy chào người dân Hà Nội. Ông thích bức ảnh này nhất vì nhìn vào nó, những ánh mắt và nụ cười tự tin của người chiến sĩ như thể hiện sức mạnh và niềm tự hào của người Việt Nam.

 

Bức ảnh thư hai mà ông rất thích là hình ảnh những đứa trẻ đưa ánh mắt tò mò nhìn câu khẩu hiệu “Hoan nghênh và biết ơn” vừa được kẻ xong trên bức tường của trường Trần Nhật Duật.

 

Đặc biệt, trong số 72 tấm ảnh ngày tiếp quản thủ đô của ông có tới gần 20 bức ghi lại phút giây rút quân muộn màng của những người lính Pháp thất trận - một góc nhìn mới lạ của tay máy nghiệp dư so với phần lớn các bức ảnh cùng thời điểm.

 

Ông nhớ lại, ngày 10/10/1954, khi đó ông đang là chàng trai 32 tuổi, sinh viên hai ngành Khoa học và Luật học của trường Đại học Hà Nội. “Khoảng 9h sáng hôm đó, tôi đi ra Hàng Gai - Hàng Bông rồi đi dọc xuống đê sông Hồng, ghi lại những hình ảnh cuối cùng của quân Pháp rút khỏi Việt Nam. Từng tốp lính Pháp, súng và ba lô để dưới đất, tay hút thuốc lá, mắt nhìn về phía xa, đợi những chuyến xe cuối cùng đưa họ rời khỏi Hà Nội. Chính ngã ba Hàng Bông đó, tôi đã có 3 bức ảnh của 3 thời điểm khác nhau, bức ảnh những người lính Pháp cuối cùng, rồi những người Pháp lên xe, và khi người dân Hà Nội đổ xô ra đón đoàn quân giải phóng về tiếp quản thủ đô”.

 

Những người lính thất trận cúi đầu lê bước, những đoàn xe nhà binh lặng lẽ đi về phía cầu Long Biên, hàng ngàn người dân Hà Nội náo nức dựng cổng chào trước đền Ngọc Sơn... Tất cả đều được ghi lại trong 72 bức ảnh của ông.

 

Tình thân qua những bức ảnh

 

Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng thủ đô, UBND Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử, Bảo tàng Lịch sử cách mạng VN đã tổ chức cuộc triển lãm “Ngày tiếp quản thủ đô qua ống kính người dân Hà Nội”. Những bức ảnh quý nằm trong kho lưu trữ của gia đình ông có dịp đến với người dân Hà Nội.

 

72 bức ảnh quý bị lãng quên nửa thế kỷ - 2
Hai chiếc lon nhôm cất giữ một gia tài suốt nửa thế kỷ.

 

Những con người mà trước đây ông chưa bao giờ quen biết, giờ trở nên thân quen hơn bao giờ hết. Những cô gái Vương Thị Hiếu, Nguyễn Thị Cao Loan, Đặng Thị Ngữ, Lê Thị Túy... lúc bấy giờ là những nữ quân y từ chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô, nay đã thành bà nội, bà ngoại chợt nhận ra mình trong ảnh của ông. Đôi bên mừng tủi như những người bạn xưa nay mới được gặp lại.

 

Cố giáo sư Trần Quốc Vượng đứng khựng lại bên bức hình một người phụ nữ đầu chít khăn mỏ  quạ, khuôn mặt cười tươi lộ hàm răng đen bóng, reo lên: “Đây là u tôi”. Rồi cố giáo sư bắt tay người bạn già, khuôn mặt rạng rỡ. Ông Ninh không khỏi bùi ngùi: “Không ngờ mình có thể đem đến niềm vui cho nhiều người đến vậy”.

 

Giải thích lý do tại sao 72 bức ảnh quý như vậy lại bị nằm trong “kho” tới nửa kỷ, ông kể: Khi đó thấy không khí rộn ràng thì ông cũng như nhiều người Hà Nội khác không thể ngồi yên trong nhà. Ông ra đường, làm một cuộc dạo chơi và chụp ảnh.

 

Tháng 9/2004, nhà sử học Dương Trung Quốc vào Huế chơi, ghé thăm ông, được ông kể cho nghe câu chuyện đó. Ông Quốc ngạc nhiên và giục ông tìm lại những thước phim quý. Thật may mắn, 2 cuộn phim được mẹ ông đựng trong 2 hộp nhôm màu vàng, cất kỹ trong góc tủ. Ông và ông Quốc hồi hộp đi rửa ra. 72 “báu vật” được trình làng.

 

Hoàng Thùy