49 lao động Việt Nam tại Malaysia được truy lĩnh toàn bộ lương

(Dân trí) - Toàn bộ các khoản lương và các chi phí liên quan đến 49 nữ lao động Việt Nam trung tâm bảo vệ ở Kuala Lumpur tại Malaysia sẽ được cơ quan chức năng chuyển trả tận tay người lao động.

Ngày 29/3, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Ban quản lý lao động - Đại sứ quán Việt nam và các cơ quan chức năng Malaysia đã đưa ra thống nhất các phương án giải quyết về vụ việc liên quan đến lao động Việt Nam tại công ty Asmana.

Trước đó không lâu, công ty Asmana và thầu chính là công ty Faber đã họp tại Cục Lao động Malaysia (Putra Jaya) để thống nhất về việc chi trả tiền lương và làm thêm còn thiếu của người lao động (cả Việt Nam và Nepal). Theo đó, công ty Faber là bên phải chịu trả khoản tiền lương này. Trước mắt, khoản tiền này sẽ được trao tới hơn 40 lao động (Việt Nam có 17 người) hiện không ở trong trung tâm bảo vệ. Khoản tiền  lương 2.000 - 3.000 ringgit được trao tới tận tay từng lao động này dưới sự chứng kiến của Cục trưởng Cục Lao động Malaysia, giám đốc Sở Lao động Penang cùng Sứ quán 2 nước Việt Nam và Nepal tại văn phòng Sở Lao động bang Penang vào chiều ngày 29/3/2012.

Riêng với số lao động đang ở trong các trung tâm bảo vệ (Việt Nam có 49 nữ ở Kuala Lumpur và 3 nam ở Melaka), công ty Faber sẽ phải nộp khoản tiền phải trả người lao động vào tài khoản của Cục Lao động trước. Sau khi Cục Lao động làm việc và được phép của cơ quan nhập cư sẽ chuyển lại toàn bộ số tiền này cho người lao động trong các trung tâm. Hiện tại số lao động này chỉ còn chờ gia hạn visa để chuyển chỗ làm việc mới.

Phía công ty Asmana cũng cam kết sẽ cố gắng tính toán lại chi tiết các khoản đền bù lại cho người lao động. Được biết, hiện 17 lao động Việt Nam đang ở ngoài trung tâm bảo vệ nhân chứng đang được làm giấy lưu trú đặc biệt (special pass). Sau khi có được giấy tờ này, 17 lao động có thể về nước nhanh chóng hoặc dễ dàng để làm thủ tục chuyển chủ (sang công ty mới là NS Medik ). Khoản tiền vé máy bay và mọi chi phí liên quan để đưa lao động về nước cũng sẽ do phía Faber chi trả.

 Thanh Trầm