Thừa Thiên Huế:

35 triệu m3 nước ngọt được xả, cá lồng không còn chết

(Dân trí) - Ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Giám đốc Công ty Quản lý & Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết trong 6 ngày qua, đơn vị đã xả tổng cộng 35 triệu m3 nước ngọt qua đập dâng Thảo Long để điều tiết nước cho vùng đầm phá Tam Giang sau vụ chết cá lồng.

Cụ thể, thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đơn vị đã xả nước ngọt từ ngày 3/5 qua đập dâng Thảo Long để đẩy nước về vùng đầm phá Tam Giang nhằm điều tiết môi trường nước. Trước đó tại vùng này, cá lồng đã chết nhiều tại các vùng ven biển Thuận An (huyện Phú Vang) và Hải Dương (thị xã Hương Trà), nhận định do thiếu oxy.

Trong 3 ngày đầu, lượng nước xả đẩy mạnh khoảng 15 triệu m3. Đến những ngày sau cho đến hôm nay, lượng nước xả giảm dần từ 3-5 tiếng đồng hồ/ngày. Tổng lượng nước xả qua 6 ngày là 35 triệu m3.

Lượng nước nói trên cũng được “giúp đỡ” một phần từ điều tiết các hồ thủy điện, hồ chứa nước về sông Hương. Qua ghi nhận của PV và phản ánh từ người dân địa phương, lượng cá lồng hầu như đã không còn chết sau thời điểm nước được xả về hạ lưu vùng đầm phá.

Đập dâng Thảo Long với nhiệm vụ điều tiết nước sạch về hạ lưu hay ngăn mặn đã xả 35 triệu m3 nước ngọt - lớn nhất từ trước đến nay để cứu cá lồng vùng đầm phá Tam Giang ở Thuận An và Hải Dương
Đập dâng Thảo Long với nhiệm vụ điều tiết nước sạch về hạ lưu hay ngăn mặn đã xả 35 triệu m3 nước ngọt - lớn nhất từ trước đến nay để cứu cá lồng vùng đầm phá Tam Giang ở Thuận An và Hải Dương

Tuy nhiên, vào thời điểm xả sau 3 ngày đầu, mức nước nội đồng ở các địa phương phía trên sông Hương đã bị tụt đến 30 cm trong điều kiện thời tiết khô hạn cần nước tưới. Nhưng qua điều tiết các ngày qua, hiện lượng nước cấp bù lại đã đưa mức nước nội đồng về lại trạng thái ban đầu nhằm đảm bảo cho việc tưới tiêu trong mùa hạn cho nông dân.

“Ước tính lưu vực sông Hương, sông Bồ cung ứng nước cho khoảng 15.000 hecta lúa, chiếm 65-75% diện tích lúa toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Khoảng sau ngày 20/5 chúng tôi sẽ điều tiết mực nước ở ngưỡng +40 đến +45 cm ở các vùng có trồng lúa, bà con sẽ thoải mái trong việc có nước tưới ruộng lúa” – ông Đính trao đổi.

Sau khi xả 1 lượng nước lớn, hiện nay việc bù nước lại đã được đáp ứng để cung cấp cho tưới các ruộng lúa mùa hạn trên toàn tỉnh
Sau khi xả 1 lượng nước lớn, hiện nay việc bù nước lại đã được đáp ứng để cung cấp cho tưới các ruộng lúa mùa hạn trên toàn tỉnh

Cũng theo ông Đính, đây là lần đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại từ khi đập dâng Thảo Long hoàn thành, đơn vị xả nước về vùng hạ lưu đầm phá lớn nhất nhằm làm sạch môi trường nước ở phía dưới.

Ông Đính cho hay đây là lần xả nước lớn nhất từ trước đến nay nhằm giúp cho vùng đầm phá
Ông Đính cho hay đây là lần xả nước lớn nhất từ trước đến nay nhằm giúp cho vùng đầm phá

Liên quan đến việc cá nuôi lồng chết nhiều tại Huế, trong ngày 6/5, đoàn chuyên gia của Nhật, Mỹ đã vào Huế, và lấy mẫu tảo lạ ở vùng biển Thuận An. Theo ghi nhận cho đến ngày 9/5, lượng cá lồng tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã không còn chết.

Đại Dương