3 năm tới Hà Nội phải đủ trường mầm non

(Dân trí) - Nói về vấn đề thiếu trường học, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, do quản lý kém nên Hà Nội đang trong tình trạng nơi thiếu vẫn thiếu, nơi thừa vẫn thừa. Ông Nghị yêu cầu đến năm 2015 phải khắc phục triệt để tình trạng thiếu trường, thiếu lớp.

Ngày 28/9, trong buổi giao ban định kỳ với các quận huyện, lãnh đạo Hà Nội đã nghe báo cáo về tình trạng thiếu trường lớp ở một số địa bàn. Kỳ vọng đến năm 2015, Hà Nội không thiếu trường thiếu lớp cũng được đưa ra làm mục tiêu cho ngành giáo dục và các quận huyện trong những năm tới.

Ưu tiên quỹ đất xây trường

Theo báo cáo, rà soát tại 10 khu đô thị mới đã xây dựng đưa vào sử dụng 27/38 trường theo quy hoạch, trong đó có 4 trường công lập; còn lại 11 trường chưa xây dựng xong. Còn tính theo các khối, thì mầm non hiện còn 6 phường chưa có trường công thuộc các quận: Đống Đa (4 phường: Trung Liệt, Láng Thượng, Ngã Tư Sở, Phương Mai ) và Hai Bà Trưng (2 phường: Lê Đại Hành, Thanh Nhàn). Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy là ba quận có nhiều học sinh/lớp nhất (40 cháu/lớp).
 
3 năm tới Hà Nội phải đủ trường mầm non - 1

Cha mẹ thức trắng đêm để con được tới trường

Khối tiểu học còn 12 phường chưa có trường công, tập trung tại quận Hoàn Kiếm (5 phường: Hàng Đào, Cửa Đông, Hàng Mã, Hàng Bạc, Tràng Tiền), Ba Đình (1 phường Liễu Giai), Đống Đa (4 phường: Quốc Tử Giám, Khâm Thiên, Quang Trung, Ngã Tư Sở), Hà Đông ( 2 phường: Phú La, Văn Quán). Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy là những quận có đông học sinh/lớp.

Trung học cơ sở còn 28 phường chưa có trường THCS, tập trung tại các quận Hoàn Kiếm (10 phường); Ba Đình (3 phường); Đống Đa (6 phường); Hai Bà Trưng (4 phường); Thanh Xuân (1 phường Thanh Xuân Trung); Cầu Giấy (2 phường); Hà Đông (2 phường).

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu quy hoạch các trường học xác định rõ địa điểm, loại hình, trên cơ sở đó ưu tiên bố trí đủ quỹ đất xây dựng, mở rộng trường học công lập. Đảm bảo tiêu chí tối thiếu mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một trường công lập các cấp học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và 5 vạn dân có 1 trường THPT.

Đồng thời, khi xem xét quy hoạch, các dự án khu đô thị mới, dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần quan tâm đảm bảo đủ quỹ đất để xây dựng trường lớp học phục vụ cho con em trong khu vực.

Đối với khu vực các quận nội thành không còn quỹ đất trống (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình...), Chủ tịch UBND các quận chủ động rà soát, đề xuất với UBND TP phương án giải quyết cụ thể về địa điểm xây dựng trường học phù hợp với nhu cầu và tiêu chuẩn xây dựng, kể cả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tại các quận trung tâm này, giải pháp chồng tầng tại các cơ sở giáo dục đào tạo hiện tại cũng được đề xuất.

Quản lý tốt không thiếu đất xây trường

Tại buổi giao ban, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho hay, nếu chia bình quân số trường lớp trên đầu học sinh thì Hà Nội không thiếu trường. “Vấn đề là Thủ đô vừa thiếu vừa thừa trường, do vậy nếu đi học đúng tuyến thì chật, trái tuyến thì xa và học phí đắt”, ông Nghị phân tích.
 
3 năm tới Hà Nội phải đủ trường mầm non - 2
Ba năm nữa Hà Nội sẽ hết cảnh này? (ảnh Hồng Hạnh)

Đề cập đến vấn đề thiếu trường do quỹ đất thiếu ông Nghị cho rằng đây là nguyên nhân khách quan nhưng chủ yếu là do quản lý gây ra. “Nếu quản lý tốt, có tầm nhìn quy hoạch tốt thì không xảy ra tình trạng thiếu đất”, ông Nghị chỉ rõ.

Về nguyên nhân thiếu kinh phí, ông Nghị cho rằng cũng không phải là lý do chủ yếu. “Nếu quận huyện thiếu thì cần báo cáo lý do để thành phố hỗ trợ; xã phường thiếu thì quận huyện hỗ trợ”, ông Nghị nói.

Ngoài ra, ông Nghị cũng yêu các khu đô thị phải có chỗ học cho trẻ. Và khắc phục chuyện xã hội hóa theo hướng xây trường chất lượng cao nhưng không phù hợp khả năng đóng góp của dân ở đó nên họ đưa con đi nơi khác còn ở nơi khác có điều kiện lại cho con tới đó học gây mất trật tự an toàn giao thông.

Trước thực trạng đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị yêu cầu đến năm 2015 phải khắc phục triệt để tình trạng thiếu trường thiếu lớp. Riêng trường mầm non, chậm nhất sau 3 năm khắc phục triệt, chứ không chờ đến năm 2015.

Quang Phong