22 địa điểm ở miền Trung sẽ được quan trắc chất lượng nước biển

(Dân trí) - Tổng cục Môi trường vừa có công văn hướng dẫn 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu nước biển ven bờ để tiến hành quan trắc, phân tích tại 22 địa điểm.

22 địa điểm tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế sẽ được tiến hành quan trắc nguồn nước thường xuyên.
22 địa điểm tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế sẽ được tiến hành quan trắc nguồn nước thường xuyên.

Theo đó, mẫu nước biển được lấy ở bãi tắm, trong phạm vi cách bờ không quá 1,5 km, nằm cách độ sâu cách mặt nước từ 0,3m đến 0,5m, gồm các điểm sau:

Tại Hà Tĩnh, quan trắc phân tích chất lượng nước biển ven bờ tại 6 điểm: Bãi tắm Xuân Thành; Bãi tắm Xuân Hải; Bãi tắm Thạch Hải; Bãi tắm Thiên Cầm; Bãi tắm Kỳ Ninh; Bãi tắm Mũi Đao.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình quan trắc tại 4 điểm: Bãi tắm Vũng Chùa, Quảng Đông, Quảng Trạch; Bãi tắm Đá Nhảy, Thanh Trạch, Bố Trạch; Bãi tắm Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới; Bãi tắm Hải Ninh, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh.

Quan trắc phân tích chất lượng nước biển ven bờ tại 3 điểm ở tỉnh Quảng Trị, gồm: Mũi Si, thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh; Bãi tắm Gio Hải, xã Gio Hải, Gio Ninh; Bãi tắm Mỹ Thủy, xã Hải An, Hải Lăng.

Riêng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế quan trắc phân tích chất lượng nước biển ven bờ tại 9 điểm: Cửa biển Lăng Cô; Bãi tắm Lăng Cô; Bãi tắm Cảnh Dương; Cửa biển Vinh Hiền; Bãi tắm Vinh Thanh; Bãi tắm Thuận An; Cửa biển Thuận An; Bãi tắm Quảng Ngạn; Bãi tắm xã Điền Lộc.

Tổng cục Môi trường yêu cầu phương pháp quan trắc và phân tích phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 31/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc quy định quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường nước biển.

Thông số quan trắc được áp dụng theo Bảng số 1 về giá trị giới hạn của các thông số chất lượng nước biển ven bờ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10-MT:2015; thời điểm quan trắc 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều.

“Các tỉnh đã triển khai thực hiện chương trình quan trắc tại vũng bãi tắm và thường xuyên cung cấp số liệu cho người dân. Đồng thời Tổng cục Môi trường tiến hành lấy mẫu và thông báo kết quả trên trang web của Bộ Tài nguyên và Môi trường”- thông báo nêu rõ.

Theo dự kiến, ngày 4/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì họp bàn, thống nhất phương án với đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong việc quan trắc chất lượng nước biển tại khu vực miền Trung.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị các bộ ngành này chỉ đạo các đơn vị thuộc mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, gồm: Viện Tài nguyên và Môi trường biển; Trung tâm Khảo sát, Nghiên cứu, Tư vấn môi trường biển; Viện Hải dương học; Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường biển hải quân; Viện Nghiên cứu hải sản tham gia cùng đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành quan trắc chất lượng nước biển tại khu vực miền Trung; trong đó, ưu tiên bố trí trang thiết bị và nhân lực, xây dựng kế hoạch triển khai quan trắc chất lượng nước biển theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, Tổng cục Môi trường đã có thông báo về kết quả quan trắc chất lượng nước biển ven bờ được tổng hợp từ các Trung tâm Quan trắc môi trường đã thực hiện ngày 29/4/2016 tại các bãi tắm trên địa bàn 4 tỉnh và so sánh với Quy chuẩn Việt Nam QCVN 10-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển để đánh giá cho thấy, nước biển ven bờ tại các khu vực được phân tích đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn.

Đánh giá ngay hoạt động xả trực tiếp ra biển vịnh Vũng Áng

Hôm qua (2/5), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có buổi tiếp, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Đức, Mỹ, Israel và các nhà khoa học trong nước - những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực hải dương học, địa chất ven biển, kỹ thuật bờ biển và môi trường bền vững.

GS Roberto Mayerle - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ Đại học Kiel (Đức) cho biết, sau buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ. “Nếu được các Bộ, ngành của Việt Nam đồng ý, chúng tôi sẽ đưa thêm chuyên gia, mang thêm các trang thiết bị để giúp Việt Nam điều tra nguyên nhân sự cố vừa qua. Nếu chúng ta đi đúng hướng và làm việc với tinh thần khẩn trương, chúng tôi tin sẽ cùng với các nhà khoa học Việt Nam sớm tìm ra nguyên nhân sự cố”- GS Roberto Mayerle khẳng định.

Ghi nhận, cảm ơn ý kiến của các nhà khoa học, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ chủ trì công tác nghiên cứu khoa học tìm ra nguyên nhân cá chết hàng loạt vừa qua. Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn và tạo điều kiện để các nhà khoa học nước ngoài tham gia luôn vào việc đánh giá hoạt động của các nhà máy đang xả trực tiếp ra biển vịnh Vũng Áng; tham gia khảo sát quan trắc chất lượng nước biển khu vực này.

“Chúng tôi sẽ cùng các nhà khoa học rà soát lại toàn bộ hệ thống quan trắc bờ biển để xác định các công việc cần thiết trong thời gian tới nhằm tăng cường năng lực, bảo đảm ứng phó nhanh với các sự cố môi trường biển có thể xảy ra, đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Thế Kha