TPHCM:

217 tỷ đồng thu của tiểu thương chợ An Đông đang ở đâu?

(Dân trí) - Đó là tiền thu từ hợp đồng cho thuê điểm kinh doanh có thời hạn (giai đoạn 2011-2016). Giá thuê bao gồm chi phí duy tu, đầu tư sửa chữa nâng cấp chợ An Đông và các khoản phí khác. Toàn bộ nguồn tiền trên được nộp vào ngân sách Nhà nước. Trong nhiều năm, chợ An Đông mới được sửa chữa một vài hạng mục nhỏ (kinh phí là 11,3 tỷ đồng).

Trước đây, UBND quận 5 (TPHCM) chủ trương giao cho công ty Việt Hoa đứng ra xây dựng chợ An Đông và chủ động trong việc sang nhượng quầy sạp trong chợ với tiểu thương, thời gian sử dụng là 20 năm (từ 1991-2011).


UBND Quận 5 gửi lời xin lỗi tiểu thương vì chậm trễ sửa chữa, nâng cấp chợ An Đông, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh

UBND Quận 5 gửi lời xin lỗi tiểu thương vì chậm trễ sửa chữa, nâng cấp chợ An Đông, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh

Theo một bản hợp đồng “cho sang nhượng quầy sạp chợ An Đông” giữa công ty Việt Hoa với tiểu thương lúc đó, giá thuê một sạp có diện tích 1,5x1,4(m) là 22 triệu đồng.

Hết hạn hợp đồng 20 năm, Ban Quản lý Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông (chợ An Đông) ký hợp đồng “cho thuê điểm kinh doanh có thời hạn” (từ tháng 1/2012 đến tháng 12/2021) với các tiểu thương. Tiền thuê được thanh toán theo 2 giai đoạn, giai đoạn đầu là từ 2011-2016.

Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, giá thuê giai đoạn 1 đối với 1 sạp (tầng 1) rộng 2,85m2 là hơn 233 triệu đồng. 5 năm sau thì giá thuê được tính theo tình hình thực tế trên cơ sở thỏa thuận giữa 2 bên. Giá thuê trên bao gồm chi phí duy tu, sửa chữa nâng cấp chợ và một số chi phí khác.

Trước tình trạng xuống cấp của ngôi chợ nổi tiếng bật nhất Sài Gòn, năm 2013 và 2015, UBND Quận 5 ban hành quyết định sửa chữa một số hạng mục chợ An Đông.

Tiền sửa chợ đã đóng nhưng chợ An Đông xuống cấp lại không được sửa chữa, cải tạo gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh, tiểu thương bức xúc và kiến nghị công khai vấn đề thu, chi từ hợp đồng cho thuê điểm kinh doanh. Tính đến nay, việc sửa chữa chợ chỉ mới hoàn thành hạng mục sửa hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh và điện động lực tại trung tâm chợ (11,3 tỷ đồng).

Ngày 19/9, tiểu thương chợ An Đông bãi thị và đến Văn phòng Tiếp công dân của UBND TPHCM gửi đơn xin hỗ trợ giải quyết bức xúc (ảnh Đình Thảo)
Ngày 19/9, tiểu thương chợ An Đông bãi thị và đến Văn phòng Tiếp công dân của UBND TPHCM gửi đơn xin hỗ trợ giải quyết bức xúc (ảnh Đình Thảo)

Tháng 2/2017, UBND TPHCM quyết định thành lập đoàn kiểm tra hoạt động của Trung tâm thương mại – dịch vụ An Đông.

Theo kết luận của đoàn kiểm tra vào tháng 4/2017, với việc cho thuê 2.300 sạp, Ban quản lý trung tâm thương mại này thu về 217 tỷ đồng.

Điều đáng nói, giá thuê sạp đã tính cả thuế giá trị gia tăng (thuế VAT). Đoàn kiểm tra kết luận “việc Trung tâm thương mại – dịch vụ An Đông có áp dụng giá trị gia tăng vào tiền thuê sạp là chưa chấp hành đúng quy định theo Luật thuế giá trị gia tăng”.

UBND Quận 5 được yêu cầu công khai việc thu, chi từ hợp đồng thuê điểm kinh doanh trong giai đoạn 2011-2016, đồng thời sử dụng toàn bộ số tiền 217 tỷ đồng tái đầu tư xây dựng và triển khai “phương án nâng cấp, sửa chữa toàn diện Trung tâm thương mại – dịch vụ An Đông đến năm 2021”, đảm bảo công khai minh bạch.

Theo UBND Quận 5, toàn bộ số tiền 217 tỷ đồng đã gửi trong Kho bạc Nhà nước quận 5 vì tiền cho thuê sạp được nộp cho ngân sách Nhà nước. Việc chi tiền để sửa chữa các hạng mục chợ An Đông đều theo quy định Nhà nước về đầu tư công.

Ngày 19/9, hàng trăm tiểu thương bãi thị và yêu cầu bãi bỏ hợp đồng thuê sạp, công nhận quyền sở hữu quầy sạp của tiểu thương. Ngoài ra, tiểu thương chợ An Đông cũng yêu cầu gửi 217 tỷ đồng tiền đóng góp sửa chợ vào ngân hàng.


Tạm thời, Quận 5 không thu tiền thuê điểm kinh doanh trong chợ An Đông đến tháng 12/2017, đồng thời xây dựng bảng giá cho thuê mới

Tạm thời, Quận 5 không thu tiền thuê điểm kinh doanh trong chợ An Đông đến tháng 12/2017, đồng thời xây dựng bảng giá cho thuê mới

Chủ tịch UBND Quận 5 Phạm Quốc Huy đã gửi lời xin lỗi tiểu thương vì chậm trễ sửa chữa, nâng cấp chợ An Đông tại buổi họp báo ngày 20/9. Ông Huy thông báo toàn bộ số tiền 217 tỷ đồng được dành để sửa chữa, nâng cấp toàn diện chợ An Đông cho đến năm 2021 theo chỉ đạo của UBND TPHCM.

Theo UBND Quận 5, việc chậm trễ xây dựng hạng mục nâng cấp 4 mặt tiền chợ là do thay đổi thiết kế nên phải làm lại hồ sơ, đến tháng 4/2018 mới tiến hành.

Còn hạng mục phòng cháy chữa cháy sẽ khởi công vào cuối tháng 9 này. Hạng mục xử lý nước thải và làm thang máy khởi công vào tháng 11. Hệ thống điều hòa không khí sẽ được khởi công trong tháng 10.

Còn hạng mục cải tạo giếng trời và nội ngoại thất chợ sẽ được thi công ban ngày lẫn đêm để kịp hoàn thành vào cuối năm nay. Theo kế hoạch, trong tháng 8 sẽ lắp đặt điện kế tại các quầy sạp nhưng cũng chậm tiến độ.

Chủ tịch UBND Quận 5 cho biết, tiểu thương yêu cầu được sở hữu quầy sạp nhưng khi quận kiểm tra hồ sơ lưu trữ thì không tìm thấy bất cứ tài liệu nào chứng tỏ quyền sở hữu sạp của tiểu thương. Trước mắt, Quận 5 tạm dừng thu tiền cho thuê địa điểm kinh doanh (giai đoạn 2) cho đến hết ngày 31/12.

Theo yêu cầu của UBND TPHCM, Quận 5 phải xây dựng bảng giá cho thuê quầy sạp cho giai đoạn 2 trên cơ sở phí quản lý và các khoản phí khác. Giá thuê không bao gồm chi phí đầu tư sửa chữa nâng cấp cơ sở hạ tầng, chi phí bảo trì duy tu, bảo dưỡng hàng năm và sửa chữa đột xuất trong giai đoạn tiếp theo.

Theo lãnh đạo UBND Quận 5, giá thuê điểm kinh doanh trong chợ An Đông ở giai đoạn 2 chắc chắn rẻ hơn so với trước đây.

Hiện, các hạng mục sửa chữa, nâng cấp chợ đang gấp rút triển khai. Đến cuối năm 2018, chợ An Đông sẽ khang trang, sạch đẹp.

Quốc Anh