20 năm trường mẹ thức cùng nỗi đau da cam

(Dân trí) - Con trai rồi con gái bị di chứng dioxin. Hơn 20 năm trường, khổ đau, đắng cay, chỉ bốn bức tường vôi cũ sờn lặng câm chứng kiến cùng bà. Người mẹ già 71 tuổi ấy giờ đã cạn khô nước mắt, nghĩ cảnh mai kia mình chết mà thắt ruột thương con…

Căn nhà nằm sát mặt đường mới mở nhưng cứ như tách biệt với thế giới bên ngoài. Xuống một bậc tam cấp sâu mới chạm tay được vào cánh cửa cũ sờn, nhà đặc quánh một màu tối om. Vào tận gian sau mới thấy chút ánh sáng hắt vào qua ô cửa sổ… Trong căn nhà ấy, hơn hai mươi năm trường, những bức tường lặng câm đã chứng kiến mọi đắng cay, đau khổ của một người mẹ tuổi đã ngoài 70 cùng hai người con mang trong mình chất độc màu da cam, người con trai đầu đã 36 tuổi và con gái 32 tuổi. Đó là hoàn cảnh của người mẹ Hoàng Thị Thê, 71 tuổi, nhà ở phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng.

 

“Tai ương biết đâu mà luờng”

 

Ngày ấy, ông tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, bà ở hậu phương cũng thổi gạo nuôi quân. Hoà bình, ông làm nhà nước, bà buôn bán kinh doanh, hai đứa con một trai một gái năm nào cũng lãnh phần thưởng học sinh giỏi về khoe với ba mẹ. Bà Thê tự nhận hồi ấy mình giàu có và hạnh phúc.
 
20 năm trường mẹ thức cùng nỗi đau da cam - 1

Người mẹ 71 tuổi với 2 người con đã ngoài 30 vẫn chẳng thể lo nổi việc vệ sinh cá nhân

 

“Như vậy thì còn hạnh phúc chi bằng, nhưng tai ương biết đâu mà lường. Con trai lớn (anh Trần Đức Nghĩa, năm nay đã 36 tuổi- PV) học đến lớp 7, chừng 13, 14 tuổi đã bắt đầu suy yếu cơ thể, rồi bại liệt tứ chi, chân tay co quắp lại, lưỡi thụt vào, không nói được nữa. Rồi ngờ nghệch, không tự mình chăm lo cho bản thân được bất cứ thứ gì.

 

Bao nhiêu của nả, tôi với ổng bàn nhau dồn hết lo chạy chữa cho con. Thuốc Tây, thuốc Đông, từ Bắc vào Nam, Huế, Hà Nội, Sài Gòn... chi tôi cũng đi hết mà không thấy lại được một ánh nhìn tỉnh táo của con. Còn đứa con gái...” - bà Thê ngừng giọng, áp tay lên một cuốn tập cũ. Những nét chữ con gái tròn trịa, mực đã phai màu theo thời gian - “Đây là những nét chữ cuối cùng nó còn viết được. Năm nó học đến lớp 10, 16 tuổi, cái tuổi lẽ ra được hưởng những gì đẹp nhất cuộc đời ban tặng cho đứa con gái mới lớn, thì bàn tay nó (chị Trần Thị Ty Nga, năm nay đã 32 tuổi- PV) đã yếu ớt đến độ không cầm bút được nữa. Sách vở, bằng khen xếp lại. Chân tay co quặp, đi đứng cứ loạng choạng phải cậy người khác đỡ mới trụ mình được.

 

Hai vợ chồng tôi ôm nhau khóc, chết lặng nhìn con mà khóc. Của nả trong nhà, cái nào bán được lo chạy chữa cho con cũng đội nón ra đi. Cách đây 5 năm, ông nhà tôi mất. Một mình tôi với hai con, hai nạn nhân của chất độc da cam mà mấy năm sau ngày các con ngã bệnh tôi mới hay...”.

 

Mấy chục năm trường có đêm nào tròn giấc

 

“Chuyện như cơm bữa, tôi đang loay hoay dưới bếp thì bỗng dưng thằng lớn ré thất thanh. Tôi lấy ly nước cho con uống. Nó vẫn ré. Tôi luồn tay vào áo gãi lưng cho con. Nó vẫn cứ ré. Tôi xoa đầu con. Lại ré. Tôi đỡ nó trở mình nằm nghiêng... Cứ như vậy, chừng nào nó nín, tôi mới biết con mình cần mẹ làm gì. Nó đâu có nói được, cũng chẳng thể dùng tay chân làm hiệu.

 

Làng quàng hết ngày ra chợ về nấu cơm rồi trông chừng, rửa ráy vệ sinh cho đứa con trai 36 tuổi, đứa con gái 32 tuổi rồi đến đêm. Mấy chục năm nay vợ chồng tôi rồi tôi, khi ổng bỏ đi rồi, có đêm nào tròn giấc. Con mỏi người, đau đớn trăn trở, mình cũng thắc thỏm cựa mình đỡ con nằm nghiêng, lật con nằm thẳng.

 

Con trai rồi con gái. Khóc nhiều lắm rồi chứ. Đắng cay chi bằng mỗi khi mình cảm thấy bất lực. Có hôm rửa ráy cho con xong rồi. Mặc chưa xong cho con cái quần thì nó bệt người ra. Không biết làm cách răng vừa đỡ con dậy vừa kéo cái lưng quần cho con. Tôi đành để đó, rồi cứ nhòm chừng ra ngoài cửa sổ, có ai ngang qua nhờ vào đỡ giúp một tay.
 
20 năm trường mẹ thức cùng nỗi đau da cam - 2
Mọi cố gắng không giúp mẹ thấy lại được dù chỉ một ánh nhìn tỉnh táo của con.

 

Ngày mưa ngày gió, ngồi một mình nhìn hai đứa con, buồn thiu. Đau muốn chết lặng. Cái đường mới mở cao hơn cái nhà mình hồi nào giờ nên hễ mưa là nước trút cả vào nhà, ngập lên sát cạnh cửa sổ...”, bà Thê kể tiếp câu chuyện buồn buốt ruột. Chúng tôi nhìn lên bức tường gian nhà trên, quả thực mực nước ngập thấm vào tường hằn dấu cao hơn một thước.

 

“... Hồi cuối năm ngoái, mùa mưa, láng giềng thương tình góp sức làm giùm cài nền gian nhà sau ni cao hơn cho ba mẹ con tránh ngập. Không nhờ láng giềng, ba mẹ con cũng chẳng biết chống chọi làm sao với mưa gió, ngập úng”.

 

Cách đây 1, 2 năm, chị Nga bỗng dưng trái tính, có khi đánh cả vào mẹ, không ý thức được. Đường cùng, bà đã nghĩ chuyện phải gửi con vào bệnh viện tâm thần Hoà Khánh cho các y bác sĩ chữa trị. Bà sợ con căng thẳng thần kinh làm càn. Gửi con vào bệnh viện, được vài ngày lại xin con về. “Chân tay nó yếu ớt như vậy. Đi còn không nổi. Cũng không tự tắm rửa cho mình. Rồi con gái, có tháng có ngày. Biết làm răng?!”, tấm lòng người mẹ trăn trở.

 

Đêm, bà thao thức lo. Sáng ngày, qua bệnh viện xin cho con về nhà tự chăm. Một mình người mẹ già 71 tuổi với hai người con, hai nạn nhân chất độc da cam, đau khổ, đắng cay, chỉ bốn bức tường vôi cũ sờn lặng câm chứng kiến cùng bà. Nuớc mắt cạn khô rồi.

 

Bà Thê thở dài: “Số phận con mình quá nghiệt ngã. Đời mình cũng gần như chôn chặt ở cái gian nhà sau này. Trời thương tôi, tuổi này còn khoẻ. Chỉ đôi tay bài bại vì suốt ngày đỡ con. Nhưng mai kia mốt nọ, chẳng sống đời được... Không biết xuôi về đâu. Nghĩ tới đó, tôi nhắm mắt, không dám nghĩ nữa”.

 

Câu chuyện của người mẹ già 71 tuổi với hai người con mang trong mình di chứng của chất độc da cam được một quãng lại bị ngắt bởi cái hụt người như muốn tuột ra khỏi chiếc xe lăn dụi người xuống đất của anh con trai, tiếng gọi mẹ i ỉ của chị Nga đang hóng gió ngoài hẻm sát tường nhà. Chứng kiến cảnh ấy, lòng chúng tôi nghẹn thắt, không thốt nổi một lời an ủi. Có ở hoàn cảnh này mới thấy, mọi lời nói động viên đều như quá vô duyên.

 

Sự đau đớn thể xác của hai con người đã ngoài 30 tuổi và nỗi cực nhọc, đắng cay, sự hy sinh thầm lặng của người mẹ trong gian nhà nhỏ bé ám ảnh chúng tôi suốt chặng đường về. Trên dải đất hình chữ S đã gồng mình trải qua bao cuộc chiến tranh, đang từng ngày thay da dổi thịt, phát triển trong hoà bình, sung túc; nhưng hàng triệu nỗi đau da cam, chứng cứ của tội ác chiến tranh trong quá khứ vẫn ngày đêm kêu gào đòi công lý.

 

Khánh Hiền