1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

2 giảm, 2 tăng đáng mừng của kinh tế Việt Nam

(Dân trí) - Ngày 4/8, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 7/2008. Thảo luận tại phiên họp cho thấy các dấu hiệu lạc quan đã hiện ra rõ nét nhưng vẫn còn nhiều thách thức cho “sức khỏe” của kinh tế Việt Nam trong tháng 8 và những tháng cuối năm.

2 giảm

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 7, nhập siêu chỉ còn 800 triệu USD, góp phần đưa nhập siêu của cả 7 tháng dừng ở mức 15,011 tỷ USD, bằng 40,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và đang trong xu hướng giảm dần. Những tháng cuối năm, cán cân thương mại sẽ tiếp tục được cải thiện.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong các tháng từ đầu năm đến nay. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy CPI tháng 7 chỉ tăng 1,13% so với mức 2,14% của tháng 6.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá trong tháng 7 giảm mạnh so với tháng 6 là do có sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ trong việc thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường nên giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đã dần ổn định.

2 tăng

Cũng theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt tốc độc tăng trưởng cao. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 ước đạt 56.400 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, 7 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 382.300 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, hiện nay sản xuất công nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn như: giá nguyên liệu nhập khẩu cao, giá xăng dầu tăng thêm 31%, lãi suất cho vay ngân hàng tăng trên 20%.

Về xuất khẩu, theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu cả nước trong tháng 7 đạt khoảng 6,25 tỷ USD, tăng 47,2%, đưa kim ngạch 7 tháng đạt gần 36,9 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng cao. Trong 7 tháng đầu năm tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới và tăng thêm đạt 45,2 tỷ USD, tăng 373% so với cùng kỳ năm 2007. Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện trong 7 tháng đạt 6 tỷ USD, tăng gần 43% so với cùng kỳ năm 2007.

Vẫn còn nhiều thách thức

Trong tháng 8 và những tháng cuối năm, Bộ KH-ĐT cũng đưa 5 dự báo về các thách thức mà nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt. Đó là:

- Tác động của việc tăng giá xăng dầu và áp lực tăng giá của một số nguyên vật liệu và hàng tiêu dùng thiết yếu khác.

- Tuy có xu hướng giảm nhưng nhập siêu vẫn ở mức cao;

- Thị trường tài chính, tiền tệ chưa ổn định;

- Đời sống của một bộ phận dân cư gặp nhiều khó khăn.

- Việt Nam bước vào mùa mưa bão, thiên tai có thể gây ra những tác động nặng nề trong khi dịch bệnh ở gia súc, gia cầm và cây trồng chưa được khống chế hoàn toàn.

Sau khi nghe các thành viên Chính phủ thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận, để khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm 2008, những tháng còn lại, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc 8 nhóm giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

Đặc biệt, phải tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa và quản lý thị trường, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Chính phủ cũng sẽ tiếp tục có các chính sách giảm bớt những khó khăn cho đời sống của nhân dân, nhất là những người nghèo bị ảnh hưởng của thiên tai và ảnh hưởng của việc tăng giá cả gây ra.

Lê Châu