12ha ở Linh Đàm xây 4 cao ốc - Người duyệt dự án chịu trách nhiệm!

(Dân trí) - Phân tích về những lộn xộn, bế tắc trong việc tổ chức không gian sống tại các đô thị lớn như Hà Nội hiện nay, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, lỗi nằm ở nhà quản lý. Quy hoạch xây dựng có cụ thể từng con đường, lô đất nhưng cao ốc vẫn mọc lên dù không luật nào cho phép…

Sai lầm của người duyệt dự án, cả xã hội trả giá

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhận xét, dự thảo luật Quy hoạch còn rất nhiều vấn đề bất ổn, nếu không chỉnh sửa sẽ gây vướng với rất nhiều luật khác, dẫn tới công tác thực thi sẽ dẫm chân tại chỗ.

Ông Chính dẫn báo cáo của Bộ KH-ĐT (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật) thì luật này ảnh hưởng đến 32 luật và mấy chục nghị định. Ông Chính cảnh báo, thực tế, số lượng luật bị ảnh hưởng, tác động còn nhiều hơn, như cơ quan soạn thảo đề cập là chỉ “trừ luật Quy hoạch đô thị và luật Quy hoạch nông thôn”.

Nói về những nội dung được cho là dẫm chân giữa dự thảo luật này với các luật chuyên ngành hiện hành, ông Chính băn khoăn: “Trong dự luật có quy định về quy hoạch không gian biển nhưng thực tế việc tổ chức không gian biển đã được làm từ những năm 1955 - 1960, khi có Bộ Kiến trúc. Hiện tại Việt Nam cũng đang có luật Biển, sao không quy định việc quy hoạch sử dụng, tổ chức không gian biển trong luật này? Khi làm quy hoạch TP Hải Phòng, Hạ Long… hay các thành phố biển dọc đất nước đã có đầy đủ. Liên quan đến biển, đảo, từ lâu cũng đã có quy hoạch khai thác dầu khí, như ở đảo Cồn Cỏ, giờ bỏ đi làm lại?”.

Đi sâu vào lĩnh vực định hướng phát triển đô thị, ông Chính phân tích, làm luật Xây dựng quy định về vấn đề quy hoạch xây dựng, từ quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu là tiền lệ các nước trên thế giới đều làm lâu nay. Người Pháp làm quy hoạch vùng Paris, người Anh làm quy hoạch Đại đô thị London, Nhật có quy hoạch vùng thủ đô Tokyo…

Trước nay, Việt Nam cũng làm theo cách đó và có như vậy hôm nay đất nước mới có tất cả những hạ tầng từ con đường tới nhà máy, trường học… Riêng đồ án quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội cũng phải mất 2-3 năm, mời cả chuyên gia quốc tế hỗ trợ mới làm xong được.

“Tất nhiên còn những hạn chế, bất cập nhưng đó là do việc quản lý triển khai, thực hiện quy hoạch chứ không phải do luật” – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khuyến cáo, cần nhìn nhận khách quan về vấn đề này.


Linh Đàm từ một khu đô thị được quy hoạch chuẩn, đẹp như ở các nước phát triển giờ đã chen kín các cao ốc.

Linh Đàm từ một khu đô thị được quy hoạch chuẩn, đẹp như ở các nước phát triển giờ đã chen kín các cao ốc.

Ông Chính phân tích, có sai lầm trong công tác quản lý phát triển đô thị thì người ra quyết định phải chịu trách nhiệm. Nếu làm được đúng quy hoạch thì xã hội sẽ phát triển, còn duyệt sai thì phải trả giá. Như khu Linh Đàm, một khu đất diện tích 12ha mà cho xây 4 khối nhà cao 40 tầng, không luật nào cho làm thế cả, vấn đề là người duyệt dự án sai phạm.

Dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân định hướng xây dựng một “luật khung về quy hoạch”, ông Trần Ngọc Chính cho rằng, luật khung thì chỉ nên định ra một hành lang pháp lý để các luật khác đi theo, không chồng lấn lên nhau chứ không phải “ôm” tất cả các luật khác vào thành một đạo luật lớn.

Sửa 32 luật, chỉ cần cắt bỏ… 2 chữ “quy hoạch” là xong?

TS.Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội thống nhất quan điểm, cần có luật Quy hoạch và luật này phải được ban hành sớm. Thực tế hiện nay đúng là có những mâu thuẫn, chồng chéo trong hoạt động quy hoạch, mỗi loại quy hoạch do một Bộ quản lý. Có loại quy hoạch do cấp Bộ duyệt nhưng cũng có những quy hoạch do các địa phương, đô thị trình lên, Bộ quản lý có thoả thuận, đồng ý rồi chính quyền địa phương phê duyệt. Vậy nên có hiện tượng quy hoạch này không phù hợp quy hoạch kia, do người làm khác nhau, người thẩm định khác nhau và thiếu một đầu mối thẩm định.

Tuy nhiên, ông Nghiêm cũng cho rằng, mục tiêu ban hành luật cần có tính thực tiễn cao. “Dự thảo luật Quy hoạch nêu rõ luật này điều chỉnh 32 luật liên quan nhưng nói về việc sửa 32 luật này, người có trách nhiệm lại bảo chỉ cần bỏ đi 2 chữ “quy hoạch” là coi như sửa xong thì có đúng không? Chúng tôi tính toán, luật này không chỉ liên quan đến 32 luật được liệt kê ra mà tới 51 luật, 59 Nghị định hiện hành sẽ bị tác động”.

Việc thẩm tra luật này, theo ông Đào Ngọc Nghiêm, cần lưu ý đánh giá tác động. Như hướng thể hiện hiện nay thì luật này ra đời sẽ kéo theo một loạt biến đổi của cơ quan làm quy hoạch, sẽ cần thêm bộ máy, sẽ “phình” thêm các Sở, các Phòng, có khả thi không?

“Cần phải khẳng định quy hoạch xây dựng là một quy hoạch mang chức năng đa ngành, một ngành khoa học tổng hợp, dù sản phẩm cuối cùng của nó chỉ là quy hoạch không gian vật thể. Để có không gian vật thể thì phải phân định được chỗ nào để làm nhà ở, chỗ nào để sản xuất công nghiệp, nới đâu là không gian công cộng… phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn với khai thác có hiệu quả tài nguyên.

Với riêng Việt Nam, quy hoạch xây dựng là lĩnh vực rất được chú trọng, quy hoạch xây dựng luôn phải đi trước các quy hoạch chuyên ngành khác một bước, nhìn trên quy hoạch xây dựng để xây dựng quy hoạch thổng thể phát triển kinh tế xã hội, xây dựng quy hoạch ngành. Không có quy hoạch xây dựng thì làm sao có được quy hoạch trường học, quy hoạch giao thông, quy hoạch sân thể thao, quy hoạch vui chơi giải trí, quy hoạch cây xanh…” – Ông Nghiêm khuyến cáo, không thể bỏ đi khái niệm, quy định cơ bản về vấn đề này.

Ông Nghiêm nhấn mạnh, đúng là Việt Nam đang cần một cái “khung” để điều tiết vấn đề quy hoạch nhưng dự thảo luật lại định khung chưa hợp lý. “Phải xác định rõ, quy hoạch xây dựng có vai trò đi trước một bước. Vậy luật Quy hoạch phải trả lời cho rõ tới đây việc quy hoạch tích hợp sẽ thế nào, đi song song với quy hoạch xây dựng hay đi sau, bước đi bằng giày, bằng guốc hay bằng chân đất… Những thông tin này trong dự thảo luật đều chưa thấy” - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội nói.

P.Thảo