100 ngàn người thương vong do bom mìn còn sót sau chiến tranh

(Dân trí) - Đó là số liệu về tình hình ô nhiễm bom mìn và công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam, được báo cáo tại lễ phát động hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bom mìn tổ chức tại Quảng Nam ngày 4/4.

Buổi phát động do Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 504 (Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức.


Mít-tinh hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bom mìn tại Quảng Nam

Mít-tinh hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bom mìn tại Quảng Nam

Theo báo cáo, Việt Nam là một trong những quốc gia gánh chịu hậu quả nặng nề của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Ước số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích bị ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm hơn 6,1 triệu héc ta, chiếm hơn 18% tổng diện tích của cả nước.

Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung. Từ sau ngày giải phóng đến nay, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh phát nổ làm hơn 40 nghìn người chết, 60 nghìn người bị thương.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tặng quà đến các nhận nhân bom mìn ở Quảng Nam
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tặng quà đến các nhận nhân bom mìn ở Quảng Nam

Đảng và Nhà nước chỉ đạo rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, tuyên truyền, giáo dục phòng tránh bom mìn trong nhân dân, nhất là thế hệ đoàn viên thanh niên.

Chị Đặng Thị Bảo Trinh, Bí thư Thị đoàn thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) chia sẻ: “Thế hệ thanh niên ngày nay được biết chiến tranh qua sách vở và qua lời kể của cha ông, hôm nay tham dự Lễ phát động và diễu hành hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bom mìn, chúng tôi càng thấy tự hào hơn về truyền thống vẻ vang của dân tộc và càng cảm thấy thấm thía hơn sự hy sinh, mất mát của các thế hệ cha ông đi trước và những con người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bom mìn trong chiến tranh.

Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết, cả nước có hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ, công binh hy sinh và bị thương khi làm nhiệm vụ rà phá bom mìn để mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Sự nỗ lực và hy sinh thầm lặng của lực lượng công binh là vô cùng to lớn. Tuy vậy, vẫn chưa thể giúp chấm dứt hoàn toàn các vụ tai nạn do bom mìn gây ra.


Các em học sinh, sinh viên diễu hành đạp xe hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bom mìn, 4/4

Các em học sinh, sinh viên diễu hành đạp xe hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bom mìn, 4/4

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, công tác tuyên truyền thời qua đã đạt được những kết quả quan trọng, làm cho bạn bè quốc tế, các cấp, các ngành cũng như nhân dân cả nước hiểu rõ được hậu quả bom mìn và tính cấp thiết của việc thực hiện chương trình, tạo được sự ủng hộ rộng rãi.

“Nếu như hiện nay, mỗi năm chúng ta làm sạch khoảng 30.000 ha khỏi ô nhiễm bom, mìn thì còn khoảng hơn 100 năm nữa mới làm sạch bom mìn trên toàn quốc. Nếu tốc độ này nhanh hơn thì chúng ta có thể kéo xuống còn 80 năm và hơn nữa là 50 năm. Quyết tâm của Chính phủ, đặc biệt là trong cuộc họp mới đây do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì thì quyết tâm trong 20 năm tới cơ bản làm sạch bom mìn ở trên lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là khu vực có dân cư có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người dân”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu.

Tại lễ phát động, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trao tặng 30 suất quà đến các nạn nhân bom mìn còn sót lại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Sau lễ phát động, hơn 2.000 chiến sĩ, học sinh, sinh viên tỉnh Quảng Nam đạp xe diễu hành qua các đường phố để hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bom mìn 4/4.

Công Bính