1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

100 năm nữa, hồ Ba Bể sẽ thành... sân bóng?

(Dân trí) - Với lượng phù sa bồi lấp vào lòng hồ Ba Bể mỗi năm lên đến 70 vạn tấn, theo đánh giá của các chuyên gia, sau 100 năm nữa, hồ Ba Bể (Bắc Kạn) sẽ bị… san phẳng.

Hồ Ba Bể sẽ biến mất?

 

Hồ Ba Bể nằm giáp giới giữa hai huyện Ba Bể và huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, cách thị trấn Chợ Rã 18km. Ba Bể là một trong 10 hồ nước ngọt có trữ lượng lớn nhất thế giới. Đây cũng là di sản thiên nhiên, nơi bảo tồn sự đa dạng sinh học và là vùng quy hoạch du lịch sinh thái, là nguồn cấp nước, tiêu thoát nước cho 15 xã thuộc hai huyện nói trên.

 

Hồ Ba Bể có bề mặt thoáng rộng hơn 500ha, chiều dài nhất hơn 8km, độ sâu trung bình từ 20 - 35m, dung tích 90 triệu m3 nước. Trong hồ có 87 loài cá nước ngọt đặc trưng của vùng Đông Bắc nước ta với nhiều loại quý hiếm…

 

Hồ Ba Bể với 3 hồ nối liền nhau là trung tâm của Vườn quốc gia Ba Bể, quần thể hồ và các dòng sông, con suối, núi rừng, hang, động gắn liền với hệ động thực vật phong phú cùng với các truyền thuyết, phong tục, văn hoá, lễ hội trong vùng đã tạo nên một vùng di sản thiên nhiên vật thể và phi vật thể đẹp vào bậc nhất nước ta.

 

Song, hồ Ba Bể - một địa danh đang được UNESCO xem xét công nhận là di sản thiên nhiên thế giới - đang đứng trước nguy cơ biến mất, lòng hồ đang dần bị thu hẹp do dòng chảy các con sông đổ vào mỗi năm.

 

Mới đây, qua đo đạc các bãi hồ, nhóm chuyên gia của Viện Khoa học Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) xác định lượng bồi lấp tại các cửa sông chợ Lèng là hơn 18 vạn m3, cửa sông Bó Lù hơn 11 vạn m3, cửa sông Tà Han gần 10 vạn m3. Tổng lượng bồi lắp năm 2002 là hơn 42 vạn m3.

 

Căn cứ chuỗi số liệu từ năm 1975 đến 2002, các chuyên gia Viện Khoa học Thủy lợi cho biết mỗi năm có 70 vạn tấn phù sa bồi lấp vào lòng hồ. Với tốc độ bồi lắng nhanh từ các cửa sông đã làm cho bãi bồi lấp hồ mỗi năm lấn ra từ 10 - 60m, nâng đáy hồ lên trung bình 30cm. Con số này có nguy cơ tăng dần. Nếu không có biện pháp khắc phục, dự báo chưa đến 100 năm nữa hồ Ba Bể chỉ còn là một “sân bóng” bằng phẳng.

 

Bồi lắng là có thật

 

Để cứu hồ Ba Bể, trong năm 2003, Viện Khoa học Thủy lợi đã lập dự án tiền khả thi hệ thống công trình thủy lợi chống bồi lấp hồ Ba Bể với hai nội dung chính: xây dựng cụm công trình thủy lợi trên sông Bó Lù và Tà Han để chặn giữ bùn cát ra sông Gâm, giảm 2/3 lượng cát lấp hồ; xây dựng cụm công trình thủy lợi trên sông chợ Lèng để ổn định luồng lạch cửa sông, hút phù sa ở cửa sông, trả lại diện tích mặt nước cho hồ.

 

Hiện nay các dự án đang được các cơ quan hữu trách xem xét. Nhưng theo nhận định của các chuyên gia ngoài Viện, để cứu hồ Ba Bể, ngoài các biện pháp công trình, cần thực hiện các biện pháp đồng bộ khác như di dân tái định cư, chấm dứt nạn phá rừng ven hồ để giảm xói lở đất xuống lòng hồ, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ di sản thiên nhiên cho người dân…

 

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Cạn Thân Đức Hùng thừa nhận, tình trạng bồi lắng là chuyện có thật, cát chảy thẳng xuống lòng hồ.

 

Theo ông Hùng, giải pháp trước mắt để đảm bảo hiện trạng tự nhiên của hồ Ba Bể là giảm tình trạng nguồn nước chảy không kéo theo phù sa xuống lòng hồ, giải pháp mà tỉnh này sẽ triển khai trong những năm gần đây là tập trung trồng rừng đầu nguồn, bên cạnh đó trong thời gian tới sẽ cố gắng thực hiện dự án nạo vét lòng hồ.

 

“Về lâu dài thì không có cách nào tốt hơn là trồng và giữ được diện tích rừng đầu nguồn, tất nhiên kinh phí đầu tư cũng không phải nhỏ vì ở đó có nhiều dân cư đang sinh sống”, ông Hùng cho biết thêm.

 

Trần Minh Tuấn