1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

10 triệu MBH kém chất lượng, ai chịu trách nhiệm?

(Dân trí) - Kết quả khảo sát mới nhất của Thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM thì có đến 52,5% mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng. Hàng giả tràn lan, nhưng rất tiếc vẫn chưa có ai “đứng mũi chịu sào”?

Kết quả “vênh” nhau

Theo thống kê của thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ, cho đến đến thời điểm ngày 2/4/2008 cho thấy, 64/64 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã tham gia đợt thanh tra chất lượng MBH. Theo đó, bộ này đã tiến hành thanh tra tổng số 1.809 cơ sở, trong đó phát hiện và xử lý 950 cơ sở (chiếm 52,5%).

Như vậy, với khoảng 20 triệu chiếc xe máy tại Việt Nam hiện nay, thì hơn 10 triệu người tiêu dùng đang sử dụng MBH kém chất lượng.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Khoa học và công nghệ Trần Quốc Thắng, sở dĩ số MBH kém chất lượng nhiều như vậy vì công nghệ của các nhà sản xuất về mặt hàng này còn hạn chế.

Tiếp đó, chưa đề cập về vấn đề quản lý, thứ trưởng Thắng còn cho rằng “điều mà chúng ta phải xét đến là việc tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn của các nhà sản xuất. Có thể vì lợi nhuận mà một số nhà sản xuất chạy đua theo sản lượng mà bỏ ngõ, không quan tâm đến chất lượng chiếc mũ như thế nào”, ông Thắng nêu nguyên nhân.

Trong khi đó, một công bố khác của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng về chất lượng MBH lại “vênh” hơn nhiều so với công bố của Bộ Khoa học và công nghệ.

Theo kết quả của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, từ 50 mẫu của 40 nhà sản xuất trong nước và nhập khẩu, trong đó có trên 70% mũ có kiểu dáng mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Số MBH kém chất lượng chiếm 80%, giảm 10% so với đợt đầu tiên. Điều đáng quan tâm là số MBH có dán tem công bố phù hợp tiêu chuẩn nhưng có đến… 83% không đạt yêu cầu.

Bình luận về những con số này, ông Đỗ Viết Tịnh, Chánh văn phòng Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng cần nghiêm túc so sánh kết quả của hai công bố này.

Bộ Khoa học và công nghệ phải chịu trách nhiệm

Trả lời báo chí trong buổi tổng kết chất lượng MBH mới đây, Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, ông Ngô Quý Việt, vẫn lạc quan cho biết: “thời gian qua chúng tôi theo dõi các cơ sở sản xuất thì những cơ sở sản xuất này vẫn đảm bảo chất lượng vì người mua không nhiều”.

Theo ông Việt, điều lo lắng nhất là loại MBH nhập lậu. “Ở khu vực biên giới, bà con cứ đeo 3-5 cái, cơ quan quản lý có bắt cũng không xuể. Vì vậy phải tăng cường lực lượng kiểm tra trên thị trường. Anh nào bán mũ kém chất lượng sẽ bị phạt”, ông Việt thông tin thêm.

Bình luận về MBH kém chất lượng quá nhiều, ông Đỗ Viết Tịnh nói rằng quản lý của chúng ta về lĩnh vực này còn quá sơ hở. Cũng lời ông Tịnh, điều cơ bản về trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng là của toàn dân, nhất là các nhà sản xuất kinh doanh.

Ông Tịnh cũng cho rằng, cái khó của bên bảo vệ người tiêu dùng hiện nay là Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng không có quyền gì để đi kiểm tra, nếu người tiêu dùng mua sản phẩm và đưa đến khiếu nại thì hội mới có chức năng giải quyết, bảo vệ.

Quy về trách nhiệm, ông Đỗ Viết Tịnh, khẳng định để xảy ra tình trạng “lan tràn” MBH kém chất lượng thì trách nhiệm trước hết phải thuộc về Bộ Khoa học và công nghệ.

“Đứng về mặt quản lý Nhà nước thì Bộ Khoa học và công nghệ là đơn vị có trách nhiệm cao nhất, nhưng cơ quan này chưa “canh gác” đầy đủ nên mới có tình trạng như vậy”, ông Tịnh nói.

Trần Hưng