10 sự kiện Khoa học - Công nghệ nổi bật năm 2012

(Dân trí) - 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật nhất năm 2012 trong 5 lĩnh vực vừa được các báo chí bình chọn có ý nghĩa tich cực trong xã hội.

Sự kiện này được gần 50 nhà báo chuyên viết về lĩnh vực khoa học và công nghệ thuộc Câu lạc bộ Nhà báo khoa học và công nghệ tổ công bố. 10 bình chọn theo 5 lĩnh vực gồm: Cơ chế chính sách; khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên; khoa học kỹ thuật và công nghệ, tôn vinh nhà khoa học; hợp tác quốc tế.

Lĩnh vực cơ chế chính sách

1. Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ

Ngày 1/11, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết đã đưa ra những mục tiêu chính: Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN. Đến năm 2020, thông qua yếu tố năng suất tổng hợp hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp khoảng 30% tăng trưởng kinh tế. Xây dựng được một số sản phẩm quốc gia mang thương hiệu Việt Nam…

2. Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020

Ngày 11/4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020. Trong giai đoạn này, ngành khoa học và công nghệ cần tập trung thực hiện đồng bộ ba nhiệm vụ chủ yếu: Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ; tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, gắn nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành. Với mục tiêu đạt tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 20% trong giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2020, hình thành 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới.

Lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên

3. Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Đúng 18 giờ 9 phút ngày 6/12, tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện được lựa chọn là một trong 10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật nhất năm 2012 nhằm đánh giá cao tập thể gồm hơn 20 nhà khoa học của Viện Văn hóa nghệ thuật, Viện Hán nôm đã làm việc miệt mài trong 2 năm để hoàn thành bộ hồ sơ gửi UNESCO. Chất lượng của bộ hồ sơ là căn cứ quan trọng để UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

4. 15 năm Internet có mặt tại Việt Nam

Sau 15 năm hiện diện và đưa vào khai thác, Internet ở Việt Nam đã phát triển với những thành tựu to lớn. Việt Nam có tốc độ phát triển Internet rất nhanh với nhiều loại hình dịch vụ truy cập Internet đa dạng, được xếp hạng 18/20 quốc gia có số người dùng Internet lớn nhất trên thế giới.

5. Khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng để Công trình thủy điện Sơn La về đích trước ba năm

Ngày 23/12, tại tỉnh Sơn La đã diễn ra lễ khánh thành Công trình thủy điện Sơn La, về đích trước ba năm so với kế hoạch, làm lợi cho Nhà nước 30 nghìn tỷ đồng. Đây là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á, là công trình mẫu về chất lượng và tiến độ xây dựng. 

Thủy điện Sơn La về đích sớm 3 năm so với dự kiến

Thủy điện Sơn La về đích sớm 3 năm so với dự kiến

6. Tiếp tục ghép thành công tế bào gốc cho người bệnh ung thư máu

Ngày 9/11, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc đồng loại cho người bệnh Hoàng Thị Diệu Thuần bị ung thư máu. Tuy đây không phải là ca ghép tế bào gốc đầu tiên tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương nhưng là ca bệnh đặc biệt phức tạp do người bệnh đã điều trị thời gian dài.
Diệu Thuần đã chiến thắng bệnh tật sau 7 năm dài chiến đấu, chống chọi với nó
Diệu Thuần đã được ghép tế bào gốc thành công sau 7 năm dài chống chọi với bệnh ung thư máu (Ảnh: Hồng Hải)


7. Công ty Busadco đoạt Giải thưởng chất lượng quốc tế châu Á- Thái Bình Dương

Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco) đã đoạt giải Nhì (Best in Class Award) thuộc Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (IAPQA) - giải thưởng xuất sắc toàn cầu năm 2012. Busadco là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam đoạt giải trong lĩnh vực Dịch vụ lớn - loại hình Doanh nghiệp dịch vụ và là mức giải thưởng cao nhất của Việt Nam năm 2012 trong khuôn khổ giải thưởng này.

8. Thuốc Cedemex phát huy hiệu quả trong hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện ma túy

Hội nghị lần thứ tư của Ủy ban Đối ngoại ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam về khu vực Tam giác phát triển, ngày 3/8 tại tỉnh Nghệ An đã ra tuyên bố chung, trong đó nhất trí xây dựng môi trường trong sạch, không ma túy tại khu vực tam giác phát triển và ủng hộ việc chữa trị cho người bệnh nghiện ma túy bằng thuốc truyền thống của Việt Nam, trong đó có thuốc Cedemex.

Lĩnh vực tôn vinh nhà khoa học

9. Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ

Ngày 18/1, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội đồng Giải thưởng cấp Nhà nước đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. Đây là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các công trình, cụm công trình khoa học là sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng, Nhà nước đối với sự cống hiến của các nhà khoa học cho đất nước.

Lĩnh vực hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ

10. Khởi công Trung tâm vũ trụ Việt Nam

Mô hình Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc
Mô hình Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc
 
Ngày 19/9, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chính thức được khởi công xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Với tổng nguồn vốn 54,4 tỷ yên (tương đương gần 700 triệu USD), trong đó nguồn vốn ưu đãi ODA của Chính phủ Nhật Bản chiếm 46,5 tỷ yên. Đây là một trong những dự án lớn về khoa học công nghệ của Việt Nam trong 30 năm qua, không chỉ khởi đầu cho bước tiến mới trong lịch sử ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam mà còn khởi đầu cho hợp tác chiến lược Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ. 

Phạm Thanh