10 năm chỉ phát hiện 17 cán bộ kê khai tài sản không trung thực

(Dân trí) - 10 năm qua, các cơ quan chức năng đã xác minh 4.900 trường hợp kê khai tài sản, chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật 17 cán bộ kê khai tài sản không trung thực và chỉ phát hiện 10 trường hợp vi phạm trong tặng quà, nhận quà trái quy định.

(Ảnh minh họa: Ngọc Diệp)
(Ảnh minh họa: Ngọc Diệp)

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng hôm qua (12/7), quy định về minh bạch tài sản, thu nhập là thiết chế quan trọng để phòng ngừa tham nhũng. Từ năm 2007 đến nay, các bộ, ngành địa phương đã tích cực triển khai thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập. Đến nay tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập đúng thời hạn đã đạt 99,5%, công khai đạt tỷ lệ trên 98%.

Qua 10 năm đã xác minh gần 4.900 trường hợp nhưng chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực. Ngoài ra còn có 70 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về tổ chức thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ đánh giá, quy định về việc nộp lại quà tặng còn hình thức, không quy định về chế tài và thiếu khả thi. Việc thực hiện quy định này chưa nghiêm, hiệu quả thấp và trên thực tế cũng rất khó kiểm soát do phụ thuộc nhiều vào tính tự giác, đạo đức của cán bộ, công chức.

“Từ năm 2006 đến 2015 có 879 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị 3,3 tỷ đồng; có 10 trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý”- báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Trong quãng thời gian trên, cả nước có 918 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 118 trường hợp và xử lý kỷ luật 800 trường hợp.

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng theo quy định đã có tác dụng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời có tác dụng răn đe nhất định, nhưng thực tế số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý. Một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.

Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không hoàn thành trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước Nhân dân. Bên cạnh đó là bệnh thành tích, né tránh trách nhiệm, bao che sai phạm trong nội bộ còn xảy ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Báo cáo tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu khẳng định, việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức; hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng; chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Nhiều cơ quan, đơn vị chưa nắm đầy đủ trình tự, thủ tục kê khai và công khai; còn lúng túng trong việc hướng dẫn nguyên tắc, phạm vi biến động tài sản, loại tài sản, thu nhập phải kê khai, giải trình.

Theo ông Sáu, số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện. Nguyên nhân là còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý. Mặt khác, biện pháp phòng ngừa này trong nhiều trường hợp lại đặt người đứng đầu vào tình huống xung đột lợi ích. Nếu tích cực kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ, thì có thể phải đối mặt với việc bị xử lý trách nhiệm hoặc ảnh hưởng đến uy tín, thành tích của bản thân và đơn vị.

Sự phối hợp giữa các cơ quan còn nhiều vướng mắc

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng tại Thanh tra Chính phủ, VKSND Tối cao, Bộ Công an được thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2007, đã khẩn trương kiện toàn tổ chức và đẩy mạnh hoạt động nghiệp vụ, góp phần tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng. Một số ngành được giao chức năng phòng chống tham nhũng như thanh tra, công an, kiểm sát, tòa án đã có chỉ đạo và hình thành các tổ chức, đơn vị chuyên trách phòng chống tham nhũng trong hệ thống. Tuy nhiên, một số đơn vị chuyên trách về phòng chống tham nhũng hoạt động không ổn định, chưa rõ đặc thù về chức năng, nhiệm vụ; hành lang pháp lý cho hoạt động của các đơn vị chuyên trách chưa rõ ràng, chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm nên hiệu quả còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các đơn vị còn có nhiều vướng mắc cả về quy định của pháp luật và sự vận hành trên thực tế.

Thế Kha