Xuất khẩu lao động: chưa hết lao đao

Tám tháng qua, số lao động nước ta được đưa ra nước ngoài làm việc, theo cục Quản lý lao động ngoài nước, là 51.318 người, đạt 57% kế hoạch năm. Nhiều tác động khách quan đang khiến cho mục tiêu đẩy mạnh việc xuất khẩu lao động gặp khó khăn.

 

Những người lao động được đưa sang Bồ Đào Nha làm việc theo diện xuất khẩu lao động.
Những người lao động được đưa sang Bồ Đào Nha làm việc theo diện xuất khẩu lao động.

 

Ảnh hưởng rộng khắp

 

Chỉ một thời gian ngắn, sau khi cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Thăng Long được thí điểm đưa lao động sang Bồ Đào Nha làm nông nghiệp, chính cục này cũng yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng triển khai hợp đồng khi có một số thông tin cho thấy doanh nghiệp thu phí quá quy định. Tuy nhiên, cho dù nếu hợp đồng này không bị tạm dừng thì việc đưa lao động sang Bồ Đào Nha cũng không dễ dàng.

 

Là doanh nghiệp cũng có đối tác hợp tác để đưa lao động sang Bồ Đào Nha, ông Lê Xuân Luyện, tổng giám đốc công ty Oleco cho biết, cuộc khủng hoảng tại châu Âu đang khiến tình trạng thất nghiệp ở các nước này gia tăng. Xu hướng chung của các nước này là không tiếp nhận lao động nước ngoài để bảo vệ việc làm trong nước.

 

“Tôi thấy thực tế một số lao động nước ta đã được đưa sang Bồ Đào Nha làm việc, công việc không được liên tục, có tình trạng lương chậm, không đảm bảo”, ông Luyện nói. Đây cũng là lý do khiến công ty này chưa “mạnh dạn” xúc tiến để đưa lao động sang Bồ Đào Nha.

 

Nhận định chung về một số thị trường, ông Lê Nhật Tân, phó tổng giám đốc công ty Lod cho biết, không chỉ các thị trường lao động mới như Bồ Đào Nha mà năm nay nhiều thị trường khác cũng suy giảm do những tác động khách quan.

 

“Thị trường Nhật sau trận động đất, sóng thần có mở thêm ngành nghề xây dựng và nông nghiệp cho lao động nước ngoài nhưng nhu cầu tiếp nhận lao động nhà máy lại suy giảm. Thị trường Đài Loan cũng bị giảm do việc chúng ta kiểm soát chặt hơn chi phí đưa lao động đi nên hầu hết các doanh nghiệp lớn đều không dám vi phạm, vượt rào. Thị trường Trung Đông cũng chỉ còn một vài nước có thể đưa lao động sang (do bất ổn về chính trị) thì lao động nước ta phải cạnh tranh mạnh với một số nước mạnh về xuất khẩu lao động như: Philippines, Ấn Độ, Nepan…”, ông Tân nhận định.

 

Điểm sáng cuối năm?

 

Theo cục Quản lý lao động ngoài nước, trong tháng 8 đã có hơn 5.128 lao động được đưa ra nước ngoài làm việc, trong đó đưa sang Đài Loan 2.551 người, Nhật Bản 713 người; Lào 349 người; Malaysia 486 người; Hàn Quốc 285 người; Campuchia 292 người; Macau 119 người; Cộng hoà Síp 65 người; UAE 56 người, Oman 33 người; Nga 13 người…

 

Số liệu xuất khẩu lao động tám tháng đầu năm của cục Quản lý lao động ngoài nước cho thấy, một số thị trường truyền thống đã hạn chế nhập khẩu lao động Việt Nam như: Trung Đông, Malaysia, Nhật Bản… Thị trường Malaysia vẫn được đánh giá là tiềm năng và dễ tính trong khi mức thu nhập gần tương đương với thị trường Trung Đông. Tuy nhiên, Malaysia không còn được lao động ưa chuộng nên rất khó tuyển dụng.

 

Một thị trường lớn khác của lao động Việt Nam là Hàn Quốc năm nay cũng bị suy giảm mạnh do tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn cao. Ông Lương Đức Long, phó giám đốc trung tâm Lao động ngoài nước (bộ Lao động – thương binh và xã hội) cho biết, hiện nay số lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc đã lên tới hơn 50%, trong khi đó phía Hàn Quốc yêu cầu Việt Nam phải giảm số lao động bỏ trốn xuống còn 27%. Hiện tại, thay vì vị trí thứ nhất về số lượng lao động được tiếp nhận tại Hàn Quốc, Việt Nam đã xuống vị trí thứ ba trong số hơn mười nước có lao động sang Hàn Quốc làm việc.

 

Theo nhận định chung từ phía các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và cơ quan quản lý, còn bốn tháng nữa để hoàn thành mục tiêu đưa 90.000 lao động ra nước ngoài làm việc trong năm nay, nhưng cơ hội hoàn thành rất mong manh. Hiện tại cơ hội lớn nhất vẫn được đặt vào thị trường Đài Loan nhưng để đạt được cả hai mục tiêu kiểm soát tốt chi phí đưa lao động đi và phát triển thị trường là điều không dễ ở đây.

 

Theo Tây Giang

SGTT