1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Xin việc khu vực công: Rào cản vì “thân quen và lót tay”

(Dân trí) - “Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công có ý nghĩa quan trọng. Nhưng mục tiêu này khó đạt được. Nhất là khi thân quen và lót tay là những yếu tố quyết định sự thành bại của một cá nhân khi xin việc vào khu vực công…”


Yếu tố thân quen và lót tay là rào cản trong tuyển dụng nhân sự khu vực công. (Nguồn PAPI 2015)

Yếu tố thân quen và lót tay là rào cản trong tuyển dụng nhân sự khu vực công. (Nguồn PAPI 2015)

Đây là kết quả khảo sát của Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) về công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công. Chương trình do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật VN, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại VN thực hiện và công bố sáng 12/4 tại Hà Nội.

Bên cạnh nhiều chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của các địa phương, chỉ số PAPI đã dành 1 nội dung phân tích các dữ liệu về tình hình tuyển dụng nhân sự vào khu vực công tại VN.

Theo đó, công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công là 1 trong 4 nội dung của Chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”. Chỉ số này cho thấy mức độ chịu đựng tham nhũng của chính quyền và người dân. Đồng thời, chỉ số cũng gợi mở những giải pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng đang ngày càng trở nên phổ biến.

Kết quả khảo sát PAPI giai đoạn 2011-2015 cho thấy, “chủ nghĩa vị thân” và quan hệ cá nhân trong tuyển dụng nhân lực đã trở thành vấn nạn trong khu vực công

Năm 2015, báo cáo khảo sát PAPI được thực hiện trên cơ sở phỏng vấn ngẫu nhiên gần 14.000 người dân trên toàn quốc.

Đồng thời, xu thế đi xuống rõ nét của điểm trung bình toàn quốc ở chỉ tiêu ‘không cần quan hệ cá nhân mới xin được việc trong khu vực công’, trong khi điểm số ở chỉ tiêu này dao động ở mức rất thấp từ 1 đến 1,3 điểm trên thang điểm từ 0 đến 5 (trong đó 5 là mối quan hệ không quan trọng chút nào).

Đây là năm thứ 2 liên tiếp, những người dân trong tỉnh Hà Giang được hỏi cho rằng quan hệ cá nhân có ý nghĩa rất quan trọng khi xin việc vào cơ quan nhà nước. Điều này thể hiện qua việc hầu như không có người trả lời nào cho rằng không cần quan hệ cá nhân để xin vào làm việc ở năm vị trí công vụ cấp xã/ phường được hỏi.

Trong khi đó, ở Hà Nội, gần 14% số người được hỏi cho biết họ không phải “lót tay” mới xin được việc vào cơ quan nhà nước. Tỉ lệ cao nhất về số người cho rằng cần có “lót tay” là Trà Vinh, với hơn 84 %.

Kết quả khảo sát PAPI năm 2015 cho thấy, hiệu quả kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương dường như đi xuống, đặc biệt là khi so sánh với kết quả năm 2013.

Người dân trên toàn quốc cho rằng hiện trạng vị thân khi tuyển dụng nhân lực vào khu vực công ngày càng trầm trọng. Hiện trạng vòi vĩnh trong khu vực công ngày càng phổ biến hơn. Trong khi quyết tâm phòng, chống tham nhũng của chính quyền và người dân ngày càng hạn chế hơn.

Bên cạnh những cảnh báo, chỉ số PAPI cũng đưa ra nhiều kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.

Các cấp chính quyền cần thúc đẩy việc học hỏi kinh nghiệm từ những địa phương được đánh giá cao hơn trong việc đảm bảo công bằng trong tuyển dụng công chức, viên chức. Đồng thời, các cơ quan nhà nước cần giám sát và giảm thiểu các hành vi nhận tiền ngoài quy định khi cung ứng dịch vụ công.

Đặc biệt tăng cường ngăn chặn cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi qua các hành vi, như: Vòi vĩnh khi làm thủ tục hành chính cho người dân, sử dụng công quỹ vào mục đích cá nhân, nhận ‘lót tay’ trong tuyển dụng nhân sự vào khu vực công.

Người dân cũng được khuyến khích để chủ động hơn trong việc tố giác các hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ, công chức, viên chức để góp phần giảm thiểu tham nhũng, hối lộ.

Các tổ chức ngoài nhà nước và giới báo chí là những kênh phục vụ người dân tố giác tham nhũng, giúp ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng tham nhũng đang ngày càng phổ biến hiện nay.

Chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền qua các nội dung như: “công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công”, “kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương”, “kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công” và “quyết tâm chống tham nhũng”.

Hoàng Mạnh