1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vụ áp dụng sai văn bản, người lao động “lĩnh đủ”

(Dân trí) - Sau khi Báo Dân trí đã đăng tải bải viết: “Bị tai nạn mới biết mình không được đóng bảo hiểm” hôm 6/6, phản ánh trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Mị (Chí Linh, Hải Dương) không được đóng bảo hiểm theo quy định, nên khi gặp tai nạn đã gặp nhiều khó khăn. PV Dân trí tiếp tục gặp các bên liên quan để tìm hiểu sự việc.

Áp dụng văn bản nào?

Trong quá trình trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Trần Thị Dung, Hiệu trưởng trường Mầm non Văn An thường xuyên nhắc đến việc cô giáo Nguyễn Thị Mị không được đóng bảo hiểm là do áp dụng văn bản 166 do cơ quan cấp tỉnh ban hành. Vậy thực chất văn bản 166 này là gì? Tại sao lại được nhà trường mang ra áp dụng?

Cán bộ Tư pháp phường Văn An đang xem bản hợp đồng không số. Bên cạnh là bà Trần Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Văn An.
Cán bộ Tư pháp phường Văn An đang xem bản hợp đồng không số. Bên cạnh là bà Trần Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Văn An.

Văn bản mà bà Hiệu trưởng nhắc đến là Hướng dẫn liên ngành số 166/HDLN/CNV-BHXH hướng dẫn liên ngành giữa Sở Nội vụ và Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hải Dương ban hành ngày 13/2/2015.

Hướng dẫn này áp dụng nhiều đối tượng, trong đó có cô Mị - là “người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trực thuộc UBND cấp huyện và trực thuộc thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo chưa được tuyển dụng vào biên chế”.

Hướng dẫn 166HDLN/CNV-BHXH là văn bản tạo cơ sở cho các đơn vị ký kết hợp đồng lao động trong trường hợp: Các cơ quan đơn vị còn chỉ tiêu biên chế, nhưng chưa tuyển dụng vào biên chế.

Trong văn bản cũng nêu rõ: “Trường hợp mà hợp đồng lao động ký kết trái với Hướng dẫn này thì đều không được đóng BHXH bắt buộc”. Rất có thể, chính vì câu này mà bà Dung cho rằng nhà trường đã đúng khi không đóng bảo hiểm cho cô giáo Nguyễn Thị Mị, vì Mị là trường hợp không có trong chỉ tiêu biên chế.

Đồng thời, Hướng dẫn cũng nêu rõ: Thực hiện việc chấm dứt HĐLĐ thuộc đối tượng nêu trên (như cô Mị - NV) thực hiện xong trước ngày 15/3/2015.

Chiều ngày 6/6/2016, PV Dân trí đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Tiến – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương. Bà Tiến cho biết: Thời điểm văn bản 166 ban hành, ngành giáo dục lúc ấy đã phản đối văn bản này vì không thể ngay lập tức "đẩy" các giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế ra đường mà không có sự chuẩn bị về cả tâm lý lẫn công việc.

Chính vì thế, sau khi văn bản liên ngành này ra đời, đã có một văn bản khác bổ xung thêm những điều khoản để quyền lợi người lao động không bị ảnh hưởng. Nhưng bà Hiệu trưởng trường Mầm non Văn An hoàn toàn không nhắc gì đến văn bản này.

Sai phạm chồng sai phạm.

Một tháng sau khi ban hành Hướng dẫn liên ngành 166, ngày 12/3/2015, Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương đã ban hành Công văn số 140/SNV-QLCCVC, gửi Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Sau khi nhận thấy Hướng dẫn 166 chưa đảm bảo quyền lợi của người lao động, Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương đã ra thêm văn bản số 140 để giải quyết vấn đề này.
Sau khi nhận thấy Hướng dẫn 166 chưa đảm bảo quyền lợi của người lao động, Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương đã ra thêm văn bản số 140 để giải quyết vấn đề này.

Công văn nêu rõ: “Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động đang hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp ngành Giáo dục và Đào tạo, sau khi thống nhất ý kiến với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Nội vụ đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nội dung sau:

1. Số người đã ký hợp đồng lao động từ trước ngày 15/3/2015 tạm giữ nguyên cho đến khi tổ chức thực hiện tuyển dụng xong theo Quy định mới của UBND tỉnh (Quyết định số 20/2014/QĐ-UBND ngày 16/10/2014 của UBND tỉnh), sau đó các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập tiến hành rà soát số lượng người làm việc theo quy định, nếu thiếu thì Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc kí hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật.

2. Hàng quý, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp báo cáo số lượng lao động hợp đồng đã ký của từng đơn vị sự nghiệp công lập gửi Sở Nội vụ,

Trong quá trình thực hiện, có gì vướng mắc, đề nghị các đơn vị kịp thời báo cáo Sở Nội vụ để xem xét, giải quyết”.

Trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, tiêu tốn hàng trăm triệu đồng nhưng cô Mị không được chỉ trả bảo hiểm vì nhà trường không đóng bảo hiểm cho cô đúng quy định.
Trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, tiêu tốn hàng trăm triệu đồng nhưng cô Mị không được chỉ trả bảo hiểm vì nhà trường không đóng bảo hiểm cho cô đúng quy định.

Hợp đồng lao động mà cô Nguyễn Thị Mị ký với Trường Mầm non Văn An từ ngày 5/9/2014, tức là trước ngày 15/3/2015. Cô Nguyễn Thị Mị không thể là đối tượng điều chỉnh trong Hướng dẫn liên ngành 166/HDLN/CNV-BHXH.

Tại Hợp đồng lao động số 02, kí ngày 5/9/2014 giữa Trường Mầm non Văn An và cô Nguyễn Thị Mị nêu rõ: Thời gian thử việc 6 tháng; Hết thời gian thử việc dược tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định.

Như vậy, ngoài việc sai phạm về quy định thời gian thử việc, Trường Mầm non Văn An còn sai trong việc không đóng bảo hiểm bắt buộc theo quy định của Nhà nước cho người lao động bằng cách vận dụng văn bản chỉ đạo một cách không đầy đủ.

Tử Hưng

TIN VẮN:

Áp dụng mức thu BHXH, BHYT, BHTN mới theo lương cơ sở 1.210.000 đồng

Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Đỗ Văn Sinh vừa ký ban hành Công văn 2026/BHXH-BT hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và BHXH Bộ Quốc phòng, Công an nhân dân triển khai việc thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng.

Việc thu BHXH, BHYT, BHTN sẽ được căn cứ mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 47/2016/NĐ-CP. Theo đó, mức lương cơ sở sẽ tăng thêm 60.000 đồng, từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng từ ngày 1/5/2016. Từ căn cứ như trên, Bảo hiểm xã hội VN ban hành Công văn số 2026/BHXH-BT hướng dẫn thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo mức lương cơ sở từ ngày 1/5/2016.

Theo đó, người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 47/2016/NĐ-CP. Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người hưởng chế độ phu nhân, phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 2, Khoản 4 Điều 123 Luật BHXH năm 2014. Viên chức quản lý chuyên trách trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN theo quy định của Luật BHXH năm 2014, Luật BHYT năm 2008, Luật Việc làm năm 2013, hưởng lương theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ…

A.T

Phí bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp bằng 1% quỹ tiền lương đóng BHXH

Nghị định 37/2016/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành đã quy định rõ mức đóng bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp của người sử dụng lao động. Đây là bước cụ thể hóa một số quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động, có hiệu lực từ 1/7/2016.

Nghị định 37/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc đã được Chính phủ ban hành. Cụ thể, người sử dụng lao động hằng tháng đóng mức 1% trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu….Không bao gồm người lao động là người giúp việc gia đình. Trường hợp người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm hoặc khoán được thực hiện hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần.

H.M

Cần quyết liệt khó đạt chỉ tiêu đóng BHXH

Tại cuộc làm việc giữa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) hôm 8/6, số liệu của cơ quan chức năng cho thấy: Tính đến hết tháng 5/2016, cả mới có 12,3 triệu người tham gia BHXH, chiếm 23,3% lực lượng lao động và 10,5 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 19,6% lực lượng lao động.

Theo đó, việc phát triển và mở rộng bảo hiểm xã hội đối với 23% dân số còn lại là hết sức khó khăn do phần lớn trong số này là những đối tượng không được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng. Trong khi Nghị quyết 21/NQ-TW của Bộ Chính trị đặt chỉ tiêu tới năm 2020 có 50% lao động tham gia BHXH và 35% tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đại diện BHXH cho rằng qua các đợt khảo sát do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với BHXH Việt Nam, Bộ LĐTBXH và Tổng liên đoàn Lao động mấy năm qua thấy rằng do không giao chỉ tiêu cụ thể nên lãnh đạo một số địa phương “lơ là” trong thực hiện chỉ tiêu này. Chia sẻ những khó khăn trong việc triển khai, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị BHXH Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết, giao chỉ tiêu bắt buộc việc thực hiện BHXH với người lao động. Đối với phát triển BHTN, Phó Thủ tướng yêu cầu BHXH Việt Nam phải tìm các giải pháp để giữ người lao động trong hệ thống chứ không để họ rời hệ thống bảo hiểm.

N.L