1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

TPHCM:

Việc làm tháng cận Tết giảm mạnh so với cùng kỳ

(Dân trí) - Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động thành phố tháng 1/2013, tháng cận Tết Quý Tỵ giảm đến 17% so với cùng kỳ năm 2012.

Khó tăng ca, ít việc thời vụ

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Falmi cho biết: “Trong tháng 1, đa số các doanh nghiệp vẫn chưa triển khai kế hoạch tuyển dụng đồng bộ cơ cấu nhân lực năm 2013, chủ yếu các doanh nghiệp thực hiện việc chăm lo đội ngũ lao động đang làm việc về các chính sách phúc lợi, tiền lương, tiền thưởng nhằm ổn định nhân lực hiện có, không biến động sau Tết nguyên đán Quý Tỵ. Do đó, nhu cầu tuyển dụng không lớn”.

Nhu cầu tuyển dụng dịp cận Tết chủ yếu là nhóm ngành dịch vụ - bán hàng
Nhu cầu tuyển dụng dịp cận Tết chủ yếu là nhóm ngành dịch vụ - bán hàng

Thậm chí, các năm trước thì dịp cuối năm luôn là thời gian mà công nhân các cơ sở sản xuất hàng may mặc, hàng tiêu dùng đều phải tăng ca suốt đêm để sản xuất cho kịp các đơn hàng thì nay muốn tăng ca kiếm thêm thu nhập ăn Tết cũng khó. Ông Tuấn giải thích: “Đa số các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ sản phẩm có nhiều hạn chế”.

Thông thường, tháng cận Tết luôn là thời gian mà thị trường cần nhiều lao động thời vụ, bán thời gian và thiên về nhóm ngành kinh doanh, bán hàng để phục vụ thị trường Tết. Thị trường năm nay cũng không ngoại lệ.

Theo khảo sát của Falmi thì nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trong tháng 1 tuyển dụng đa số là lao động có trình độ trung cấp, sơ cấp nghề và lao động phổ thông, chiếm gần 70% tổng số chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực tập trung nhiều ở 2 nhóm ngành nghề là Nhân viên kinh doanh - Bán hàng (gần 30%) và Dịch vụ - phục vụ (gần 26%).

Tuy nhiên, tính tổng số thì nhu cầu tuyển dụng trong tháng cận Tết năm nay vẫn giảm rất mạnh so với năm ngoái. Giảm nhiều nhất cũng là trong nhóm ngành việc làm thời vụ này. Đơn cử như trong ngành xây dựng, tháng cận Tết năm ngoái cần đến 100.000 lao động phổ thông thì năm nay chỉ có khoảng 45.000 người vì nhiều công trình đang đắp chiếu, nhu cầu sửa chữa nhà cửa đón Tết cũng giảm nhiều.

Thị trường sau Tết sẽ ổn định

Trong khi nhu cầu nhân lực tháng 1/2013 giảm đến 17% so với cùng kỳ thì nguồn cung lại tăng đến 70% so với cùng kỳ ở hầu hết các ngành nghề, đặc biệt là ở nhóm nhân lực trình độ đại học và cao đẳng. Điều này khiến việc tìm kiếm việc làm của người lao động ngày càng khó khăn hơn.

Ông Tuấn cho biết: “Nếu so chỉ số cung – cầu nhân lực tháng 1/2013 cho thấy nguồn cung lao động có trình độ đại học chênh lệch cao hơn nguồn cầu 30%; nguồn cung có trình độ cao đẳng cao hơn nguồn cầu 14%. Đó cũng là nguyên nhân sinh viên mới tốt nghiệp đại học, cao đẳng khó tìm ngay được việc làm”.

Chính vì xu hướng khó tìm việc làm mới phát triển nên người lao động sẽ ít đổi chỗ làm hơn, thị trường lao động sau Tết sẽ ổn định hơn. Falmi dự báo sự dịch chuyển lao động sau Tết Quý Tỵ tuy còn tồn tại nhưng sẽ giảm hơn so với cùng kỳ năm 2012, tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết nguyên đán có thể chỉ ở mức 12% -15% (năm 2012 trên 20%, năm 2011 trên 30%).

Đặc biệt, sự thiếu hụt lao động cục bộ do xu hướng dịch chuyển chỗ làm trên chỉ xảy ra ở một số nhóm ngành sử dụng nhiều lao động như: Dệt - may, chế biến lương thực thực phẩm, dịch vụ phục vụ… Đa số cần nhu cầu lao động ở nhóm ngành này chỉ là trình độ trung cấp, sơ cấp nghề, lao động phồ thông.       

Falmi cũng dự báo trong tháng 2/2013, các doanh nghiệp sẽ tập trung chú trọng việc chăm lo Tết cho người lao động để hạn chế tình trạng thiếu hụt nguồn lao động sau Tết. Do đó, trong tháng 2/2013 dự kiến thành phố chỉ cần khoảng 15.000 lao động cho nhu cầu việc làm ổn định và khoảng 8.000 lao động thời vụ.

Sang tháng 3/2013, thị trường sẽ cần 1 lượng lao động lớn cho năm sản xuất mới, Falmi dự kiến là khoảng 30.000 lao động, tập trung ở các ngành sản xuất như Cơ khí, Điện – điện lạnh - điện công nghiệp, Kiến trúc - kỹ thuật xây dựng, Cơ khí, Nhựa - Bao bì, Bất động sản, Dệt may – Giày da.

Song song với nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp sẽ tăng. Dự kiến lao động phổ thông chiếm 35%, nhu cầu lao động có trình độ Sơ cấp đến trung cấp chiếm 40% , nhu cầu lao động có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm 25% .

Tùng Nguyên