1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vì sao không nên khóc nơi công sở?

(Dân trí) - Với không ít người, nhất là phụ nữ, những bức xúc, ấm ức trong công việc có thể khiến họ bật khóc ngay tại công sở. Ai cũng có quyền bộc lộ cảm xúc của mình nhưng bạn có biết rằng việc này rất có thể khiến bạn gặp nhiều bất lợi?

Cho dù bạn khóc hay nổi cơn lôi đình do bị đổ lỗi những chuyện không phải mình gây ra, hoặc bị rầy la bởi một khách hàng đang giận dữ, thì những bộc lộ cảm xúc đó tại nơi làm việc luôn chỉ đem lại những ấn tượng không hay. Những nghiên cứu của các chuyên gia về trạng thái “dồn nén cảm xúc” chỉ ra rằng việc này sẽ khiến suy nghĩ của bạn trở nên thiếu sáng suốt, kích thích sự bất mãn với công việc và ảnh hưởng tiêu cực tới năng suất.

Vì sao không nên khóc nơi công sở?
Việc kiềm chế cảm xúc nơi công sở là rất cần thiết

Đó là lý do tại sao các chuyên gia khẳng định tầm quan trọng của việc biết kiềm chế sự bộc phát cảm xúc, ngay cả trong những tình huống đặc biệt, để có thể điều chỉnh phản ứng của mình theo cách tích cực nhất. Đây là kinh nghiệm được bà Anne Kreamer, một phó chủ tịch cấp cao của kênh truyền hình cáp dành cho trẻ em Nickelodeon chia sẻ trong cuốn sách viết về những cảm xúc nơi công sở.

Cách đây không lâu, sau khi hoàn thành thắng lợi thương vụ 25 triệu USD với Sony, Anne Kreamer bất ngờ nhận được điện thoại từ Chủ tịch HĐQT Redstone. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu tập đoàn gọi điện cho bà. Những tưởng mình sẽ nhận được những lời khen tặng vì đã giúp công ty có được một hợp đồng lớn nhưng trái lại Kreamer lại bị sếp mắng tơi bời.

“Khi đó tôi nghĩ mình sẽ được nhận những lời khen tặng và chúc mừng. Thế nhưng thực tế là tôi bị trách mắng dữ dội. Ông ấy quát tháo tôi trong suốt cuộc gọi 90 giây”, bà Kreamer thuật lại. Khi ấy ông Redstone có vẻ như hy vọng giá cổ phiếu của tập đoàn sẽ tăng mạnh sau thương vụ với Sony, nhưng thực tế lại không phải vậy. Quá ấm ức vì nỗ lực của mình bị tung hê, Kreamer òa khóc, hành động mà giờ đây bà cảm thấy hối tiếc.

“Đó là phản ứng hoàn toàn tự nhiên trong những tình huống như vậy. Tôi nhận ra rằng cách cư xử của ông ta là không phù hợp”, Kreamer chia sẻ. “Nhưng nếu tôi hiểu được những điều như tôi biết lúc này, tôi đã không cảm thấy ấm ức đến thế. Và không ai nên làm vậy”.

Một vấn đề khác đó là mọi người có xu hướng bị “lây truyền” cảm xúc từ những người khác giống như một thứ virus, và “nhiều khi những người khác sẽ bắt chước những phản ứng mạnh mẽ đó một cách bản năng”, giáo sư quản trị học Sigal Barsade của đại học Pennsylvania, người đang nghiên cứu về ảnh hưởng của cảm xúc tại các tổ chức cho biết.

Bà khuyến cáo rằng người lao động trước tiên cần cân nhắc vị trí của mình trong cơ quan và kiểm soát bản thân một cách phù hợp. Đừng bao giờ hành động bột phát nơi công sở. Nếu cần thiết hãy xin phép về nhà, tìm kiếm sự trợ giúp của những người thân, một chuyên gia tâm lý hoặc thậm chí là một chuyên gia tư vấn nghề nghiệp, những người có thể đưa ra những lời khuyên khách quan.

Bạn cũng có thể thử viết lại về vụ việc dưới góc nhìn của người đối lập. Việc dừng lại để suy ngẫm sẽ giúp bạn bình tĩnh trở lại, khiến vấn đề không trở nên phức tạp hơn. Bạn sẽ tìm được hướng để vượt qua sau khi đã hiểu rõ vì sao người đối lập với mình lại làm vậy.

Nếu phải liên tục đương đầu với những cảm xúc mạnh đó tại nơi làm việc, hãy thử cân nhắc xem mình có còn phù hợp với môi trường này bởi mỗi tổ chức có một văn hóa cảm xúc khác nhau. “Những điều được xem là chấp nhận được hoặc kiềm chế được ở nơi này có thể là không phù hợp ở nơi khác.

Ví dụ ở hãng hàng không Southwest American Airlines thì là văn hóa của sự thương cảm bởi bạn luôn được kỳ vọng sẽ thể hiện những tâm trạng tích cực. Trong khi đó hãng hàng không American Airlines lại có văn hóa kìm nén cảm xúc. Việc lựa chọn sai nơi làm việc có thể khiến cảm xúc của bạn luôn nặng nề”, giáo sư Barsade nói.

Thanh Tùng
Theo WSJ