1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ứng phó khi bị “phun châu nhả ngọc”

(Dân trí) - Theo các chuyên gia nhân sự, môi trường làm việc áp lực cao ngày nay đã khiến tình trạng mạt sát, chửi đổng trở thành hiện tượng không hiếm gặp nơi công sở. Bạn cần phải làm gì để ứng phó với những tình huống “phun châu nhả ngọc” này?

Theo Chris Posti, chủ tịch công ty tư vấn nhân sự Posti & Associates, cho biết “Có nhiều lý do khiến dân công sở nói đệm những từ ngữ không hay. Nhưng cho dù đó là do giận dữ, bực bội, stress, muốn thể hiện cái tôi hay thiếu vốn từ thì đều đưa đến kết quả tiêu cực và thậm chí dẫn đến các phản ứng nóng nảy.

“Nếu chẳng may bạn là người nhận lãnh những lời không hay đó, hãy cân nhắc phản ứng tùy theo người đối diện bạn là ai. Nhưng dù sao đi nữa, giữ bình tĩnh luôn là điều đầu tiên phải làm và đừng ăn miếng trả miếng”, Posti cho biết.

Nếu đó là khách hàng…

Nếu khách hàng dùng lời lẽ khiếm nhã với bạn, thật khó để bạn có được phản ứng tốt nhất. Dưới đây là những điều bạn cần làm:

Lắng nghe thật kỹ những gì khách hàng muốn nói, hiểu và phân tích tình huống từ góc nhìn của khách hàng. Có thể họ muốn than phiền với bạn về sản phẩm hay dịch vụ của công ty, nhưng cảm xúc quá đà khiến lời lẽ sử dụng không phù hợp. Cho dù bạn bị đối xử thậm tệ như thế nào đi nữa thì bạn vẫn phải đảm bảo tính chuyên nghiệp của mình.

Theo Jonar Lader, tác giả cuốn sách “Làm sao để mất bạn và chọc giận sếp” cho biết, “Một khi khách hàng đang giận dữ, họ sẽ không nghe lọt tai những lời biện bạch của bạn nên tốt nhất là cứ để họ trút ra hết.” Nếu bạn cũng nổi nóng thì chẳng khác nào thêm dầu vào lửa. Thay vì vậy, hãy giữ bình tĩnh và nhấn mạnh với khách hàng các giải pháp cho vấn đề nêu ra. Nếu khách hàng vẫn không hài lòng, hãy nhờ đến gáim sát hoặc cấp trên của bạn.”

Nếu đó là đồng nghiệp…

Cuộc đấu khẩu với đồng nghiệp có thể để lại “di chứng” dai dẳng. Dưới đây là vài điều bạn cần cân nhắc:

Bạn khó mà nuốt trôi nếu người đồng nghiệp mà hàng ngày bạn đối mặt nay mạt sát bạn hay thậm chí là chửi thề. Thay vì vội vàng đáp lại ngay lúc đó, bạn hãy cho người đồng nghiệp nọ thời gian để tĩnh tâm lại. Matt Angello, chuyên gia đào tạo của Tâp đoàn tư vấn Bright Tree cho biết, “Hãy đợi sau khi tình hình dịu lại rồi hãy nói chuyện với họ.”

Khi nói chuyện với họ, bạn cần thể hiện sự chuyên nghiệp của mình bằng cách khẳng định rõ mong muốn làm việc trong môi trường tôn trọng lẫn nhau và hy vọng sẽ không có chuyện tương tự xảy đến. Hầu hết chúng ta đều giữ thái độ “thêm một chuyện chi bằng bớt một chuyện” và cho qua, nhưng theo Alexander Kjerulf, tác giả cuốn sách “Giờ làm việc vui vẻ”, bạn cần nói rõ suy nghĩ của mình về mối quan hệ với đồng nghiệp. Có thể sẽ mất thời gian để bỏ qua mâu thuẫn và gầy dựng lại quan hệ nhưng ít ra bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn tại nơi làm việc của mình.

Nếu đó là sếp…

Nếu sếp chửi bạn một trận rõ đau sau một dự án nào đó, phản ứng của bạn có thể bị trả giá bằng chính công việc của bạn. Dưới đây là cách thức giúp bạn xử trí tình huống:

Theo Posti, “Phản ứng của bạn sẽ tùy thuộc vào mức độ thân thiết giữa bạn và sếp”. Đôi khi cũng thật khó để dùng lý trí phân giải vì sao sếp lại ứng xử như thế, bạn cần cân nhắc các khả năng trước khi đưa ra quyết định nên phản ứng thế nào. Theo Nader, mặc dù có những sếp rất vô lý và thiếu chuyên nghiệp, phần lớn các sếp đều có lý do khi tỏ ra giận dữ như vậy. “Có thể bạn nghĩ sếp la bạn quá đáng vì những chuyện nhỏ nhặt nhưng những lỗi nhỏ đó thực chất là giọt nước làm tràn ly.”

Sau khi đã bình tâm và cân nhắc, lúc nói chuyện với sếp, bạn cần khéo léo lồng ghép cảm xúc của mình rằng bạn cảm thấy chán nản và mất tinh thần khi sếp dùng những lời như thế, đồng thời phải nhấn mạnh giải pháp mà bạn nghĩ ra để giải quyết tình hình.

Nhưng nếu sếp thường xuyên mạt sát bạn, có lẽ bạn nên nghĩ đến phương án chuyển việc và quan trọng hơn, xem đây là bài học kinh nghiệm, “Một người sếp thô lỗ sẽ giúp bạn học được cách đối nhân xử thế”.

Hoàng Vy Ân
Theo MSN