1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Từ năm 2018: Hiệp hội VASEP đề xuất giãn mức đóng bảo hiểm xã hội thêm 2 năm

(Dân trí) - Liên quan tới góp ý Dự thảo nghị định tăng lương tối thiểu vùng 2016, ông Trương Đình Hòe - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), vừa có công văn đề xuất giãn mức đóng BHXH sau năm 2018 thêm 2 năm. Lý do bởi doanh nghiệp chịu nhiều chi phí, khó cạnh tranh.


Hiệp hội VASEP đề xuất giãn mức đóng BHXH sau năm 2018. (Ảnh minh họa)

Hiệp hội VASEP đề xuất giãn mức đóng BHXH sau năm 2018. (Ảnh minh họa)

Đây là nỗ lực từ phía doanh nghiệp nhằm đảm bảo hoạt động không bị ảnh hưởng nhiều, do phải điều chỉnh mức đóng BHXH và lương tối thiểu vùng trong năm 2016,

Ông Trương Đình Hòe giải thích, từ ngày 1/1/2016, mức đóng BHXH của người lao động bao gồm mức tiền lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động. Sau ngày 1/1/2018, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

“Hiệp hội VASEP và cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đề nghị Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH xem xét lùi thời gian áp dụng quy định đóng BHXH theo Luật BHXH muộn 2 năm (bắt đầu từ năm 2018) nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN không bị ảnh hưởng quá nhiều…” - trích công văn.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội VASEP, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã trả lương cho lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng.

Theo ông Trương Đình Hòe: “Do thực tế đó, việc tăng lương tối thiểu vùng một mặt không có ý nghĩa gì với cuộc sống hiện tại của người lao động. Nhưng mặt khác làm tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp trong việc tăng tiền đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn (đặc biệt những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như các doanh nghiệp thủy sản)”.

VASEP nhận định, từ ngày 1/1/2016 khi cả Luật BHXH và Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2016 đều có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp cùng lúc sẽ phải chịu tác động lớn vè tăng chi phí đóng BHXH cho người lao động.

Hôm 5/10, Tổng LĐLĐ VN đã gửi công văn tới Chính phủ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 lên mức 14,4 %, với 4 lý do:

- Tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm 2015 đã khởi sắc, các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đã có sự tăng trưởng đáng kể, GDP đạt 6,5%.

- Điều 91 Luật Lao động quy định mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

- Đời sống công nhân lao động còn nhiều khó khăn, theo điều tra của Tổng LĐLĐ VN, có 19,9% người lao động cho biết tiền lương hiện nay không đủ sống.

- Doanh nghiệp có khả năng chi trả cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng từ 20-40%.

Điều này sẽ tác động lớn đến tổng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, làm tăng giá thành dẫn đến khó cạnh tranh.

“Việt Nam đang tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Từ năm 2016, Việt Nam chính thức gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh nếu giá hành sản phẩm của DN bị tăng cao…” - VASEP lo ngại.

Hôm 3/9 tại Hà Nội, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 lên mức trung bình là 12,4%.

Theo lộ trình, ngày 4/11, Bộ LĐ-TB&XH sẽ kết thúc việc lấy ý kiến các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp về Dự thảo Nghị định về tăng lương tối thiểu vùng 2016.

Sau đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ phê duyệt. Dự kiến, Nghị định này sẽ có hiệu lực từ 1/1/2016.

Ngày 15/10 tại TP HCM, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có cuộc gặp các doanh nghiệp thành viên VASEP để tiếp thu ý kiến về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến Luật lao động, Luật BHXH và Dự thảo Nghị định quy định mức lương tổi thiểu vùng năm 2016.

Hoàng Mạnh