Trao 672 niềm vui ấm áp tới thân nhân liệt sỹ ngày cuối năm giá rét

(Dân trí) - “Những tấm bằng Tổ quốc ghi công được trao chính là hành động thiết thực, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính của thế hệ đi sau tới những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.

Trao 672 niềm vui ấm áp tới thân nhân liệt sỹ ngày cuối năm giá rét - 1

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ trao 672 bằng Tổ quốc ghi công đợt 3/2017, được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 26/12 tại Hà Nội. Tới dự chương trình có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ghi nhận những công lao đóng góp to lớn của những thế hệ cha, anh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, giữ gìn và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

“Trong suốt 70 năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thường xuyên chăm lo đến công tác thương binh liệt sỹ và người có công. Hệ thống chính sách về người có công được thực hiện đồng bộ về mở rộng đối tượng, mở rộng chế độ và tăng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi; các đối tượng người có công đã tiếp cận được và được thụ hưởng chính sách” - Chủ tịch quốc hội nhận định.

Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công tới đại diện 672 gia đình thân nhân liệt sĩ

Tuy nhiên, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ băn khoăn đối với công tác công nhận liệt sĩ. Trong những năm vừa qua, nhiều thế hệ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc nhưng một số trường hợp vẫn chưa được xem xét công nhận do không còn hồ sơ, giấy tờ gốc, những người giao nhiệm vụ và biết sự việc không còn. Do vậy, các cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc xác nhận người bị chết là liệt sĩ, người bị thương là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Trước thực tế này, Bộ LĐ-TB&XH cùng các cấp, các ngành đã có nhiều có nhiều nỗ lực, cách làm đột phá, sáng tạo với quy trình xem xét, thẩm định hồ sơ chặt chẽ, gắn trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân đã xác nhận được hàng trăm liệt sĩ, hàng nghìn thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi lễ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi lễ.

“Kết quả này tuy chưa nhiều nhưng là cơ sở để chúng ta tiến đến giải quyết căn bản các hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công. Mong rằng mỗi người, mỗi ngành hãy làm tốt hơn nữa công tác này, coi đó là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự của chúng ta để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc” - Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Giải thích thêm về những trường hợp chưa được công nhận, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Trải qua các thời kỳ kháng chiến, chiến tranh khốc liệt, lâu dài, nhiều cơ quan quản lý thay đổi, nhiều cơ quan quản lý thay đổi, nhiều thân nhân những người đã hy sinh, và các thương binh không còn lưu giữ được hồ sơ.

“Bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ lên đường không bao giờ nghĩ đến giấy tờ riêng cho mình và cũng không giữ được giấy tờ gốc. Đây là một điều trăn trở và day dứt đối với thế hệ chúng ta, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp...” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu người có công với cách mạng , trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 800.000 thương binh, bệnh binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, 312.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học và hàng triệu người có công giúp đỡ cách mạng.

Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kết luận số 607/TB-TTKQH ngày 08/5/2017 và báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017, chỉ đạo tập trung giải quyết các hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng tại các địa phương theo trình tự, thủ tục, hồ sơ cụ thể do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với mục tiêu hết năm 2017 căn bản giải quyết xong hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công (liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh) tại các tỉnh, thành phố và trong cơ quan quân đội, công an. Quy trình này gồm 7 bước và quy định chặt chẽ hơn so với Kế hoạch triển khai thí điểm.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi lễ

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi lễ

Với sự vào cuộc quyết tâm của Lãnh đạo Bộ, của Tổ công tác Trung ương, Ban Chỉ đạo tại các địa phương và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong việc xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng, đến ngày 26/12/2017 Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 50.000 bằng Tổ quốc ghi công làm cơ sở để giải quyết chính sách; toàn quốc đã xác nhận 2500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Đặc biệt đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xác nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với với 1250 liệt sĩ, trong đó Bộ LĐ-TB&XH tổ chức trao bằng Tổ quốc ghi công cho 672 thân nhân, gia đình liệt sĩ vào ngày 26/12.

“Thế hệ con cháu chúng ta sẽ mãi mãi không bao giờ quên sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chúng ta nguyện sẽ làm hết sức mình bằng lương tâm và trách nhiệm để xứng đáng với sự hy sinh đó để góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh và phồn vinh” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ tại buổi lễ.

Liệt sỹ hy sinh lâu nhất cách đây 86 năm

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong 672 liệt sỹ công nhận liệt sĩ đợt 3/2017, nhiều trường hợp không còn thân nhân, chính quyền và ngành lao động thay gia đình để hương khói. Có 148 trường hợp hy sinh từ thời kỳ chống Pháp. Người hy sinh lâu nhất là 86 năm, là cụ Nguyễn Văn Sớm, quê xã Chánh Hội, xã Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Cụ Nguyễn Văn Sớm cán bộ tuyên truyền xã hy sinh năm 1931 trong khi làm nhiệm vụ công tác tuyên truyền về Đảng bị địch phát hiện, bắt giam tại nhà tù Côn Đảo và bị tra tấn đến chết trong tù…672 trường hợp này, trước đây chưa được công nhận vì các nguyên nhân, như: Không có hồ sơ, giấy tờ gốc; không còn thân nhân chủ yếu; không còn người làm chứng cùng đơn vị hoặc cùng chiến đấu; hồ sơ thất lạc phải làm lại từ đầu hoặc hồ sơ phải bổ sung nhiều lần đến khi hoàn thiện thì hết hiệu lực văn bản quy định.

Hoàng Mạnh