1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tranh cãi nên ở lại công ty cũ hay chuyển việc vì lương 25 triệu đồng

(Dân trí) - Sau khi bài viết “Tôi đề nghị sếp tăng lương hay nhận việc nơi mới lương 25 triệu đồng?” của bạn đọc Trịnh Đình Quang (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhiều bạn đọc đã gửi tới ý kiến tranh luận bảo vệ quan điểm khác nhau. Trân trọng ý kiến bạn đọc, Việc làm xin trích đăng 1 số ý kiến thú vị…

Tranh cãi nên ở lại công ty cũ hay chuyển việc vì lương 25 triệu đồng - 1

Cơ hội trong tầm tay, tại sao không?

Bạn đọc Nguyễn Đình Đổng viết: “Theo tôi bạn nên chuyển sớm, vì lao động chẳng qua là món hàng được giá, nên bán nhanh chóng thu hồi vốn ở đây. Tôi muốn nói sức lao động của bạn là hàng xịn bán cho người biết sử dụng”.

Có lẽ cũng là người có hoàn cảnh tương tự, bạn đọc Trịnh Minh Chiến bộc bạch: Tôi là một kỹ sư đã từng ở hoàn cảnh như bạn. Tôi đã phải suy nghĩ nhiều đêm. Tôi đã chuyển việc nhưng vì công ty cũ của tôi chậm lương có lúc 2-3 tháng và nguồn việc công ty cũ không tốt. Hãy nhìn nhận tổng thể để quyết định, chứ không chỉ vì đồng tiền”.

Nên thử sức nếu có năng lực, bạn đọc Hoàng Nguyễn đưa ra lời khuyên: “Anh Huy như bạn nói là người đã làm việc cùng nhau và rất hiểu bạn. Môi trường mới tuy có khó khăn nhưng sẽ tạo động lực và bước ngoặt cho bạn. Nếu thực sự có trình độ, bạn nên thay đổi. Cứ an phận thủ thường bạn sẽ mãi đi thuê nhà mà thôi”.

“Nên chuyển, nhưng cần tìm hiểu kỹ về công ty mới”, bạn đọc Văn Triển viết: Cách nhanh nhất để thăng chức và tăng lương là nhảy việc tìm môi trường mới. Tuy nhiên bạn phải tìm hiểu kỹ môi trường mới.

“Nếu bạn chưa quá già và còn sung sức trong công việc. Bạn muốn nhiều kinh nghiệm, muốn thử sức ở nhiều môi trường, muốn có cơ hội thăng tiến và lương cao hơn thì nên nhận việc chỗ mới” - bạn đọc có nick Dakaozick viết.

Bạn đọc Văn Triển bổ sung: Về thương hiệu công ty, tôi nghĩ đều là đi làm thuê nên thương hiệu lớn nhỏ không quan trọng. Điều cốt yếu là môi trường tạo cho bạn phát huy hết năng lực. Quan trọng hơn, bạn hiểu được năng lực đến đâu, bản thân mình sẽ chắc chắn làm tốt được công việc mới. Bạn có năng lực thật sự thì việc quay về công ty cũ với địa vị cao hơn là điều hoàn toàn có thể.

Đưa ra lời khuyên chuyển việc để thay đổi bản thân, bạn đọc Quảng viết: Nếu thu nhập chỉ chênh lệch tối đa 20% thì phải suy nghĩ. Chênh lệch nhiều như thế này thì nên chuyển việc. Làm mãi một vị trí như thế và không có biến chuyển gì nhiều thì sẽ tiêu hao năng lượng, tăng sức ỳ bạn ạ.

Bạn đọc Trần Bá Hiếu viết: Muốn phát triển bản thân thì nên đi. Vì tới môi trường mới này được sự ưu ái của sếp nên sẽ có nhiều cơ hội để phát triển bản thân và có điều kiện tốt hơn để chăm lo cho hạnh phúc gia đình.

Đưa ra lời khuyên ngắn gọn, bạn đọc Nguyễn Thu Hà viết: Chuyện chuyển việc là điều hết sức bình thường lúc này. Nên chuyển và công ty cũ sẽ không thể trách móc được bạn vì những ứng xử của họ.

“Đừng đứng núi này trông núi nọ”

Trái ngược với quan điểm nên chuyển việc, bạn đọc Phương Nguyễn Bạn đưa ra lời khuyên nên nhìn lại chính mình: Trước khi vào chắc chắn bạn đã đọc nội quy và quy chế công ty rồi. Bạn thừa hiểu là các điều kiện để được tăng lương. Còn bạn có năng lực thực sự và có đóng góp tốt cho công ty thì nên trao đổi thẳng thắn với sếp. Việc ông sếp cũ rủ rê và đưa ra mức lương hấp dẫn thì vô cùng!.

“Tại sao bạn không tự đặt câu hỏi: Công ty đó mới liệu sự tồn tại có như mong muốn không. Thời buổi khó khăn này bạn nên chọn biện pháp an toàn không thì vợ con bạn ra đường...” - bạn Phương Nguyễn viết.

Với những phân tích khá rạch ròi, Bạn đọc Nguyễn Thiện Long chia sẻ: Anh cần xác định rõ, bước chân đi rồi khó quay trở lại. Vì thế nhảy việc là điều chỉ nên làm khi mình không còn thu nhập tốt và không thăng tiến ở công ty cũ. Điều thứ 2, anh hãy bày tỏ thẳng thắn nhưng cẩn thận với sếp trực tiếp của mình về chế độ thăng tiến, kế hoạch hoặc lộ trình tăng lương của vị trí bản thân. Cần tỏ rõ quan điểm với sếp: "Em với công ty vẫn rất nhiệt huyết. Tuy nhiên em chưa thấy được thăng tiến nên cũng hoang mang…".

Bạn đọc có nick Người quê viết: Bạn nên trao đổi trực tiếp với sếp cũ. Nên bày tỏ quan điểm muốn tăng lương và cơ hội mới để họ hiểu. Biết đâu, họ lại đang có kế hoạch nhân sự mới có lợi cho bạn thì sao!

Đồng thời, bạn đọc Nguyễn Thiện Long bổ sung: Anh nên thực sự cân nhắc về công ty mới, tìm hiểu rõ ràng ngành nghề, sản phẩm của công ty mới nếu nhảy việc, nói không với đa cấp, bán bảo hiểm nhé. Dễ bị lừa đảo lắm.

Cùng quan điểm với bạn đọc Nguyễn Thiện Long, bạn đoc có nick Dakaozick phân tích: “Ở công ty cũ lương thấp hơn nhưng ổn định vì có bề dày kinh doanh. Ở công ty mới lương cao hơn nhưng chưa chắc đã ổn định, có thể phát triển hoặc phá sản. Ở công ty cũ làm việc đã quen, công ty mới phải bắt đầu lại từ đầu. Tuy nhiên, 3 năm chưa phải là dài để thay đổi”.

Bạn đọc Nguyễn Văn Khuyến cũng cùng chia sẻ: “Bạn đừng bao giờ chuyển công ty vì lương. Cần xét năng lực mình xem bạn có đủ khả năng làm trưởng phòng không? Tiềm năng quy mô, sản phẩm, và năng lực tài chính?. Phù hợp với hướng phát triển của mình không?”

Bạn đọc Nguyễn Văn Bảy nhắc: Bạn nên cân nhắc thật kỹ và đặt ra nhiều vấn đề sẽ xảy ra sau khi chuyển đến chỗ mới. Đang phó phòng công ty cũ, bạn nên phấn đấu làm trưởng phòng công ty này. Lúc đó, lương sẽ bằng hoặc hơn mức lương công ty mới chào và có sự ổn định.

Cảnh báo tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”, bạn đọc Hồ Loan viết: Đứng bên đồi này thì muốn qua đồi bên kia cao hơn, nhưng khi qua đc rồi thì hỡi ơi nó thấp hơn đồi cũ nữa, đó là cái giá phải trả bạn ạ!

Có lẽ là người khá cảnh giác, bạn đọc Lê Huy viết: “Coi chừng anh Huy câu mồi đó, không đơn giản mới về mà lương 25 triệu đồng đâu, cái gì cũng có giá của nó. Đi môi trường mới thì tốt nhưng nguy quá...!”

Hoàng Mạnh (tổng hợp)