1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

“Trả nợ tổ nghề”

Chuyện giấu nghề trong giới thợ bạc bấy lâu nay gần như đương nhiên. Nhưng có một nơi không những truyền nghề kim hoàn miễn phí cho những bạn trẻ nghèo khó, mồ côi mà còn gây quĩ học bổng...

Thúy Nga, 20 tuổi, cảm thấy như được sống những ngày thú vị nhất khi tự mình làm một chiếc nhẫn bạc tặng đứa em đồng cảnh ngộ ở làng SOS Thủ Đức (TPHCM). Hồi cha mẹ qua đời, Nga mới 7 tuổi, ngày nào cũng cùng các anh chị đi mò cua bắt ốc...

 

Tốt nghiệp THPT, Nga chưa biết phải làm gì thì được làng cho đi học nghề tại Trung tâm Dạy nghề mỹ nghệ kim hoàn TPHCM. Từ tấm lòng của “người dưng”,  tháng bảy này Nga sẽ hoàn tất khóa học để trở thành một nữ thợ bạc.

 

Không riêng gì Nga, có tới hơn 140 bạn trẻ khác đã được đào tạo miễn phí nghề kim hoàn trong hơn năm rưỡi qua. Họ xuất thân từ trẻ mồ côi, bộ đội xuất ngũ, diện xóa đói giảm nghèo... Sau khi học xong, các bạn trẻ còn được nhận vào làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp.

 

Thật ra, “sứ mệnh” ban đầu của trung tâm là đào tạo bài bản nghề kim hoàn với học phí thấp, nhưng thực tế còn quá nhiều bạn trẻ không với tới mức học phí đó. Vậy là 14 học viên đầu tiên đã được cấp học bổng (2 suất/học viên, căn bản và chuyên sâu) ngay trong năm 2004, sau đó là 194 suất trong năm 2005.

 

Không chỉ dốc hết khoản “lợi nhuận” ít ỏi có được, trung tâm còn gửi thư ngỏ đến các doanh nghiệp kim hoàn. Một số giảng viên tự nguyện bỏ cả chuyện làm ăn của mình để dốc sức cho công việc mang tính thiện nguyện với khoản thù lao “gọi là”. “Giúp được các bạn trẻ có nghề nghiệp ổn định là vui rồi”, thầy Trần Ngọc Trí tâm sự.

 

Đầu năm 2006, trung tâm đã cạn kiệt hầu bao nhưng đơn xin cấp học bổng vẫn tới tấp gửi về. Các doanh nghiệp tuy không dè sẻn nhưng xin xỏ mãi cũng “hơi kỳ”. Ai đó đưa ra ý tưởng: đổi bí quyết lấy học bổng. Ý tưởng là vậy nhưng làm không dễ do lâu nay giới thợ bạc nước mình vốn quen truyền nghề theo cách cha truyền con nối, người bên ngoài muốn học bí quyết cũng không ai dạy.

 

Hồi đầu, một số nghệ nhân cũng băn khoăn lắm, vì làm như thế chẳng khác nào tặng không “nồi cơm” cho người khác. Để nêu gương, nghệ nhân Lưu Ngọc Phi - Giám đốc trung tâm - tự nguyện “hiến” bí quyết pha chế các loại hội (hợp kim để pha chế vàng) và điều chỉnh tuổi vàng. Sau đó, ông Phi vận động nghệ nhân Trần Hải truyền đạt bí quyết “vô hột ngàm” (cẩn hột đá không thấy chấu), một kỹ thuật còn ít người biết.

 

Danh sách người tình nguyện ngày càng dài ra: nghệ nhân Nguyễn Minh Còn với ba bí quyết là chỉnh màu sản phẩm nữ trang, pha chế dung dịch tẩy trước xi mạ nữ trang và làm bóng sản phẩm bằng phương pháp bombing; nghệ nhân Đỗ Thế Dũng với bí quyết làm dây chuyền bọng... Họ gọi việc làm đó là “trả nợ tổ nghề”.

 

Giữa tháng 4/2006, trung tâm đã bắt đầu chương trình đào tạo bí quyết nghề kim hoàn để tăng tốc gây quĩ học bổng. Và hàng trăm người trẻ nghèo khó lại có cơ hội trang bị cho mình một nghề để tự tin vào đời.  

 

Theo Thái Bình

Tuổi Trẻ