Tổng LĐLĐ VN: Nâng tuổi hưu khó có thể “cào bằng”

(Dân trí) - Nêu quan điểm về đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về điều chỉnh tuổi hưu, ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) - cho rằng cần có sự phân tách việc tăng tuổi hưu theo các nhóm ngành, nghề. Tránh việc “cào bằng” tăng tuổi hưu đồng đều cho người lao động.

Chiều 18/1, trong cuộc họp báo tổng kết cuối năm 2017 do Tổng LĐLĐ VN tổ chức tại Hà Nội, ông Lê Đình Quảng cho rằng, hiện Bộ LĐ-TB&XH mới đang xây dựng hồ sơ đề xuất sửa đổi luật lao động trong năm 2018.

Trước đó, việc nâng tuổi hưu từng được đưa ra trong các lần xây dựng Luật bình đẳng giới, Luật BHXH, Luật Lao động 2012.

Theo ông Lê Đình Quảng, việc xây dựng lộ trình lần này tuân theo quy trình của Luật ban hành các quy phạm văn bản pháp luật. Dự thảo hồ sơ sửa đổi Luật Lao động bao gồm 11 nội dung và kèm theo dự báo tác động, trong đó có vấn đề điều chỉnh tuổi hưu.

“Để tiếp nối quan điểm về điều chỉnh tuổi hưu của Tổng LĐLĐ VN trước đây, tôi cho rằng vấn đề nâng tuổi hưu rất phức tạp, cần có sự đánh giá cẩn trọng từ nhiều góc độ sức khoẻ, việc làm, tâm lý…của người lao động” - ông Lê Đình Quảng cho biết.

Chia sẻ với báo giới, ông Lê Đình Quảng cho rằng: "Chúng tôi sẽ tham mưu với lãnh đạo Tổng LĐLĐ VN có ý kiến chính thức khi dự án đưa vào kế hoạch xây dựng pháp luật trong năm 2018.

Đồng thời, ông Lê Đình Quảng cho rằng, sẽ có ít nhiều sự băn khoăn về phương án nâng tuổi hưu nếu không phân nhóm người lao động cụ thể: “Đặc biệt trong điều kiện khí hậu và sức khoẻ của người lao động, lĩnh vực sản xuất trực tiếp đang có tình trạng doanh nghiệp “thải loại” người lao động trên 35 tuổi”.

Theo Tổng LĐLĐ VN, đối với lao động trong khu vực sản xuất trực tiếp, rất ít người nghỉ hưu đúng với tuổi hưu được quy định hiện nay. Thống kê của Tổng LĐLĐ VN, tuổi hưu trung bình của nhóm lao động trên là 53 tuổi. Trong khi đó, Luật Lao động hiện hành quy định nam nghỉ hưu 60 và nữ là 55.

“Vậy, nếu nâng tuổi hưu nữa thì quyền lợi người lao động bị tác động. Chưa kể hàng năm có 1 triệu người đến tuổi lao động. Do đó, tuổi hưu cần phải xem xét cẩn trọng. Nếu trong khu vực hành chính thì có thể xem xét việc nâng tuổi hưu, còn khu vực sản xuất trực tiếp thì nên giữ nguyên. Hoặc cần có lộ trình cụ thể cho từng nhóm chứ không thể “cào bằng” - ông Lê Đình Quảng nói.

Hoàng Mạnh