1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tiến tới một mức lương tối thiểu vào năm 2010

Lộ trình tiến tới thực hiện một chính sách tiền lương tối thiểu chung sẽ được xây dựng như thế nào khi tiền lương tối thiểu khu vực đầu tư nước ngoài đã tăng 40%? Ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Tiền công (Bộ LĐ TBXH) đã trao đổi về vấn đề này.

Đánh giá của ông về ảnh hưởng của việc tăng lương tối thiểu khu vực đầu tư nước ngoài tới thu hút đầu tư?

 

Lương tối thiểu khu vực đầu tư nước ngoài tăng 40% sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới quyết định đầu tư vào một đất nước mà giá cả sức lao động thấp đang là yếu tố cạnh tranh.

 

Tuy nhiên, tôi cho rằng, tăng ương tối thiểu khu vực đầu tư nước ngoài là việc cần khi doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bám vào lương tối thiểu để trả tiền công cho người lao động. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp này lại xây dựng định mức lao động cao, vi phạm quy định về làm thêm giờ và không trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động.

 

Nếu các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của bộ Luật Lao động về trả lương, điều kiện lao động... cho người lao động thì không có chuyện đình công đòi quyền lợi của người lao động như thời gian qua.

 

Việc tăng 40% lương tối thiểu khu vực đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục làm giãn khoảng cách giữa lương tối thiểu khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước, thưa ông?

 

Đúng là khoảng cách giữa lương tối thiểu khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước (350.000 đồng/tháng) sẽ tiếp tục tăng.

 

Nhưng cần phải nói rõ, lương tối thiểu khu vực trong nước tuy quy định thấp hơn, nhưng thực tế thu nhập của người lao động không chỉ đơn thuần là lương tối thiểu, mà còn được nhân với hệ số và cộng thêm một số loại phụ cấp khác.

 

Do vậy, thực tế tiền công trung bình người lao động khu vực trong nước được trả không thấp hơn nhiều so với mức tiền công trung bình người lao động đang làm việc trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong thời gian tới, để thu hẹp khoảng cách trên, lương tối thiểu khu vực trong nước sẽ tiếp tục được “đẩy” lên.

 

Nhưng không ít nhà đầu tư nước ngoài sẽ cho rằng, như thế là không bình đẳng, thưa ông?

 

Phải có cách để các nhà đầu tư nước ngoài hiểu được điều đó. Nếu tất cả nhà đầu tư nước ngoài đều thực hiện đúng các quy định về xây dựng thang, bảng lương để trả cho người lao động và tuân thủ đúng các quy định trong pháp luật lao động về làm thêm giờ thì Chính phủ sẽ không phải có một biện pháp tình thế là tăng lương tối thiểu khu vực đầu tư nước ngoài lên cao như vậy.

 

Nhưng xét về lâu dài, vẫn cần đi tới chính sách một lương tối thiểu thống nhất. Đó là điều không thể tránh khỏi, nếu nước ta muốn hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế quốc tế.

 

Vậy, bao giờ sẽ thực hiện chính sách một lương tối thiểu chung, thưa ông?

 

Tháng 7/2006, nước ta sẽ bắt đầu thực hiện Luật Doanh nghiệp thống nhất. Do vậy, chính sách một lương tối thiểu chung cũng sẽ phải được xây dựng. Việc thực hiện chính sách một lương tối thiểu sẽ tuỳ thuộc vào việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sớm hay muộn và áp lực của cộng đồng các nhà đầu tư. Thời điểm dự kiến là năm 2010 sẽ bắt đầu thực hiện chính sách một lương tối thiểu chung.

 

Tuy nhiên, để thực hiện điều đó, chúng tôi sẽ đưa ra một lộ trình cụ thể để các nhà đầu tư chuẩn bị. Ngoài ra, phải tiếp tục đẩy lương tối thiểu khu vực trong nước lên để “đuổi kịp” khu vực đầu tư nước ngoài.

 

Việc đẩy lương tối thiểu khu vực trong nước sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

 

Dự kiến cứ vào ngày 1/10 hàng năm sẽ thực hiện nâng lương tối thiểu khu vực trong nước. Mức tăng như thế nào còn phải tính toán cho phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng tiền công trên thị trường lao động.

 

Có thể, Chính phủ sẽ chọn một mức lương tối thiểu nào đó trong 3 mức lương tối thiểu của khu vực đầu tư nước ngoài để làm một mức lương tối thiểu chung và thực hiện chung cho tất cả loại hình doanh nghiệp vào năm 2010.

 

Theo Đầu tư