1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thử sức qua bán hàng độc lập

Có thu nhập khá cao và ổn định, nâng khả năng giao tiếp... Đó là lý do khiến nhiều sinh viên chọn công việc tư vấn, bán hàng độc lập cho một hãng mỹ phẩm.

Đã mang cái “nghiệp” vào thân

 

T.Tám (SV năm thứ 2, ĐH KHXH& NV HN) ghé vào cửa hàng đúng thời gian ra mắt của hãng mỹ phẩm Avon và đã được dùng thử sản phẩm, nghe tư vấn trang điểm, soi da… miễn phí. Tám rất hào hứng đăng ký làm tư vấn, bán hàng độc lập cho hãng. Và Tám được nhận: 1 thẻ tư vấn viên, 3 catalo, hàng thử, 1 túi, 3 sản phẩm miễn phí và dự 5 buổi học về mỹ phẩm, bí quyết bán hàng, quản lý và làm đẹp.

 

Công việc chính của tư vấn, bán hàng là độc lập tìm khách hàng, sau đó lên Cty nhận hàng về bàn giao, không hạn định thời gian hay hiệu suất, nhằm tạo sự chủ động cho người làm việc. Mặt khác, điều kiện tuyển chọn và đặc thù công việc không yêu cầu hình thức, cách ăn mặc, trang điểm khiến mọi sinh viên đều có thể tự tin khi thử sức.

 

Mức “lương” được tính theo chiết khấu từ tổng doanh thu trong tháng: dưới 150 ngàn đồng - không được nhận chiết khấu, từ 150 ngàn đồng- nhận 20%, từ 400 ngàn đồng - nhận 25% hoa hồng, trên 1,5 triệu đồng- nhận 30%. Phần trăm chiết khấu dựa vào giá niêm yết.

 

Đây không chỉ là công việc của riêng các SV nữ. H.Thành (sv năm thứ 3, ĐH KTQG HN), đại diện bán hàng độc lập của hãng mỹ phẩm Oriflame nhún vai: “Có mỹ phẩm dành cho con trai thì tại sao nam không thể trở thành tư vấn viên?”.

 

Thành cho biết: Tỷ lệ tư vấn viên mỹ phẩm nam hiện chưa nhiều nhưng không hiếm. Nam làm công việc này thường có nhiều ưu điểm. Và thực tế, hiệu quả công việc của họ đôi khi còn cao hơn nữ một bậc.

 

Đáp ứng nhu cầu, làm giàu từ năng lực

 

Doanh số bán hàng của T.Tám đạt khoảng 200- 250 ngàn đồng/tháng. Theo Tám, đây chỉ là mức trung bình, rất nhiều tư vấn viên đã bán được tiền triệu. Bí quyết của họ là: “Đáp ứng được nhu cầu của khách hàng chính là làm giàu từ năng lực”.

 

Tất cả thời gian rỗi, Tám đã đến các xóm trọ, kí túc xá, trung tâm thương mại… vừa thăm bạn bè, nhìn nhận cuộc sống, vừa để tư vấn- chia sẻ các kỹ năng thẩm mỹ mà mình học được, đồng thời tìm kiếm khách hàng tiềm năng.

 

X.Nhàn (sv năm thứ 2, ĐH Ngoại ngữ HN) sau hai tháng làm cho hãng mỹ phẩm Avon, khoe: “Tớ vừa mua tủ lạnh mini, từ tiền chiết khấu đấy”. Và tháng nào Nhàn cũng sắm được vật dụng mới “giá trị” hỗ trợ học tập, công việc và mua tặng gia đình.

 

H.Thành thì quyết tâm “thăng tiến” lên cấp nhóm trưởng. Tiêu chuẩn là doanh số đạt 5 triệu đồng/tháng. Mức chiết khấu cho cấp bậc này sẽ cao hơn, từ đó sẽ khuyến mại, tạo lập hệ thống “chân rết” hưởng phần trăm riêng từ Thành. Và Thành đã thuyết phục bố mẹ “đầu tư” nhập hàng về, ăn phần trăm chiết khấu trước, ghi “điểm doanh số thi đua” để thăng chức, rồi bán dần.

 

Thu nhập tiềm năng của một nhóm trưởng bán hàng độc lập cho Oriflame và Avon… có thể lên tới 10 triệu đồng/ tháng và thậm chí hơn nữa.

 

Kiếm tiền - không dễ

 

“Lăn tăn” nhất trước khi quyết định đăng ký là khoản lệ phí 100-150 ngàn đồng. T.Tám nói: “So với việc thông qua Trung tâm môi giới thì khoản phí này không nhiều nhưng nếu không được bố mẹ đầu tư thì SV buộc phải ki cóp hoặc vay mượn mới có được”.

 

Không chỉ khoản đầu tư ban đầu kể trên, mà hàng tháng các tư vấn viên vẫn phải bỏ ra khoản phí không nhỏ mua “phụ kiện” trước khi bán được hàng. Đó là catalo cập nhật giới thiệu sản phẩm và giá bán, son thử không được miễn phí như tháng đầu tiên.

 

H.Minh (sv năm thứ 3, HV Quan hệ Quốc tế) bán hàng độc lập của hãng Avon cho biết: “Tháng đầu mới nhập cuộc, doanh thu của nhiều người không thể vượt định mức 150 ngàn. Coi như làm không công”. Tuy nhiên, Minh nói thêm: “Giờ quen việc rồi, mình đã biết né tránh bất lợi trên”.

 

Việc tuyển dụng không yêu cầu kiến thức về mỹ phẩm, việc đào tạo ứng viên của các công ty cũng chưa thể trang bị hiểu biết sâu sắc về sản phẩm cho tư vấn viên.

 

P.Thảo (sv năm thứ nhất, ĐH Sư phạm HN), tư vấn viên của Oriflame nói: “Mình luôn nói đúng chất lượng sản phẩm, còn lựa chọn thế nào là quyết định của khách hàng. Thế nhưng, có người dùng không hợp đã gọi mình đến mắng và đòi trả hàng! Lại là người quen mới ngại chứ. Cứ như mình lừa họ không bằng”.

 

Để đạt được thành công, ngoài yếu tố năng lực, nhân viên tư vấn- bán hàng độc lập còn phải bỏ nhiều công sức và gặp không ít trắc trở. Lựa chọn cho mình công việc làm thêm như thế, vừa là nghề hấp dẫn, vừa đòi hỏi khả năng thích ứng, tính nhanh nhạy… của sinh viên.

 

Theo Mai Tuyết - Phương Anh

Tiền Phong