1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thông tư 40 về bảo hiểm y tế 'khiến' nhiều bệnh viện quá tải

Chưa đầy 2 tuần thực hiện Thông tư 40/2015TT/BYT, nhiều bệnh viện quận - huyện có thương hiệu ở TP.HCM phải chạy đôn cháy đáo tìm mọi cách “chống chọi” tình trạng bệnh nhân khám bảo hiểm y tế gia tăng ồ ạt, dẫn đến nguy cơ quá tải.


Bệnh viện quận 2, TP.HCM - một trong những nơi có đông bệnh nhân không 
đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại đây kéo đến, gây nên tình trạng quá 
tải.

Bệnh viện quận 2, TP.HCM - một trong những nơi có đông bệnh nhân không 
đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại đây kéo đến, gây nên tình trạng quá 
tải.

Đăng ký một nơi, khám bệnh một nẻo

Thông tư 40/2015TT/BYT ngày 16.11.2015 đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2016. Nét mới của thông tư này so với Thông tư 37 trước đó của Bộ Y tế là cho phép bệnh nhân mua bảo hiểm y tế được thông tuyến đến tuyến quận - huyện trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều này có nghĩa tất cả các bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu ở bất kỳ cơ sở y tế nào từ tuyến quận - huyện trở xuống trên địa bàn TP.HCM cũng sẽ được khám, điều trị ở tất cả các cơ sở y tế từ tuyến quận - huyện trở xuống.

Chính vì điều này, nhiều bệnh viện tuyến quận - huyện ở TP.HCM có thương hiệu như: Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện quận 2… đã được các bệnh nhân ở những địa phương lân cận tìm đến khám, chữa bệnh, mặc dù đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở nơi khác.

Tại buổi triển khai Thông tư 40/2015TT/BYT ngày 16.11.2015 của Bộ Y tế về quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hôm 13.1, bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện quận 2 TP.HCM cho biết, chỉ chưa đầy 2 tuần thực hiện thông tư này số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tăng đến 22%.

Theo bác sĩ Khanh, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện trước khi Thông tư 40 có hiệu lực khoảng 1.600 lượt bệnh nhân mỗi ngày, nhưng chỉ trong gần 2 tuần qua (thời điểm Thông tư 40 có hiệu lực) lượng bệnh nhân tăng vọt, trong đó số lượng bệnh nhân ngoại trú tăng đến 22%.

“Sở dĩ số lượng bệnh nhân tăng cao là do tình trạng bệnh nhân đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu một nơi nhưng khám một nẻo vẫn được hưởng đúng tuyến”, bác sĩ Khanh nói.

Bác sĩ Khanh cho hay, nếu như trước năm 2016, bệnh nhân bảo hiểm y tế đến khám tại bệnh viện nay đều là những bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại đây thì đầu năm 2016 đến nay, có đến 15-17% bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở những địa phương khác đến đây khám, điều trị.

“Người bệnh đã hiểu được việc thông tuyến đến tuyến quận - huyện nên tìm đến đây khám, chữa bệnh. Bệnh nhân tin tưởng bệnh viện chúng tôi là điều đáng mừng nhưng cũng tạo ra một sức ép lớn trong việc đáp ứng nhu cầu tốt nhất để làm hài lòng người bệnh”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

Trước tình hình trên, nhiều bệnh viện như: Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện quận 2… đã phải đưa phương án tăng số bàn khám, mở rộng giường bệnh, tăng bác sĩ... Thậm chí, Bệnh viện quận 2 còn phải tính phương án kết hợp với bệnh viện tư để đưa những bệnh nhân có điều kiện qua nơi này khám, chữa bệnh.

Bác sĩ Khanh cho biết, trong năm nay bệnh viện sẽ tăng thêm 12 bác sĩ cùng nhiều nhân viên điều dưỡng, kỹ thuật viên. Bên cạnh đó, bệnh viện đã ký kết với Đại học Y Dược TP.HCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch để tăng cường lực lượng y bác sĩ khi cần thiết.

“Trước mắt bệnh viện tăng cường thêm 8 bàn khám chuyên khoa, cơi nới thêm khoảng 70 giường bệnh để nâng tổng số giường bệnh lên 470 giường nhằm đảm bảo bệnh nhân đến khám không phải chờ đợi. Nếu không có gì thay đổi, đến quý 1/2017, bệnh viện sẽ đưa vào sử dụng tòa nhà khoa nhiễm với 110 giường. Trong trường hợp nếu không giải quyết hết lượng bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh viện cũng đã ký kết hớp tác với Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang để có thể đưa những bệnh nhân có điều kiện đến đây điều trị”, bác sĩ Khanh nói.

Đề phòng bệnh nhân trục lợi bảo hiểm y tế

Bà Lưu Thị Thanh Huyền - Phó giám đốc bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, trước đây, những bệnh nhân đã đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu ở đâu chỉ được khám ở đó, còn nếu đi nơi khác sẽ bị trái tuyến thì nay thông tuyến đến tuyến quận - huyện, những bệnh nhân này đương nhiên được xem là đúng tuyến.

Chính điều này đã tạo ra một áp lực cho các bệnh viện quận - huyện có thương hiệu vì sẽ bị quá tải. Tuy nhiên, đây cũng là một tín hiệu tốt để cho các bệnh viện tự nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm thu hút bệnh nhân đến với mình.

Tuy nhiên, bà Huyền tỏ ra lo ngại cho các cơ sở khám chữa bệnh chưa được bệnh nhân tin tưởng sẽ không có bệnh nhân đăng ký mua bảo hiểm y tế hoặc không có người đến khám chữa bệnh, nhất là các trạm y tế phường - xã.

“Hiện Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với 138 trạm y tế phường - xã, trong trường hợp không có bệnh nhân nào đăng ký khám chữa bệnh tại đây, bảo hiểm xã hội sẽ xem xét lại hợp đồng trên. Hợp đồng mà không có bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thì hợp đồng làm gì. Chúng ta không có quyền ép bệnh nhân phải đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở đâu, đăng ký ở đâu, đó là quyền của bệnh nhân”, bà Huyền nói.

Với Thông tư 40 này, Bảo hiểm xã hội TP.HCM cũng tỏ ra lo ngại về việc trục lợi bảo hiểm y tế của một số bệnh nhân. Đó là tình trạng một bệnh nhân cùng lúc khám, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế để được cấp, phát thuốc bảo hiểm y tế.

Để ngăn ngừa tình trạng này bà Huyền cho biết, hiện Bảo hiểm xã hội TP đã triển khai phần mềm thông tuyến. “Nếu bệnh nhân khám chữa bệnh không đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, khi bệnh nhân vào phần mềm này tại bệnh viện mà bệnh nhân đến khám lập tức phần mềm sẽ được kết nối với bảo hiểm xã hội TP.HCM

Do đó, nếu bệnh nhân này tiếp tục đến khám chữa bệnh tại một cơ sở khác khi nhập tên vào phần mềm, lập tức cũng sẽ kết nối với bảo hiểm xã hội TP.HCM và sẽ được thông báo bệnh nhân này mới khám tại một cơ sở y tế khác sẽ không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế nữa”, bà Huyền cho biết.

Theo Báo Một thế giới