1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thanh Hóa: Trường nghề èo uột học viên, dựa vào "dạy lái xe" để... "sống"

Nhiều ngành nghề ở các trường, trung tâm dạy nghề đang thiếu học viên trầm trọng. Có ngành từ khi thành lập đến nay không có một hồ sơ đăng ký. Đó là thực trạng chung của các trường dạy nghề trên địa bàn Thanh Hóa.

Lấy nghề phụ làm chính

Theo ghi nhận của PV, tại một số các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: Trường Trung cấp nghề GTVT Thanh Hóa; trường Trung cấp nghề huyện Quảng Xương; Trung cấp nghề Kỹ Nghệ; Trung cấp Phát thanh – truyền hình; TT dạy nghề Mường Lát, Hoằng Hóa... đều có thực trạng chung là thiếu học viên.

Được đánh giá là một trong những trường đứng tốp đầu các cơ sở dạy nghề trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, ông Phan Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Giao thông Vận tải Thanh Hóa đã chia sẻ với chúng tôi, thực trạng các ngành nghề của trường đang rất khốn đốn. Để trường nghề tồn tại được đến ngày hôm nay, trường của ông phải nhờ đến nghề “phụ” đó là nghề dạy lái xe.

Ông Hải chia sẻ với phóng viên.
Ông Hải chia sẻ với phóng viên.

Ông Hải cho biết: “Sau khi chuyển đổi từ Trung tâm đào tạo lái xe Thanh Hóa thành Trường Trung cấp nghề GTVT Thanh Hóa thì đơn vị làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu”.

Với 5 ngành nghề được cấp phép đào tạo gồm: Công nghệ ô tô; kỹ thuật máy nông nghiệp; vận hành xe nâng hàng; vận hành máy thi công nền và xây dựng cầu đường bộ.

Được biết, trước năm 2002, có thời điểm mỗi ngành nghề thu hút 400 - 500 học sinh, nhưng đến nay chỉ còn nghề vận hành máy thi công nền đang vớt vát được ít học sinh.

Điều đáng nói là số học sinh được “duy trì” giảm một cách “không phanh” từ 150 em (năm 2013) xuống còn 70 em (năm 2014). Tính đến thời điểm tháng 9/2015 trường chỉ đào tạo được 20 trung cấp (máy thi công nền) và 60 sơ cấp (thi công nền, vận hành xe nâng hàng). Riêng ngành xây dựng cầu đường bộ, từ khi mở ra đến nay chưa tuyển được một học viên nào.

Ngành nghề công nghệ ô tô học viên chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ngành nghề công nghệ ô tô học viên chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo tính toán của ông Hải, để cấp một giấy chứng nhận hệ sơ cấp nghề (6 tháng) lái máy xúc, máy ủi cho một học sinh nhà trường chỉ được phép thu của các em 204.000đ/tháng, 6 tháng là 1,2 triệu đồng. Tuy nhiên, hạch toán chi phí đào tạo hết khoảng 4 triệu đồng/em/khóa.

Học viên trung cấp thi công nền chi phí khoảng 6,1 triệu đồng/khóa. Song chi phí cho một giờ vận hành máy chỉ tính riêng tiền dầu đã lên tới 7lit/h. Như vậy nhà trường thu không đủ chi tiền dầu chứ chưa kể tiền thuê giáo viên và duy trì trang thiết bị máy móc.

Cũng theo ông Hải, đến thời điểm này toàn trường có 1.000 học sinh nhưng chỉ còn khoảng 20 – 30 em học nghề, còn lại là học sinh tham gia các khóa sát hạch lái xe.

Nguyên nhân thiếu học viên

Theo ông Hải, hầu hết các trường dạy nghề trên địa bàn toàn tỉnh đều chịu chung số phận là tuyển sinh èo uột.

Nguyên nhân dẫn đến cảnh “sống dở chết dở” của các trường dạy nghề, trước hết là việc có quá nhiều cơ sở dạy nghề ở địa phương. Trong khi đó, cấp huyện chỉ dạy đến hệ sơ cấp nên tâm lý phụ huynh, học sinh đều không muốn theo học.

Nghề lái xe vẫn là “hot” nhất của trường.
Nghề lái xe vẫn là “hot” nhất của trường.

Tiếp đến là thực trạng thành lập tràn lan trường dạy nghề. Chỉ một tỉnh đã có đến gần 50 trường, trung tâm chuyên dạy nghề. Theo đó là việc định hướng nghề của ngành giáo dục, chính quyền địa phương và phụ huynh cho các em học sinh đang còn hạn chế.

Với tâm lý muốn làm thầy không muốn làm thợ nên hầu hết học sinh học xong THPT lại đổ dồn vào các trường ĐH, CĐ, Trung cấp chuyên nghiệp. Ông Hải dẫn chứng: “Như trường tôi nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp rất lớn, hàng năm họ vẫn đến tuyển dụng thợ thi công nền, nhưng khổ nỗi trường lại không có học viên”.

“Dù thực hiện đủ các kiểu chiêu sinh như tung giáo viên đến tận trường THPT vận động học sinh học nghề, đưa ra chính sách thu hút bằng chế độ, học bổng nhưng hầu hết cơ sở dạy nghề trên địa bàn Thanh Hóa đang hoạt động kiểu dặt dẹo”, ông Hải cho biết.

Theo Phapluat.vn