1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thanh Hóa: Cần hơn 6.000 lao động cho các khu kinh tế và công nghiệp

(Dân trí) - Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, sau kỳ nghỉ Tết Đinh Dậu năm 2017, cơ bản công nhân tại các khu công nghiệp đã đi làm trở lại. Nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp năm 2017 dự kiến hơn 6.000 lao động.

Công nhân đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết Đinh Dậu
Công nhân đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết Đinh Dậu

Tính đến ngày 7-8/2, tỷ lệ người lao động trong Khu kinh tế Nghi Sơn (KKT), Khu công nghiệp (KCN) Lễ Môn, KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga, KCN Hoàng Long, KCN Bỉm Sơn... trở lại làm việc đạt mức độ cao và ổn định với 98% trong tổng số gần 240.000 công nhân.

Hầu như không có tình trạng “nhảy việc”, bỏ việc sau Tết, có một số DN, người lao động đi làm trở lại đạt 100%. Đặc biệt, ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài, tình hình lao động ổn định hơn so với các DN có vốn đầu tư trong nước.

Báo cáo của Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa cho thấy, tuy còn khó khăn nhưng hầu hết các DN vẫn quan tâm và tập trung chăm lo đời sống cho người lao động, mức lương cơ bản tại các DN trong KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa được nâng lên, cùng với mức lương tối thiểu vùng cũng đã được điều chỉnh áp dụng theo quy định tại Nghị định 153/NĐ-CP ngày 14/11/2016 của Chính phủ.

Mức thưởng Tết của các DN trong KKT Nghi Sơn và các KCN đạt trung bình khoảng 2,7 triệu đồng/người. Vì vậy các DN vẫn thu hút được người lao động quay trở lại làm việc sau Tết. Trong thời gian trước, trong và sau Tết Đinh Dậu năm 2017, tình hình an ninh trật tự trong KKT Nghi Sơn và các KCN được đảm bảo. Đến thời điểm hiện tại, đa số các DN đã đi vào ổn định sản xuất.

Ông Ngô Văn Tuấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đi thăm hỏi tình hình đời sống người lao động nhân dịp đầu năm mới
Ông Ngô Văn Tuấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đi thăm hỏi tình hình đời sống người lao động nhân dịp đầu năm mới

Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có gần 9.000 DN đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút gần 240.000 công nhân lao động. Trong số đó, có 36 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với số công nhân lên đến gần 90.000 người.

Thay vì vào các tỉnh phía nam để tìm việc như nhiều bạn trẻ khác, chị Lê Thị Xuyến quê ở huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã chọn vào làm việc cho công ty giày da đóng tại KCN Lễ Môn, thành phố Thanh Hóa. Theo chị Xuyến, thu nhập hàng tháng khoảng hơn 4 triệu đồng, so với làm ruộng thì thu nhập cao hơn nhiều, cuộc sống đỡ vất vả hơn trước. Trong khi đó, làm việc ở quê nên tiền thuê phòng cũng như một số chi phí khác cũng đỡ hơn nhiều nên có đồng ra, đồng vào.

Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (KCN Lễ Môn, thành phố Thanh Hóa) hiện có hơn 9.000 lao động, thu nhập bình quân 5,6 triệu đồng/người/tháng. Đây là DN người lao động có mức thu nhập cao nhất trong các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay.

Công nhân công ty TNHH Sakurai Việt Nam trở lại làm việc 100% sau kỳ nghỉ Tết
Công nhân công ty TNHH Sakurai Việt Nam trở lại làm việc 100% sau kỳ nghỉ Tết

Ông Lê Văn Giang - Trưởng Ban chính sách pháp luật, Liên đoàn lao động Thanh Hóa cho biết, dịp đầu năm nay, tình hình lao động trong các DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tương đối ổn định, không có nhiều biến động như những năm trước. Qua đó cho thấy tổ chức công đoàn và lãnh đạo các DN đã có những chính sách, chế độ hợp lý để “giữ chân” người lao động...Điều đó cũng cho thấy người lao động đang dần có tác phong làm việc công nghiệp hơn, ý thức được càng gắn bó với DN.

Cũng theo thông tin từ KKT Nghi Sơn và các KCN, nhu cầu tuyển dụng lao động tại các DN trong KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa năm 2017 dự kiến là 6.200 lao động.

Duy Tuyên

Tin liên quan:

Năm 2017, ngành LĐ-TB&XH xác định tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động

Trao đổi với báo giới nhân dịp năm mới, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho biết, năm 2017, Bộ đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 1,6 triệu lao động, trong đó tạo việc làm trong nước 1,495 triệu người. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng mà ngành LĐ-TB&XH đề ra trong năm 2017.

Thanh Hóa: Cần hơn 6.000 lao động cho các khu kinh tế và công nghiệp - 4

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho biết, để đạt được các chỉ tiêu trên, trong năm 2017 Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng lượng hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm, thực hiện tự do dịch chuyển lao động, hỗ trợ đối tượng nhận trợ cấp thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển dụng và sử dụng lao động của doanh nghiệp và cơ hội tiếp cận thị trường của người lao động…Bên cạnh đó, Bộ sẽ thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp tạo việc làm cho người lao động, chú trọng nâng cao chất lượng việc làm theo hướng bền vững; trong đó, tập trung vào các đối tượng thanh niên, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số. Đồng thời, Bộ sẽ ưu tiên việc theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin cung - cầu lao động, đặc biệt là số liệu về lao động mất việc làm, thiếu việc làm, nhu cầu tuyển và sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước.

N.L

Hà Nội: Hơn 900 chỉ tiêu tại Phiên giao dịch việc làm đầu xuân

Sáng 7/2, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2017, Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội khai trương Phiên giao dịch việc làm đầu xuân 2017 với sự tham gia của 38 doanh nghiệp và 912 chỉ tiêu tuyển dụng.

Thanh Hóa: Cần hơn 6.000 lao động cho các khu kinh tế và công nghiệp - 5

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), trong số các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng tại phiên giao dịch có 15 doanh nghiệp thuộc loại hình công ty cổ phần, 16 công ty trách nhiệm hữu hạn và 7 công ty tư nhân. Về lĩnh vực, có 28/38 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ và chiếm tỷ lệ cao nhất với 73,68%, còn lại thuộc các lĩnh vực như: sản xuất, nhà hàng - khách sạn, viễn thông…Các doanh nghiệp đem tới hơn 912 chỉ tiêu tuyển dụng, trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động nam cao hơn lao động nữ là 78 chỉ tiêu, tương đương 8,56%. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp - công nhân kỹ thuật chiếm tỷ lệ cao nhất với 337/912 lao động; lao động có trình độ cao đẳng - đại học là 316/912 lao động…Các chỉ tiêu tuyển dụng tại Phiên giao dịch đa dạng và mức thu nhập tương xứng. Đây cũng là cơ hội để người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động.

V.K