1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tăng lương tối thiểu vùng năm 2016: Hiệp hội dệt may đề xuất mức 6 %

(Dân trí) - Thông tin về tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 càng "nóng" hơn khi chiều 3/7 tại Hà Nội, Hiệp hội dệt may VN đưa ra mức đề xuất tăng 6 %. Con số này thấp hơn mức đề xuất 10 % của VCCI và 15-16 % của Tổng LĐLĐ VN đưa ra trước đó.

 

Ngành dệt may VN đang sử dụng gần 3 triệu lao động.
Ngành dệt may VN đang sử dụng gần 3 triệu lao động.

Trước ngày Hội đồng tiền lương QG họp tại Hà Nội để thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, ông Trương Văn Cẩm -  Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may VN - cho rằng: “Năm 2016, mức tăng lương tối thiểu vùng không nên quá 6%, trong đó 3% CPI, 1% năng suất và 2% tăng”.

Để đảm bảo lộ trình năm 2018, mức lương tối thiểu đáp ứng mức sống thiểu. Hiệp hội dệt may VN đề xuất: Từ 2017- 2018 mỗi năm tăng thêm 7% lương tối thiểu vùng, trong đó vùng 1 tăng 250.000 đồng, các vùng còn lại tăng 200.000 đồng.

Thừa nhận việc chi phí, trong đó có BHXH tăng nhanh có thể là một  “cú sốc” đối với doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - cho biết: “Vì đứng trước tình trạng này nhiều doanh nghiệp có thể sẽ giảm phần lương mềm (ăn ca, thưởng các loại, tiền tham quan, nghỉ mát, hỗ trợ nhà trọ, nhà trẻ…) để bù lại phần lương cứng hoặc các khoản trích nộp tăng. Một số doanh nghiệp có thể tăng thời gian làm thêm giờ để giảm các khoản phải trích nộp trên một đơn vị sản phẩm”.

Lý giải vấn đề này, ông Trương Văn Cẩm cho rằng, gia đình ở đây theo cách tính bình quân có 4 người, 1 người lao động đi làm nuôi thêm 1 đứa trẻ. Cách tính của VN đang xem xét: 1 người lao động nuôi 0,7 người (1 người lớn = 0,7 trẻ em).

“Một số tài liệu nước ngoài và những tổ chức nghiên cứu nhu cầu sống tối thiểu của người lao động không tính bằng 0,7 mà chỉ bằng 0,5. Nếu tính theo hệ số 0,7 thì lương tối thiểu vùng mới chỉ bằng 80% mức sống tối thiểu, còn tính theo chúng tôi (0,5) sẽ bằng 98%. Như vậy lương tối thiểu so với nhu cầu hiện nay chính thời điểm 2015 đã bằng 94,5%. Để đạt được đến năm 2018 thì mỗi năm chỉ cần tăng 2% thôi” – ông Trương Văn Cẩm nói.

Bên cạnh đó, Hiệp hội dệt may VN cũng cho rằng căn cứ năng suất lao động xã hội tăng lên kéo theo mức lương thấp nhất của người lao động tăng.

Ngành dệt may đang sử dụng gần 3 triệu lao động. Năm 2014, kim ngạch đạt 24,60% tỉ đô la, gấp 4,5 lần so với năm 2006. Năm 2015, ngành dự kiến xuất khẩu 27,5 tỉ USD. Nguồn: Hiệp hội dệt may VN.

Đại diện Hiệp hội dệt may VN đề nghị, Nhà nước nghiên cứu xem xét hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là tỉ lệ đóng BHXH.

Ông Trương Văn Cẩm phân tích: “Lương tối thiểu đã tăng, đó là cái nền đóng BHXH. Tỉ lệ đóng BHXH của VN ở mức cao nhất khu vực. Trong đó, doanh nghiệp phải trích nộp 24 %. Người lao động phải đóng 10,5% và 1 % nếu là đoàn viên công đoàn. Như vậy cộng lại là 34,5%. Nhìn qua các khu vực như Indonesia 13%, Philippin 10%, Thái Lan 5%”.

“Sức chịu được của doanh nghiệp đang quá sức, đề nghị Nhà nước nghiên cứu tính toán lại” - đại diện Hiệp hội dệt may VN cho biết.

Theo Hiệp Hội dệt may VN, cả nước hiện có khoảng 483.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó 96% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong đó 70% làm ăn không có lãi. “Từ con số đó chúng ta thấy doanh nghiệp làm ăn không có lãi thì lấy đâu ra nguồn để nâng cao đời sống cho người lao động, đầu tư tích luỹ” - ông Trương Văn Cẩm nói.

“Tại sao rất nhiều báo chí hỏi chúng tôi, doanh nghiệp trong nước cứ dần thu hẹp lại còn doanh nghiệp nước ngoài cứ vào đầu tư lớn. Với đơn vị thế này thì doanh nghiệp VN làm sao cạnh tranh được với DN nước ngoài khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những lợi thế của doanh nghiệp nước ngoài là vốn, công nghệ, quản lý. Còn chúng ta đang lo để làm sao tồn tại cũng đã là khó, nói gì đến tích luỹ” - ông Trương Văn Cẩm nói.

* VCCI đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2016 ở mức 10 %. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mai và Công nghiệp VN (VCCI), giải thích mức tăng này sẽ đáp ứng được 3 yêu cầu chính: “Đó là bù được sự mất giá của đồng tiền hiện nay, phù hợp với nhịp độ tăng năng suất lao động và có một tỉ lệ phần trăm nhất định để rút ngắn mức sống hiện tại của người lao động và mức sống tối thiểu theo Nghị quyết của Đảng đề ra”.

* Tổng LĐLĐ VN đề xuất tăng từ 15-16 %. Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN - cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng dựa vào quy định của Điều 91 của Bộ luật Lao động. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động. Việc tăng thêm lương tối thiểu ở mức hợp lý để thực hiện lộ trình mức lương tối thiểu bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ vào năm 2017.

Đồng thời, Tổng LĐLĐ VN  căn cứ vào Luật BHXH 2014 (Điều 89). Theo đó, từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Hoàng Mạnh