Tăng lương tối thiểu vùng 2016: Doanh nghiệp dệt may sẽ vào “đường khó”

Việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 theo như đề xuất của Tổng Liên đoàn lao động VN (TLĐLĐ VN) đang được cho là gây sức ép rất lớn tới cộng đồng DNVN.

Nếu tăng lương theo mức đề xuất của TLĐLĐ VN sẽ quá sức chịu đựng của DN
Nếu tăng lương theo mức đề xuất của TLĐLĐ VN sẽ quá sức chịu đựng của DN

Với các DN dệt may, họ cũng như đang “ngồi trên đống lửa” bởi trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc tăng 16,8% sẽ khiến DN kiệt sức, ảnh hưởng lớn đến chi phí cũng như giảm năng lực cạnh tranh của DN.

Được TLĐLĐ VN và Bộ LĐTBXH bình chọn và trao danh hiệu “DN vì người lao động”, nhưng khi TLĐLĐ VN đề xuất mức tăng lương lên tới 16,8%, ông Nguyễn Xuân Dương Chủ tịch Cty may Hưng Yên đã không ủng hộ.

Chưa kịp vui đã thất nghiệp

Theo ông Dương, hiện tại Tổng Cty may Hưng Yên có khoảng 14 DN thành viên, trong đó chỉ có 5 DN là đang có lợi nhuận, còn lại 9 DN thành lập khoảng từ 6 năm trở lại đây hiện vẫn chưa có lãi. Các DN lớn trong hệ thống đang phải bù chi cho các DN nhỏ hơn.

Cho nên, nếu trường hợp tăng lương như đề xuất của TLĐLĐ VN, DN này sẽ hết lãi. Mặc dù năm vừa qua thu nhập bình quân của người lao động của DN này vào khoảng 6,5 triệu đồng/người, cao gấp đôi lương tối thiểu. Nếu càng tăng lương tối thiểu thì thu nhập của người lao động càng giảm vì trong tổng số 32,5% các loại phí bảo hiểm thì người lao động phải gánh 10,5%.

“Việc tăng lương tối thiểu vùng như đề xuất của TLĐLĐ VN sẽ là một “thảm họa” của DN. Với ngành dệt may, nếu doanh thu gia công được 1 USD, DN dành ra 60% để chi lương, 12% chi cho tiền ăn ca và bảo hiểm cho người lao động. Riêng hai khoản này đã chiếm tới 72%, nếu tăng lương lên 16,8% thì chắc chắn DN không chịu nổi, phá sản, người lao động chưa kịp vui vì lương tăng thì đã thất nghiệp” – ông Dương nói.

Còn theo tính toán của Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổng giám đốc Cty may 10, năm 2016 với mức tăng thêm khoảng 16,8%, không chỉ khiến DN “oằn mình” tăng chi phí, mà ngay cả các chi phí bảo hiểm xã hội của may 10 với 7.200 công nhân phải bỏ ra cũng tương đối lớn, xấp xỉ 10 tỉ đồng, người lao động phải đóng thêm 4,5 tỷ đồng nữa.

Trong khi từ đầu năm tới nay, DN dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn từ tác động của việc Euro mất giá so với đồng USD, NDT giảm giá…

“Đồng USD mất giá, đơn hàng XK giảm, cùng lúc nhiều khách hàng đòi giảm từ 10-15% giá FOB. Như vậy một bên là chi phí sản xuất tăng 16%, một bên là khách hàng đòi giảm giá đã đưa DN vào thế khó khăn kép… Nên nhớ, DN còn thì người lao động có cơ hội việc làm, DN không tồn tại thì chẳng có gì để mà tăng…” – bà Huyền nói.

Nhìn ở góc độ rộng hơn, Bà Đặng Phương Dung – Phó Chủ tịch Vitas tỏ ra lo lắng, nếu như trước đây, DN dệt may VN đóng góp tới 80% kim ngạch XK, thì nay chỉ còn chiếm 30%, còn lại tới 70% kim ngạch đang do các DN FDI nắm giữ.

Như vậy, thuận lợi cho dệt may mà ta vất vả đàm phán để ký TPP hay các FTA, thậm chí phải hy sinh một số lợi ích khác để giành được ưu thế cho dệt may phát triển, thì những ưu thế này sẽ được tận dụng phần lớn bởi các DN FDI.

Nâng lương tối thiểu liên tục và ở mức cao, gắn với các khoản trích nộp theo lương cao sẽ làm giảm lợi nhuận của DN và giảm nguồn thu trực tiếp từ thuế thu nhập DN.

"Nâng lương tối thiểu liên tục và ở mức cao, gắn với các khoản trích nộp theo lương cao sẽ làm giảm lợi nhuận của DN và giảm nguồn thu trực tiếp từ thuế thu nhập DN"

Dù ủng hộ chủ trương tăng lương, nhưng ông Lê Nho Thướng, Phó chủ tịch Công đoàn dệt may VN cũng thừa nhận, nếu tăng lương tối thiểu ở mức 16,8% thì các DN dệt may ở vùng 1 và vùng 2 chắc chắn sẽ… chết. “Như vậy, chỉ DN ở vùng 3 và 4 mới sống được, nhưng năng suất lao động vùng này thấp. Vì vậy mức tăng cần phải hài hòa” – ông Thướng nói.

Quá sức chịu đựng của DN

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết, nếu tăng lương theo mức đề xuất của TLĐLĐ VN sẽ quá sức chịu đựng của DN. Khảo sát của VCCI cho thấy đa phần DN hiện đều đang trong tình trạng khó khăn.

Vì vậy, DN đang phải cơ cấu lại quá trình sản xuất, trong đó có việc giảm số lao động. Như vậy, vô hình chung đang đẩy một bộ phận đang có việc làm trở thành không có việc làm.

Ông Phòng cho biết, VCCI đã trao đổi với các Hiệp hội DN trong và ngoài nước ở nhiều ngành nghề khác nhau, phần lớn đều cho rằng chỉ nên tăng từ 5-7%. Hiệp hội DN Nhật Bản tại VN, cộng đồng DN được xem là có năng lực cạnh tranh cao nhất tại VN cũng chỉ đề xuất không quá 10%, còn nếu tăng trên 10% các DN sẽ không thể chịu đựng được.

“Chúng tôi cho rằng mức tăng 10% cũng đã là quá sức với DN. Tuy nhiên, để DNVN phấn đấu hơn, chúng tôi động viên họ cơ cấu sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao tay nghề cho công nhân… để có được sức cạnh tranh cao hơn, đáp ứng được năng lực chi trả với mức dưới 10%” – ông Phòng nói.

Giảm nguồn thu trực tiếp từ thuế thu nhập DN

Cùng quan điểm, ông Trương Văn Cẩm – Tổng thư ký Vitas cho biết, không phải ngẫu nhiên mà hầu như tất cả các DN lớn và mạnh của ngành dệt may như: Việt Tiến, Nhà Bè, Phong Phú, Việt Thắng, Đồng Nai, May 10, May Sông Hồng, May Hưng Yên… đều lên tiếng phản đối tăng lương tối thiểu ở mức cao, chỉ đề xuất tăng 6-7%. Ông phân tích, nâng lương tối thiểu liên tục và ở mức cao, gắn với các khoản trích nộp theo lương cao sẽ làm giảm lợi nhuận của DN và giảm nguồn thu trực tiếp từ thuế thu nhập DN.

Tác động gián tiếp là các DN trong nước không có khả năng đầu tư mở rộng sản xuất tạo việc làm, tuyển dụng lao động để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài với ưu thế về vốn, công nghệ, quản lý… sẽ dần lấn át các DN trong nước và tận dụng những lợi thế mà các FTA mang lại. DN trong nước chắc chắn sẽ thua ngay trên sân nhà.

Theo số liệu của ngành thuế, hiện nay cả nước có khoảng 483.000 DN đang hoạt động, trong đó hơn 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ và gần 70% DN kinh doanh không có lãi. Đây là số liệu đáng báo động để Nhà nước cân nhắc khi điều chỉnh tăng lương tối thiểu.

Nếu nhìn ra một số nước trong khu vực, nhiều bài học về tăng lương với tốc độ để rồi sau đó có rất nhiều hệ lụy với nền kinh tế. Điển hình như Trung Quốc, việc nước này gần đây phải hạ giá đồng NDT cũng là một trong những hệ lụy của kinh tế suy giảm, thị trường không còn năng lực cạnh tranh, một trong những nguyên nhân là do quốc gia này tăng lương liên tục trong một thời gian dài.

Mặt khác, ngành dệt may đang có chủ trương “tiến công” về khu vực nông thôn, tạo công ăn việc làm cho người lao động ở khu vực này, nhưng với việc tăng lương theo đề xuất của TLĐLĐ VN, dường như đã chặn đứng cơ hội việc làm cho hàng chục ngàn lao động ở khắp các vùng nông thôn.

Đành rằng, việc tăng lương tối thiểu, nâng cao đời sống người lao động là điều cần thiết, tuy nhiên, cần có sự cân nhắc kỹ trước khi quyết định mức lương tối thiểu vùng để tránh những hệ lụy cho nền kinh tế và cơ hội cho cả DN, người lao động.

Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp