1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tăng giá BHYT vào năm 2019: Chọn mức 0,3 hay 0,5 % là hợp lý?

(Dân trí) - Ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN) - cho rằng, việc tăng giá BHYT vào năm 2019 cần tính tới khả năng cân đối của doanh nghiệp và ngân sách nhà nước. Được biết, ngân sách Nhà nước đang hỗ trợ mua thẻ BHYT cho hơn 48 triệu người.

Tăng giá BHYT vào năm 2019: Chọn mức 0,3 hay 0,5 % là hợp lý? - 1

Theo ông Lê Văn Phúc, Luật BHYT có quy định: Nếu Quỹ BHYT có nguy cơ mất cân đối vì những lý do khách quan, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ tham mưu Chính phủ cho phép tăng mức đóng BHYT. Mức tăng tối đa là 6% lương cơ sở.

Ông Lê Văn Phúc nhận định: Mức đóng BHYT hàng tháng là 4,5% lương cơ sở. Theo quy định, “dư địa” để tăng tối đa mức đóng BHYT là 1,5%.

Hai phương án đang được Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh theo hướng tăng mức đóng từ 0,3 - 0,5% lương cơ sở/năm.

Phương án 1, việc tăng giá bắt đầu từ năm 2019 là 4,5 % (hiện nay) + 0,3 % mức lương cơ sở. Tiếp sau, năm 2020 mức đóng sau khi được tăng sẽ là 5,1%; năm 2022 là 5,4%; năm 2023 là 5,7% và 2024 là 6%.

Phương án 2, tăng thêm 0,5%/năm. Từ đó dự kiến mức đóng BHYT năm 2019 là 5% lương; năm 2020 là 5,5% và tới năm 2021 là 6%.

Tăng giá BHYT vào năm 2019: Chọn mức 0,3 hay 0,5 % là hợp lý? - 2

Ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN) (ảnh: Hà Phương).

Dự báo của Ban thực hiện chính sách BHYT, các phương án đề xuất tăng dựa trên những cơ sở nhất định. Quỹ BHYT hiện còn 1 phần chi dự phòng để bù đắp cho phần bội chi của năm 2017 và 2018. Nhưng tới năm 2019, các cơ quan chức năng phải tính toán để điều chỉnh mức đóng BHYT nhằm cân đối quỹ BHYT.

“Trong khi đó, ngân sách nhà nước đang khó khăn. Việc tăng giá thẻ BHYT đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước sẽ phải chi thêm một khoản tài chính lớn để hỗ trợ cho nhiều nhóm đối tượng như trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, cận nghèo, nhóm đối tượng được bảo trợ, người có công với cách mạng…” - ông Lê Văn Phúc nói.

Theo BHXH VN, ngân sách Nhà nước đang hỗ trợ hơn 48 triệu người tham gia BHYT, với các mức khác nhau: Mức hỗ trợ 100 % kinh phí cho khoảng 34,9 triệu người; hỗ trợ mức 70 % là 2,5 triệu người; hỗ trợ mức 30 % là 11 triệu người.

Ông Lê Văn Phúc băn khoăn: “Việc tăng là đương nhiên, nhưng mức tăng thêm 0,3 hay 0,5 % phải tính toán phù hợp trên cơ sở ngân sách Nhà nước, chi phí doanh nghiệp...”.

Đại diện Ban thực hiện chính sách BHYT cũng lo ngại, việc tăng mức đóng còn ảnh hưởng tới chi phí của doanh nghiệp.

Bởi nhiều ý kiến đang cho rằng, VN có mức đóng BHYT thuộc nhóm cao trong khu vực. Trong khi đó, doanh nghiệp đang phải chi nhiều khoản phục vụ hoạt động.

“Mới đây, Chính phủ đã tính toán giảm 0,5 % mức đóng của doanh nghiệp vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn và bệnh nghề nghiệp. Do đó, việc tăng mức đóng BHYT cần tính toán tới lộ trình hợp lý” - ông Lê Văn Phúc nói.

Theo ông Lê Văn Phúc: “Nếu không tăng ngay tối đa 6 % mức đóng theo như Luật BHYT, chúng ta chỉ còn một giải pháp duy nhất là tiết kiệm chi tiêu, tăng cường giám sát để đẩy mạnh hiệu quả của Quỹ BHYT”.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Hà Nội: Nợ BHXH hơn 3.700 tỉ đồng, cao nhất cả nước

Theo ông Nguyễn Đức Hoà, Phó Giám đốc phụ trách BHXH Hà Nội, số nợ nợ BHXH tính đến tháng 5/2017 là 3.760 tỉ đồng, chiếm 11 % so với số phải thu. BHXH Hà Nội cũng chuyển 144 hồ sơ doanh nghiệp nợ BHXH sang LĐLĐ Hà Nội để làm thủ tục khởi kiện.

Thống kê của BHXH Hà Nội, thành phố có gần 56.000 đơn vị đang tham gia BHXH, BHYT, trong đó có hơn 48.000 đơn vị là doanh nghiệp với hơn 1,4 triệu lao động. Phân tích về số nợ BHXH hơn 3.760 tỉ đồng, ông Nguyễn Đức Hoà cho rằng do thành phố có nhiều công ty xây dựng, cầu đường đang gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh. Trong khi đó, các đơn vị này đều có đang sử dụng nhiều người lao động làm việc. Cũng theo ông Nguyễn Đức Hoà, cơ quan này vừa công khai danh sách 500 đơn vị nợ BHXH trên cổng giao điện tử BHXH Hà Nội. Trong đó, nhiều doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT trên 24 tháng với số tiền hàng chục tỉ đồng. Được biết, BHXH Hà Nội đang thực hiện nhiều biện pháp thu hồi nợ đọng được triển khai rất quyết liệt nhằm giảm tỉ lệ nợ BHXH, phối hợp cùng cơ quan công an kiểm tra việc đóng BHXH tại các doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH.

H.M

Đi làm 6 năm, có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp?

Ông Ngô Văn Tùng ở huyện Đan Phượng, Hà Nội hỏi: Tôi làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân được 6 năm, nay tôi muốn nghỉ việc do sức khỏe yếu. Vậy tôi có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không vì tôi không biết doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho tôi không?

Trả lời:

- Theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm thì người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

+ Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;

+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

- Theo quy định tại Khoản 4 Điều 29 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp nêu trên thì người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp; yêu cầu trung tâm dịch vụ việc làm, tổ chức bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.

- Theo quy định tại Khoản 13 Điều 36 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc tham gia, đóng bảo hiểm thất nghiệp khi ngư­ời lao động yêu cầu.

Như vậy, ông Tùng có thể yêu cầu phía doanh nghiệp hoặc tổ chức bảo hiểm xã hội cung cấp các thông tin về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình. Nếu đáp ứng đủ điều kiện, ông sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo các quy định nêu trên.

N.T

Hết tuổi lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Ông Bùi Đức Minh ở TP Lạng Sơn hỏi: Tôi nghỉ việc do hết tuổi lao động nhưng không đủ thời gian để hưởng chế độ hưu trí, vậy tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không? Cách tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm thì người lao động quy định tại khoản1Điều 43 của Luật việc làm đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này;đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theoquy định;

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng,cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 50 Luật việc làm thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Như vậy, ông Minh sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo các quy định nêu trên.

B.H