1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

An toàn lao động và phòng chống cháy nổ:

Tai nạn lao động làm chết 862 người, thiệt hại gần 180 tỉ đồng

(Dân trí) - “Báo cáo sơ bộ của các địa phương, tai nạn lao động làm chết 862 người, thiệt hại về vật chất là 178 tỉ đồng. Đồng thời, tai nạn lao động cũng làm thời gian nghỉ do tai nạn lao động là 98.176 ngày”.


Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) công bố thông tin về tai nạn lao động trong năm 2016, tại cuộc họp báo về Tháng hành động an toàn - vệ sinh lao động lần thứ nhất năm 2017. Chương trình do Ban chỉ đạo Tháng hành động ATVSLĐ Trung ương tổ chức chiều 24/4 tại Hà Nội.

42 % vụ chết người do lỗi của người sử dụng lao động

Theo thống kê của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016, trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra 7.981 vụ tai nạn lao động làm 8.251 người bị nạn. Số vụ tai nạn lao động chết người là 799 vụ, làm chết 862 người.

Trong đó, số tai nạn lao động trong khu vực có quan hệ lao động là 7.588 vụ, làm 7.806 người bị nạn trong đó có 711 người chết.

Trong khu vực không có quan hệ lao động, theo báo cáo của 44/63 tỉnh và thành phố, số vụ tai nạn lao động là 393 vụ, làm 445 người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động bị nạn (151 người chết).

Theo Ban tổ chức, Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ nhất được tổ chức từ ngày 1- 31/5/2017. Lễ Phát động được tổ chức tại Cung Văn Hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) vào ngày 6/5/2017 với tinh thần đổi mới, tiết kiệm, hiệu quả hướng về doanh nghiệp, cơ sở.

Một trong những vấn đề được đại diện Cục An toàn lao động trăn trở là lực lượng thanh tra an toàn lao động còn ít.

“Khi tham mưu xây dựng dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị bổ sung ở mỗi huyện có thêm 1 thanh tra ATVSLĐ, nhưng chưa được. Trong khi đó, phạm vi thanh tra đã được mở rộng sang lĩnh vực phi chính thức với khoảng 35 triệu lao động. Khối lượng công việc sẽ tăng nhiều” - ông Hà Tất Thắng cho biết.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, các vụ tai nạn lao động chết người có nguyên nhân từ người sử dụng lao động chiếm 42,1%; từ người lao động chiếm 17,3%. Còn lại khoảng 40% do những các nguyên nhân khác.

Thanh tra xử phạt hơn 16 t đồng

Nhận định về tính xác thực của số liệu các vụ tai nạn lao động, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, cho rằng còn “vênh” so với thực tế. Vì nhiều trường hợp, người chủ sử dụng lao động thoả thuận bồi thường với phía gia đình người bị nạn để không khiếu kiện hoặc thông báo với cơ quan chức năng.

“Chỉ khi vào trong bệnh viện, người bị thương do tai nạn lao động mới khai báo với bác sĩ nguyên nhân chính xác để làm bệnh án. Do đó, con số báo cáo về tai nạn lao động giữa ngành LĐ-TB&XH và Bộ Y tế lệch khoảng 100 %” - ông Mai Đức Chính bổ sung.

Đánh giá về công tác thanh tra an toàn lao động, ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, số vụ thanh tra lao động và xử phạt vi phạm đã tăng vọt trong năm 2016.

“Năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện thanh tra an toàn lao động tại hơn 1.000 công trình xây dựng trong cả nước, qua đó góp phần giảm số vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng từ 35 % năm 2015 xuống còn 22 % trong năm 2016” - ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết.

Cũng theo thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, trước năm 2014, số tiền xử phạt các vi phạm an toàn lao động chỉ khoảng 4 tỉ đồng/năm. Từ năm 2015, việc thanh tra và xử phạt được chấp hành nghiêm hơn. Chỉ riêng năm 2016, Bộ đã xử phạt tới 16 tỉ đồng.

Tuy nhiên, việc xử phạt cũng chỉ có chừng mực. Ông Nguyễn Tiến Tùng nói: "Có những doanh nghiệp khi bị thanh tra phát hiện tối đa 28 lỗi, doanh nghiệp ít cũng có tối thiểu 7 lỗi. Nếu đem xử phạt hết thì khó và có thể ảnh hưởng tới nguồn việc làm của người lao động".

Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2016, trong khu vực có quan hệ lao động số nạn nhân là lao động nữ giảm 5,79%, số vụ TNLĐ giảm 0,42%, tổng số nạn nhân tăng 0,27%, số người chết tăng 6,75%, số vụ có người chết tăng 4,13%, số người bị thương nặng tăng 8,86%. Số vụ có từ 02 nạn nhân tăng 20,25%. Đặc biệt, TP HCM có số vụ tai nạn lao động năm 2016 tăng cao so với năm 2015 là 12,86%; Hà Nội, Bình Dương, Thanh Hóa có số người chết vì TNLĐ tăng cao so với năm 2015.

Hoàng Mạnh

Tin an toàn lao động:

28 người tử vong từ 18 vụ tai nạn lao động

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá, trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mặc dù giảm về số vụ, nhưng tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tăng đã khiến cho số người chết tăng cao. Trong đó, chỉ tính riêng 3 vụ tai nạn lao động đã cướp đi sinh mạng của 20 người.

Theo đó, năm 2016, trên địa bàn tỉnh này xảy ra 18 vụ tai nạn lao động làm chết 28 người, bị thương 9 người. Trong đó 3 vụ nghiêm trọng trong lĩnh vực khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng và xây lắp làm chết 20 người. Số vụ tai nạn lao động năm 2016 giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm 2015, nhưng số vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tăng đã làm cho số người chết tăng 16 người (28/12 người). Số vụ tai nạn giao thông năm 2016 được xem là tai nạn lao động tăng 8 vụ, tăng 12 người chết so với năm 2015. Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa thì nguyên nhân khách quan của tình trạng trên là với việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được một khối lượng lớn vốn đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp may mặc, da giày, đã tạo ra sự chuyển dịch một lượng lớn lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, xây dựng với trình độ tay nghề còn thấp, chưa có tác phong công nghiệp làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.

D.T