1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hàn Quốc: Lao động tự nguyện hồi hương không bị cấm tái nhập cảnh

(Dân trí) - Đây là chính sách được Bộ Tư pháp Hàn Quốc triển khai nhằm giảm tỉ lệ lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Thời hạn áp dụng từ ngày 1/4 - 30/9. VN có khoảng 15.000 lao động làm việc theo chương trình EPS đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Hàn Quốc: Lao động tự nguyện hồi hương không bị cấm tái nhập cảnh - 1

Theo đó, những lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại nước này nếu tự nguyện đăng ký về nước trong 6 tháng (từ ngày 1/4-30/9) sẽ không bị hạn chế tái nhập cảnh vào Hàn Quốc.

Cụ thể, đối tượng lao động trên được miễn xử phạt, trở về nước mà không bị giam giữ và được trở lại

Hàn Quốc sau khi được Cơ quan đại diện ngoại giao của Hàn Quốc ở nước ngoài cấp thị thực.

Trước đó, quy định cũ nêu rõ: Những lao động cư trú bất hợp pháp nếu bị bắt và trục xuất sẽ bị cấm nhập cảnh Hàn Quốc tối đa 10 năm. Chính sách đối với người tự nguyện hồi hương là cấm nhập cảnh trong thời gian 2 năm.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH VN), lao động VN cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc có nguyện vọng về nước cần có vé máy bay, hộ chiếu hoặc giấy thông hành còn thời hạn, khi đến sân bay quốc tế Inchon và sân bay Gimhac cần khai báo tự nguyện về nước tại văn phòng xuất nhập cảnh.

Với trường hợp người nước ngoài sử dụng hộ chiếu hoặc giấy tờ giả mạo để nhập cảnh Hàn Quốc, sẽ cần thêm thời gian để xác minh. Trong trường hợp này, người nước ngoài cư trú bất hợp pháp cầm đến sân bay sớm để tiến hành các thủ tục xác minh cần thiết.

VN đang có 15.000 lao động đi theo chương trình EPS đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn quốc, chiếm 34% tổng số lao động nước ngoài bất hợp pháp theo chương trình này.

Chính phủ Hàn Quốc sẽ tập trung đẩy mạnh các giải pháp quyết liệt nhằm giảm tỷ lệ lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp trong năm 2016. Sau thời gian này, người nước ngoài cư trú bất hợp pháp vẫn cố tình ở lại sẽ bị xử lý hình sự, bị buộc tội và tăng nặng mức xử phạt.

Từ năm 2012, Chính Phủ Hàn Quốc đã không tiếp tục duy trì bản thảo thuận bình thường về tiếp nhận lao động VN sang làm việc. Nguyên nhân bởi tỉ lệ người VN lao động hết hạn hợp đồng nhưng không về nước chiếm tỉ lệ kỷ lục với 58%. Tính tổng số lao động hết hạn hợp đồng không về nước của 14/15 nước (trừ VN) có lao động phái cử làm việc tại Hàn Quốc cũng chưa tới 20%.

Thay vào đó, Chính phủ Hàn Quốc chỉ chấp nhận ký Bản thỏa thuận đặc biệt (MOU) có thời hạn 1 năm. Bản thỏa thuận ký năm 2015 sẽ hết hạn vào tháng 4/2016.

Đến cuối năm 2015, tỉ lệ lao động VN tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng không về nước xuống còn trên 30 %.

Hoàng Mạnh